Có còn ranh giới giữa tiền ảo và tiền thật?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Tiền ảo có thể đã qua khoảng thời gian tự do trong thế giới riêng của mình
Thế giới tài chính có những tranh cãi riêng của nó. Sự chú ý gần đây đang đổ vào cuộc đấu khẩu giữa những “tí hon” tiền ảo và những “khủng long” tiền pháp định. Những “tí hon” tiền ảo thì cho rằng tài chính nền tảng blockchain chính là tương lai và là nơi trú ẩn trước sự suy tàn không thể tránh khỏi của tiền pháp định. Ở phía bên kia chiến tuyến là các khủng long, lãnh đạo các ngân hàng trung ương. “Nói thật tôi khá hoài nghi về tiền ảo, vì chúng rất rủi ro,” theo Andrew Bailey, thống đốc Ngân hàng Anh.
Đây là thời điểm tốt cho những chú khủng long. Thị giá Bitcoin, trụ cột của các loại tiền ảo, rơi từ $58,000 xuống $33,000 chỉ trong vài tuần. Đợt giảm mạnh nhất xảy ra ngay sau khi CEO Tesla, Elon Musk, nói rằng hãng xe của ông sẽ ngừng nhận thanh toán bằng Bitcoin. Một loạt quy định tại Trung Quốc để ngăn chặn đào tiền đã khiến đà bán tháo tiếp diễn.
Hậu quả đến giờ vẫn chưa quá nhiều. Do chưa có thiệt hại vật chất nào có thể nhìn thấy được, tiền ảo vẫn là một thị trường song song tách rời với thị trường tài chính. Tuy nhiên quan điểm này đang trở nên ít dần. Tiền ảo, cũng như vàng, được xây dựng trên niềm tin về giá trị của nó. Nhưng giá các tài sản khác cũng thế. Và tiền ảo đang vượt quá ranh giới để phá vỡ thứ từng được coi là thế giới tách biệt của riêng mình.
Để hiểu được sự trỗi dậy của Bitcoin, hãy xem lại nghiên cứu của nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Thomas Schelling. Theo ông, con người sẽ tự thông đồng với nhau nếu họ biết những người khác cũng muốn làm giống mình. Trong nhiều trường hợp sẽ có một “điểm tập trung”, điểm con người tự phối hợp với nhau mà không hề đồng ý rõ ràng từ trước. Ví dụ, nếu được hỏi hãy chọn ra một số thực dương bất kỳ, sẽ có một số lựa chọn như 1, 7, 100,... Nhưng nếu được hỏi hãy chọn ra một số thực dương mà nhiều người khác cũng sẽ chọn, lựa chọn áp đảo sẽ là 1.
Lý thuyết này có thể áp dụng cho một số tài sản nhất định không có giá trị nội tại. Vàng, theo Schelling, là một lời giải thích cho trò chơi phối hợp. Vàng có giá trị vì nhiều người ngầm đồng ý là nó có giá trị. Giá trị của nó được củng cố bởi độ hiếm và sức bền. Willem Buiter, một nhà kinh tế học nổi tiếng, từng gọi vàng là “bong bóng sáu nghìn năm”. Bitcoin mới hơn, nhưng cũng gần giống như thế. Đương nhiên là công nghệ đằng sau nó cực kỳ tinh xảo (dù Ethereum, tiền ảo có giá trị lớn thứ hai, có một hệ thống tốt hơn), và đương nhiên nó vẫn được dùng trong giao dịch (ngoại trừ cho xe Tesla). Nhưng điểm mấu chốt ở đây là độ hiếm và sự nổi tiếng. Đây là một điểm tập trung tự nhiên. Như với vàng, tiền ảo có thể là một công cụ phòng tránh lạm phát tiền giấy.
Những sự kiện mới nhất vẫn cho thấy tiền ảo còn tách biệt với phần còn lại của tài chính. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn có thể thấy một mô hình khác. Có một mối liên kết giữa giá tiền ảo và vàng. Dòng tiền chảy vào các quỹ ETF vàng bắt đầu hồi lại cùng lúc với dòng tiền đang thoát ra khỏi các hợp đồng tương lai và quỹ ETF Bitcoin, theo một phân tích của Nikolaos Panigirtzoglou từ J.P. Morgan. Điều này cho thấy các nhà đầu tư tổ chức đang quay lại với vàng sau một thời gian quan tâm tới tiền ảo, vì giá Bitcoin tăng quá nhanh. Theo cách nhìn này, sự sụp đổ của Bitcoin và sự hồi sinh của vàng là một sự chuyển dịch tương đối trong nhóm các tài sản phòng tránh lạm phát.
Hơn nữa, rất khó để bỏ qua suy nghĩ sập sàn tiền điện tử sẽ gây nhiều ảnh hưởng. Đây là thị trường giá xuống lần thứ ba trong 4 năm, nhưng với lượng tiền lớn hơn nhiều. Vốn hóa tiền ảo vào giữa tháng Năm, theo trang coingecko.com, là hơn 2.5 nghìn tỷ USD. Hai tuần sau đó, nó đã tụt xuống 1.5 nghìn tỷ. Đây là số tiền cực lớn. Tiền ảo đang tăng trở lại, nên số tiền mất đi này đang hồi phục dần. Nhưng tại mỗi đỉnh mới, lại nảy sinh rủi ro lớn hơn. Và mỗi đô la mất đi trong đầu tư tiền ảo là một đô la được dành dụm hoặc vay mượn - kể cả khi rất khó để biết được chính xác ai là người chịu thua lỗ.
Có một điều khác để xem xét. Tiền ảo là tài sản mang tính đầu cơ cao. Do đó nhiều khả năng đây là sự thay đổi trong khẩu vị rủi ro của giới đầu tư. Niềm tin có ảnh hưởng lớn tới mọi loại tài sản, dù là tiền thật hay tiền ảo. Bây giờ bạn có thể bỏ qua pha sập sàn tiền ảo này, nhưng sẽ khó bỏ qua lần tiếp theo.
The Economist