Đã đến lúc cầu cứu G7? Có ba cách G7 giúp được thị trường lúc này
Quỳnh Nguyễn
Currency Analyst
Góc nhìn của Kathy Lien - BkAssetManagement
Thị trường tài chính bị tổn thất nặng nề ngày hôm qua với Chỉ số Dow Jones giảm -2,013 điểm. Tiền tệ bị ảnh hưởng nặng khi Lợi suất Kho bạc giảm xuống mức thấp kỷ lục mới. Đồng đô la Mỹ giảm xuống mức yếu nhất so với đồng Yên Nhật trong 3 năm và giảm mạnh so với đồng Thụy Sĩ, Euro và đồng bảng Anh. Khối lượng giao dịch (Volatility) chạm mức đỉnh nhiều năm và đối với một số cặp tiền như USD/JPY, khối lượng 3 tháng đạt mức cao nhất kể từ năm 2008.
Nhu cầu thị trường đối với đô la Mỹ đang biến mất nhanh chóng với việc các nhà đầu tư đang định giá một đợt cắt giảm lãi suất khác từ 50 đến 75 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang trong hai tháng tới. Sự sụt giảm nhanh chóng của đồng đô la tạo ra vấn đề cho các quốc gia khác vốn đang chịu tác động kinh tế và xã hội từ Coronavirus.
Các nhà đầu tư đã chuyển sang Yên Nhật và Franc Thụy Sĩ để đảm bảo an toàn và điều này lại gây áp lực không nhỏ cho Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Nền kinh tế Nhật Bản có nguy cơ suy thoái sau khi GDP quý 4 giảm 7%. Điều này kết hợp với đồng tiền đang tăng giá nhanh tác động vào lĩnh vực xuất khẩu, khiến Ngân hàng Nhật Bản không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải có hành động đối phó. Trong 24 đến 48 giờ tới, dự tính sẽ có sự can thiệp bằng lời nói và có thể cả về hành động từ Ngân hàng Nhật Bản.
Chúng tôi cũng hy vọng ECB sẽ nới lỏng vào thứ Năm để ngăn chặn sự gia tăng của đồng euro. Việc giá dầu thô lao dốc sẽ buộc Ngân hàng Canada và Ngân hàng Mexico giảm lãi suất một lần nữa vì vậy hãy lường trước rằng hai đồng tiền này sẽ còn yếu đi. Mexico nói riêng vẫn còn dư địa để nới lỏng. Về mặt lý thuyết, giá dầu giảm sẽ giúp chi tiêu nhiều hơn nhưng nếu người tiêu dùng không muốn ra ngoài và chi tiêu thêm thì lợi ích này phần lớn sẽ bị hạn chế.
Các nhà đầu tư đang chờ phản hồi từ Washington. Chúng ta biết rằng Tổng thống Trump đang tích cực xem xét kích thích tài khóa. Mặc dù một số nhà đầu tư đang tìm kiếm một lần cắt giảm ngoài lịch trình khác từ FED, thì hành động cắt giảm này sẽ không mấy hiệu quả nếu không có hỗ trợ tài khóa. Thị trường đã rất chật vật sau cú cắt giảm 50 điểm lần gần đây nhất và chúng ta còn cách quyết định lãi suất tháng Ba khoảng hơn một tuần nữa. FED có thể chờ đợi để kết hợp nỗ lực này với Nhà Trắng hoặc kết hợp với các đối tác G7 để tung ra “một cú đấm mạnh mẽ hơn”.
Các lựa chọn kích thích tài khóa là ưu tiên hàng đầu của Washington và trong 24-48 giờ tới, họ có thể đưa ra gợi ý về việc sẽ sử dụng gói hỗ trợ nào để ngăn chặn sự trượt giá của chứng khoán. Cách mà thị trường phản ứng sẽ phụ thuộc vào việc Nhà Trắng sẽ kích thích kinh tế một cách “có mục tiêu” như Larry Kudlow gợi ý, hay sẽ hỗ trợ toàn cầu một cách tổng thể như thị trường đang mong đợi. Gói kích thích càng lớn thì cổ phiếu càng có cơ hội phục hồi.
Các nhà giao dịch cũng có thể chờ đợi phản ứng phối hợp của G7. Rõ ràng là họ đã có hành động nới lỏng riêng rẽ gần đây nhưng thị trường không hề có phản ứng tích cực và các khoản thua lỗ tiếp tục gia tăng, vậy nên động thái tiếp theo là cần phải phối hợp với nhau. Hợp đồng hoán đổi Đô la (Dollar swap lines) là cách thức phối hợp dễ dàng nhất, hoặc các lựa chọn khác bao gồm nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khoá phối hợp. Nếu một phản ứng phối hợp của G7 xảy ra, chúng tôi mong đợi một đợt tăng giá bùng nổ và mạnh mẽ, bởi vì sóng tăng trong một thị trường đã giảm giá sâu luôn là sóng tăng rất mạnh.