Chứng khoán Mỹ bề ngoài yên ắng lạ kỳ, bên trong lại cực kỳ hỗn loạn
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Nếu chỉ nhìn vào diễn biến của các chỉ số lớn, thị trường chứng khoán Mỹ đang hết sức tĩnh lặng. Nhưng nếu nhìn kỹ vào từng nhóm cổ phiếu, thị trường lại ẩn chứa sự náo động dữ dội nhất trong hàng thập kỷ.
Chỉ số S&P 500 bình yên đến mức gần như đáng sợ. Kể từ tháng 10 năm ngoái, chỉ số này chưa xảy ra sự điều chỉnh nào từ 5% trở lên dựa trên giá đóng cửa. Không có gì lạ khi nhiều nhà đầu tư mới chơi cổ phiếu từ đợt phong tỏa trong đại dịch nghĩ thị trường chỉ có thể đi lên.
Lần cuối thị trường chứng khoán Mỹ "sóng yên biển lặng" lâu đến vậy là năm 2017, giai đoạn thanh bình này sau đó kết thúc bởi biến động điên cuồng vào đầu năm 2018.
Tuy nhiên, khi nhìn vào diễn biến giá của các loại cổ phiếu thời gian gần đây, có thể thấy rằng chúng đang biến động nhiều hơn thông thường. Nhà đầu tư chuyển hướng dòng tiền giữa các ngành với tốc độ chóng mặt thường chỉ thấy trong các cuộc khủng hoảng. Tháng 3 đánh dấu khoảng cách lớn nhất giữa các nhóm ngành có cổ phiếu tăng giá mạnh nhất và lao dốc thảm nhất kể từ năm 2002.
Đo lường theo tương quan, mối liên hệ giữa động thái của cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu giá trị là yếu nhất kể từ năm 1995. Nhà đầu tư đang sử dụng cổ phiếu tăng trưởng và giá trị như đại diện cho việc tin tưởng hay chống lại triển vọng phục hồi kinh tế.
Trong khi đó, cổ phiếu vốn hóa lớn và vốn hóa nhỏ chưa bao giờ chuyển động tách rời với nhau đến vậy kể từ bong bóng công nghệ năm 2000 – một dấu hiệu đáng ngại.
Theo Wall Street Journal, đây là một khía cạnh khác của việc nhà đầu tư không còn lựa chọn nào khác ngoài cổ phiếu. Với trái phiếu Kho bạc Mỹ, trái phiếu doanh nghiệp và tiền mặt cung cấp lợi nhuận ít ỏi hoặc bằng 0, cổ phiếu là hy vọng tốt nhất để kiếm lời.
Những nhà đầu tư trước đây đã chuyển tiền từ cổ phiếu sang trái phiếu hay ngược lại giờ chỉ chuyển đổi giữa các loại cổ phiếu khác nhau. Mức giảm của nhóm cổ phiếu này được bù đắp bởi mức tăng của nhóm cổ phiếu khác, giúp thị trường luôn đứng vững.
Dĩ nhiên không có gì đảm bảo rằng mọi chuyện sẽ tiếp tục diễn ra như trên. Khi thực sự hoảng loạn, nhà đầu tư sẽ tháo chạy khỏi cổ phiếu, tiền mặt lại là vua giống như tháng 3 năm ngoái.
Một trong những giả thuyết rộng rãi của những người có quan điểm thận trọng là chứng khoán liên tục tăng giá do bong bóng khổng lồ được tạo ra bởi tiền rẻ và kích thích của chính phủ.
Chứng khoán đang ở mức đắt đỏ nhất kể từ năm 2000, trong khi đó tâm lý đầu cơ đang rất rõ ràng trong một số cổ phiếu. Một nhóm cổ phiếu nhỏ được nhà đầu tư nhỏ lẻ ưa thích thường xuyên nằm trong danh sách các mã được giao dịch nhiều nhất trong năm nay, đặc biệt là GameStop, AMC, Virgin Galactic và BlackBerry.
Không thể phủ nhận rằng chứng khoán hiện nay đắt đỏ hơn nhiều so với bình thường. Nhưng trong giai đoạn bong bóng được thổi phồng, chúng thường đi kèm với rất nhiều biến động, chứ không phải vẻ ngoài bình ổn và bên trong rối loạn như hiện nay. Vào năm 1999, có ít nhất 9 lần chỉ số S&P 500 giảm hơn 5%, và từ mức đỉnh vào tháng 7 đến tháng 10, S&P 500 mất tới 13%.
Lần này, Cục dự trữ liên bang (Fed) mới là mối đe dọa rõ ràng nhất tới thị trường chứng khoán Mỹ chứ không phải định giá quá cao. Nếu Fed tăng lãi suất, tiền mặt và trái phiếu ngay lập tức trở nên hấp dẫn hơn nhiều, nhà đầu tư có thêm lựa chọn ngoài việc mua cổ phiếu đắt đỏ.
Ông Robert Buckland, Giám đốc đầu tư cổ phiếu toàn cầu tại Citigroup nhận xét: "Có rất nhiều biến động bên trong thị trường nhưng nhìn tổng thể thì thị trường vẫn vững bước đi lên. Nếu nhà đầu tư có lựa chọn khác ngoài cổ phiếu, tình hình có thể thay đổi".
Cú hù dọa của Fed trong tháng này cho thấy giá chứng khoán nhạy cảm đến đâu khi nhà đầu tư nhận ra rằng họ có lựa chọn khác ngoài cổ phiếu. Fed tăng lãi suất hợp đồng repo nghịch đảo của cơ quan này từ 0% lên 0,05% và ngay lập tức hút được 235 tỷ USD.
Tín hiệu về khả năng Fed nâng lãi suất sớm hơn kế hoạch ban đầu nhanh chóng gia tăng áp lực lên thị trường, khiến chỉ số S&P 500 sụt 2% trong ba ngày trước khi lấy lại đà tăng.
Thị trường đã phản ứng rất mãnh liệt khi Fed gần như chưa làm gì, vậy nhà đầu tư sẽ hoảng loạn đến đâu khi Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất thông thường và một lần nữa tiền mặt lại có vẻ hấp dẫn? Tuy ít có khả năng kịch bản này sẽ sớm diễn ra, nhưng Fed là mối đe dọa số một có thể đưa sự náo động trong lòng thị trường chứng khoán Mỹ lên bề mặt.
Link gốc tại đây.
Theo Vietnambiz