Đầu tư vàng và bạc: Đâu là sự khác biệt?
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Cả hai kim loại quý này đều tăng rất mạnh mẽ trong năm nay. Tuy nhiên, giữa chúng có những điểm khác biệt mà bạn cần quan tâm.
Tính đến thời điểm này của năm, các nhà đầu tư vào vàng và bạc đã có những thắng lợi lớn, đặc biệt là khi so sánh lợi nhuận của chúng với cổ phiếu.
Giá trị của vàng và bạc đã tăng lần lượt 24% và 33% tính từ đầu năm cho đến nay. Con số đó lớn hơn rất nhiều so với mức tăng chỉ 3.2% của chỉ số chứng khoán S&P 500.
Vàng và bạc đều có điểm chung là các tài sản phi lợi suất, không có dòng tiền định kỳ như cổ tức hoặc coupon, và cả hai đều yêu cầu nhà đầu tư trả chi phí lưu trữ. Nhưng có thể có những khác biệt khiến cho một kim loại phù hợp hơn với danh mục đầu tư của một nhà đầu tư hơn kim loại kia.
Hãy tìm hiểu một số điểm khác nhau giữa vàng và bạc.
Thanh khoản
Theo Rohit Savant, phó Chủ tịch nghiên cứu tại công ty tư vấn hàng hóa CPM Group, có trụ sở tại New York, cho biết thị trường vàng có tính thanh khoản cao hơn nhiều so với thị trường bạc.
Vàng cũng lớn hơn về giá trị của nguồn cung hàng năm. Năm 2019, thị trường vàng toàn cầu được định giá 24.5 nghìn tỷ USD, gấp hơn 5 lần giá trị 4.4 nghìn tỷ USD của thị trường bạc, theo ước tính từ của CPM trong các báo cáo thường niên tương ứng. Ông Savant nói: “Thị trường bạc tương đối kém thanh khoản hơn với mức độ rủi ro cao hơn một chút so với giao dịch vàng.”
Trong khi các nhà đầu tư cá nhân có thể dễ dàng giao dịch mua bán cả vàng và bạc, tính thanh khoản tốt hơn đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư mua hoặc bán số lượng lớn vàng sẽ làm giá trị hàng hóa thay đổi ít. Sự thiếu thanh khoản tương đối trên thị trường bạc có thể khiến một số người có nhu cầu mua kim loại quý quy mô lớn lựa chọn vàng thay thế cho bạc. Sự khác biệt về tính thanh khoản này không phải là vấn đề đối với những người muốn giao dịch khối lượng nhỏ, như những retail trader.
Biến động
Thị trường bạc biến động mạnh hơn thị trường vàng, có thể là điều tốt hoặc điều xấu, tùy thuộc vào phong cách đầu tư.
Đối với các nhà giao dịch muốn kiếm lời từ chênh lệch giá, sự biến động mạnh của bạc rất tốt đối với họ, bởi giá dao động mạnh hơn mà các nhà giao dịch có thể khai thác chúng triệt để.
William Rhind, người sáng lập và Giám đốc điều hành của quỹ ETF GraniteShares có trụ sở tại New York, cho biết: “Lợi thế lớn nhất đối với bạc là tính biến động.”
Tại sao bạc biến động mạnh hơn? Một lý do, như đã nói, là quy mô của các thị trường. Hơn nữa, phần lớn bạc được khai thác và sản xuất song song trong quá trình khai thác các kim loại khác như đồng và chì. Điều đó có nghĩa là khi giá bạc tăng lên, nguồn cung không nhất thiết phải được mở rộng, điều này sẽ có xu hướng làm giảm đà tăng.
Theo dữ liệu do CPM Group cung cấp, trong các thị trường tăng, bạc vượt trội đáng kể hơn vàng. Từ năm 2001 đến năm 2011, vàng tăng 636% trong khi bạc tăng 904% cũng trong khoảng thời gian đó. Từ năm 1993 đến năm 1996, vàng tăng 28% trong khi bạc tăng 63%.
Tuy nhiên, sự biến động lớn hơn cũng đồng nghĩa với rủi ro nhiều hơn. Như chúng ta đã thấy vào đầu năm nay, giá bạc đã giảm nhiều hơn so với giá vàng trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Các nhà đầu tư ngắn hạn cần đủ nhanh nhẹn để thoát khỏi giao dịch khi xu hướng giá có dấu hiệu đảo chiều. Và việc phát hiện những hành động giá này là điều khó khăn ngay cả đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Đa dạng hóa
Nhiều nhà đầu tư thêm kim loại quý vào danh mục của họ vì giá của những tài sản này có xu hướng ít tương quan với giá của các chứng khoán khác như cổ phiếu và trái phiếu, do đó làm giảm rủi ro danh mục tổng thể. Khi cổ phiếu giảm giá, kim loại quý có thể tăng, cũng có thể giảm hoặc đi ngang.
Nhưng khi nói đến sự đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro hoặc hedging, vàng có lợi thế hơn bạc.
Ông Rhind nói: “Bạc có liên quan nhiều hơn đến chu kỳ kinh doanh. Khi nền kinh tế đang hoạt động tốt, nhu cầu công nghiệp đối với bạc ngày càng nhiều và điều đó có thể ảnh hưởng đến giá cả. Có rất ít việc sử dụng vàng trong công nghiệp. Vàng không liên quan nhiều hơn và không liên quan đến mọi thứ.
Thông thường, các ngân hàng trung ương mua vàng, không phải bạc, như một cách để đa dạng hóa rủi ro khi nắm giữ các loại tiền tệ khác, bao gồm cả Dollar Mỹ, ông nói.
Chi phí lưu trữ
Các khoản đầu tư vào bạc hoặc vàng có liên quan đến một số chi phí nhất định, cụ thể là chi phí lưu trữ (storage cost) hay bảo hiểm tài sản mà hầu hết các loại hình đầu tư chứng khoán không có. Nếu bị đánh cắp, sẽ khó để theo dõi và lấy lại vàng hay bạc, vì vậy các nhà đầu tư thường đặt tài sản của họ trong hầm chứa hoặc các cơ sở an toàn khác. Các nhà đầu tư phải trả phí cho việc sử dụng không gian an toàn như vậy, bảo hiểm tài sản và sau đó là phí vận chuyển kim loại khi thực hiện mua bán.
Giữa vàng và bạc, có những sự khác biệt về các chi phí này.
Các nhà đầu tư sẽ cần sử dụng nhiều không gian hơn trong một căn hầm an toàn để cất trữ 1 triệu dollar bạc so với 1 triệu dollar vàng. Đó là bởi vì 1 triệu dollar sẽ mua được hơn 42,000 ounce bạc so với 530 ounce vàng ở mức giá gần đây. Một thỏi vàng tiêu chuẩn thường nặng 400 ounce. Ông Savant nói: “Về mặt lưu trữ hoặc vận chuyển thì vàng là một lựa chọn tốt hơn".
Đối với các nhà đầu tư mua vàng hoặc bạc thông qua ETF hoặc các quỹ đầu tư khác, các chi phí này có thể không phải là vấn đề, vì chi phí quỹ hàng năm thường sẽ thấp. Ví dụ, các quỹ SPDR ETF vàng và iShare Silver Trust đầu tư bạc có chi phí lần lượt là 0.4% và 0.5% mỗi năm trên tổng giá trị tài sản. Họ được hưởng lợi chi phí do quy mô tài sản lớn, nhưng những chi phí này vẫn cao hơn nhiều so với SPDR S&P 500, với chi phí mỗi năm chỉ 0.09%.