Cuộc chiến giành nhân tài AI đang nóng lên
Tạ Thị Giang
Junior Analyst
Các ông lớn công nghệ vật lộn để lấp đầy khoảng trống nhân sự khi tình trạng “chảy máu chất xám” bắt đầu.
Bộ phận nhân sự của OpenAI có lẽ đang rất đau đầu. Kể từ đầu năm, nhà phát triển ChatGPT, chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) đình đám, đã mất khoảng một tá các nhà nghiên cứu hàng đầu. Cái tên đáng chú ý nhất là Ilya Sutskever, đồng sáng lập và là người chịu trách nhiệm cho nhiều đột phá lớn của công ty, đã tuyên bố từ chức vào ngày 14 tháng 5. Anh ta không đưa ra lý do, nhưng nhiều người nghi ngờ điều này liên quan đến những nỗ lực lật đổ Sam Altman, ông chủ của công ty, vào tháng 12 năm ngoái. Dù động cơ là gì thì tình trạng chảy máu chất xám này không hề hiếm gặp ở OpenAI. Theo ước tính, trong số hơn 100 chuyên gia AI mà công ty đã thuê kể từ năm 2016, khoảng một nửa đã rời đi.
Điều này không phản ánh khả năng lãnh đạo của ông Altman mà là một xu thế phổ biến trong ngành công nghệ, một xu thế mà chính OpenAI đã tạo ra. Kể từ khi ra mắt ChatGPT vào tháng 11 năm 2022, thị trường lao động AI đã có nhiều thay đổi. Zeki Research, một công ty nghiên cứu thị trường, ước tính có khoảng 20,000 công ty ở phương Tây đang tuyển dụng các chuyên gia AI. Những tiến bộ nhanh chóng trong học máy và tiềm năng của "sự chuyển đổi nền tảng" - thuật ngữ chuyên ngành công nghệ để chỉ việc tạo ra một lớp công nghệ hoàn toàn mới - đã thay đổi các loại kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu và nơi mà những người sở hữu các kỹ năng đó hướng đến. Kết quả là thị trường nhân tài AI, trước đây vốn bị các ông lớn công nghệ "gom hết", giờ đây đang ngày càng trở nên phân tán hơn.
Mặc dù các ông lớn công nghệ như Microsoft và Google có thể đang cắt giảm nhân sự ở các mảng ngoài kỹ thuật, nhưng họ đang săn tìm những nhà nghiên cứu “ngôi sao”, những người có khả năng hiểu và xây dựng các mô hình tiên tiến. Nhóm này chỉ gồm vài trăm người, chẳng hạn như Ilya Sutskever hoặc Jeff Dean. Các công ty thèm muốn những siêu sao này bởi họ có thể tạo ra những đột phá cải thiện đáng kể hiệu quả của hệ thống AI hoặc giúp chúng ít sai sót hơn. Điều này khiến họ trở nên vô cùng giá trị; nhiều người trong số họ nhận được mức lương bảy con số.
Một số nhà nghiên cứu được tuyển dụng mà không cần phỏng vấn, hoặc thậm chí là cả nhóm. Vào tháng 3, Microsoft đã tuyển dụng gần như toàn bộ nhân viên của Inflection AI, một startup đang xây dựng các mô hình tiên tiến, bao gồm cả người đồng sáng lập, Mustafa Suleyman. Động thái này được cho là đã thu hút sự chú ý của các cơ quan chống độc quyền tại Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC). (Ông Suleyman là thành viên hội đồng quản trị của công ty mẹ The Economist.) Mark Zuckerberg, ông chủ của Meta (công ty mẹ của Facebook), đã đích thân gửi email cho một số nhà nghiên cứu ở DeepMind, phòng thí nghiệm AI của Google, để cố gắng chiêu mộ họ.
Generative AI (AI tạo sinh) còn tạo ra những thay đổi thú vị cho thị trường nhân sự ở cấp độ thấp hơn. Theo dữ liệu từ Indeed, một trang web tuyển dụng việc làm, cứ 40 vị trí tuyển dụng lập trình viên phần mềm ở Mỹ thì có một vị trí đề cập đến các kỹ năng liên quan đến AI tạo sinh, loại AI giúp ChatGPT trở nên giống con người hơn. Đây là mức tăng hơn 100 lần kể từ đầu năm 2023 (xem biểu đồ 1). Amit Bhatia, nhà đồng sáng lập của Datapeople.io, một công ty nghiên cứu, cho biết trước khi có ChatGPT, một công ty công nghệ cỡ trung bình có thể chỉ cần thuê một vài kỹ sư AI để xây dựng các mô hình nhỏ nhằm thực hiện các tác vụ như phân tích cảm xúc trong email của khách hàng. Ngày nay, các mô hình tổng hợp có thể hoàn thành công việc này tốt hơn nhiều so với các nỗ lực nội bộ quy mô nhỏ.
Kết quả là một số kỹ sư AI hiện được giao nhiệm vụ xác định nên sử dụng hệ thống AI nào và cách kết nối nó với dữ liệu của công ty. Ông Bhatia lưu ý rằng tỷ lệ tin đăng tuyển dụng kỹ sư phần mềm đề cập đến "MLops" (viết tắt của Vận hành Học máy) đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2022.
Nhu cầu về các kỹ năng khác cũng gia tăng. Kelsey Szot, người đồng sáng lập của Adept, một công ty khởi nghiệp AI khác, chỉ ra những cá nhân có khả năng học hỏi nhanh chóng cách sử dụng các công cụ AI và có thể kết hợp chúng lại để tạo ra thứ gì đó mới mẻ và ấn tượng. Không giống như những tiến sĩ "giáo điều", họ đưa ra những ý tưởng thường không theo khuôn khổ học thuật. Nhưng theo bà Szot, họ có thể giải quyết vấn đề trong khoảng thời gian eo hẹp. Trong thế giới cạnh tranh khốc liệt của các startup AI, điều đó là vô giá.
Kết quả của tất cả nhu cầu này là sự dịch chuyển dòng chảy nhân tài.Trong nhiều năm, các kỹ sư đổ xô về nhóm năm công ty công nghệ hàng đầu: Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, Meta và Microsoft. Live Data Technologies, một công ty nghiên cứu, theo dõi sự dịch chuyển việc làm giữa các công ty. Trong số các nhân viên AI trong cơ sở dữ liệu của họ, tổng số nhân viên gia nhập ròng (số nhân viên tuyển dụng trừ đi số nhân viên nghỉ việc) của năm công ty lớn này trung bình là 168 người mỗi tháng trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2019 đến tháng 11 năm 2022, khi ChatGPT được ra mắt. Nhiều người rời khỏi một trong năm công ty lớn này đơn giản là để gia nhập một công ty khác trong nhóm.
Tuy nhiên, trong 9 tháng tiếp theo, dòng chảy nhân viên AI ròng đến các gã khổng lồ công nghệ đã đã đảo ngược thành dòng chảy ra trung bình mỗi tháng. Các công ty lớn hiện đang một lần nữa bổ sung nhân sự cho bộ phận AI của họ, ví dụ như lôi kéo những nhà nghiên cứu giỏi từ các công ty công nghệ ít tên tuổi hơn và có thành tích về AI kém ấn tượng hơn, chẳng hạn như IBM và Oracle. Nhưng tổng số nhân viên ròng mới vẫn chưa quay trở lại mức trung bình dài hạn của họ (xem biểu đồ 2).
Vậy các nhân tài AI đang đổ xô đi đâu? Một điểm đến hấp dẫn là Nvidia, một nhà sản xuất chip có "bộ xử lý đồ họa" (GPU) đang thúc đẩy sự bùng nổ của AI. Tham vọng của Nvidia không chỉ dừng lại ở phần cứng mà còn mở rộng sang phần mềm và ứng dụng. Tháng này, giá trị thị trường của công ty đã vượt qua 3 nghìn tỷ USD, vượt qua Apple và đang tiến gần Microsoft, hiện đang là công ty có giá trị nhất thế giới. Những người khác gia nhập vào các startup trưởng thành hơn, chẳng hạn như Databricks, một công ty về cơ sở dữ liệu và AI, và OpenAI (đã được đề cập trước đó trong bài viết).
Nhưng cứ bảy người rời khỏi các công ty công nghệ lớn thì lại có một người đến với các startup đang hoạt động bí mật ("stealth mode"), chưa công bố sản phẩm hoặc kế hoạch. Cả 8 tác giả của bài báo "Attention is all you need", được xuất bản năm 2017 và cung cấp nền tảng thuật toán cho mô hình AI tạo sinh hiện đại, đều đã rời khỏi Google, nơi họ từng làm việc. Bảy người trong số họ đã thành lập công ty riêng (người còn lại gia nhập OpenAI).
Một động lực khiến các chuyên gia AI chọn gia nhập các startup nhỏ có thể liên quan đến tài chính. Đối với một "phù thủy AI", phần thưởng tiềm năng từ việc sở hữu cổ phần trong một công ty thành công có thể dễ dàng vượt qua mức lương và quyền chọn mua cổ phiếu được cung cấp bởi những gã khổng lồ công nghệ. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu ngày càng mong muốn giải quyết các vấn đề có ý nghĩa hơn. Theo Zeki, kể từ năm 2015, số lượng nhà nghiên cứu AI tham gia lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mỗi năm đã tăng gấp 20 lần (điều này có thể giải thích tại sao Google đang phát triển Med-PaLM 2, một bác sĩ AI). Một động lực khác là tính tự chủ. Noam Shazeer, một trong những tác giả của bài báo về Attention, đã chia sẻ tại một hội nghị đầu tư mạo hiểm vào tháng 9 năm ngoái rằng: “Có quá nhiều rủi ro về thương hiệu đối với các công ty lớn khi tung ra bất kỳ thứ gì thú vị”. Sau đó, anh ta đã trở thành người đồng sáng lập của Character.ai, nền tảng cho phép người dùng tạo ra các chatbot với tính cách khác nhau.
Tin vui cho cả các gã khổng lồ công nghệ và các startup nhỏ là nguồn nhân lực AI đang gia tăng. Một nguồn cung đến từ các trường đại học. Theo báo cáo của Đại học Stanford, vào năm 2011, khoảng 41% tiến sĩ AI nhận việc trong ngành, gần bằng tỷ lệ những người theo đuổi sự nghiệp học thuật. Đến năm 2022, con số này đã tăng lên 71%. Các trường đại học cũng đang giảng dạy về AI nhiều hơn. Số lượng chương trình đào tạo AI bằng tiếng Anh đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2017. Naveen Rao của Databricks nhận định: "Tất cả các khoa Khoa học máy tính đang trở thành khoa Khoa học học máy."
Đối với các công ty Mỹ, vốn thống trị ngành AI toàn cầu, tuyển dụng nhân tài từ nước ngoài là một cách khác để giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhân lực. Vào tháng 10, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm nới lỏng các quy định về nhập cư để cho phép nhiều chuyên gia AI được học tập và làm việc tại Mỹ hơn. Google và Microsoft đã gửi thư cho Bộ Lao động để thể hiện sự ủng hộ đối với kế hoạch này. Các chính phủ khác cũng mong muốn điều tương tự. EU đang lên kế hoạch cho các chương trình đào tạo và trợ cấp. Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch thu hút nhân tài đến đất nước họ bằng nhiều cách, trong đó có việc thành lập các học viện AI ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Ở mọi cấp độ, cuộc cạnh tranh giành nhân tài AI đang nóng lên.
The Economist