Tại sao lãi suất tăng dễ làm "tổn thương" thị trường chứng khoán?
Vào ngày 18/12/2018, Cục Dự trữ Liên bang (FED) quyết định tăng lãi suất lên 25 điểm cơ bản. Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nhà đầu tư không hài lòng với động thái này, khi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đóng cửa năm 2018 trong vùng tiêu cực lần đầu tiên kể từ năm 2009. Vậy chính xác thì lý do gì khiến cổ phiếu có xu hướng giảm khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất?
Để hiểu lý do việc tăng lãi suất có xu hướng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Trước tiên, cần phải hiểu tại sao NHTW muốn tăng lãi suất?
Vế đầu tiên của phương trình có thể giải thích từ thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, khi chi phí cho vay thấp sẽ thúc đẩy xu hướng tiêu dùng tăng lên. Được thể hiện rõ nhất qua việc người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng hoặc các khoản vay lớn từ ngân hàng với “chi phí” rẻ hơn. Nhưng với bất kỳ khoản tín dụng hoặc cho vay nào, vẫn có khả năng người vay sẽ không hoàn trả nợ khi đến hạn. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng bù đắp những rủi ro này bằng cách tính lãi suất cho các khoản vay của khách hàng.
Khi NHTW giữ mặt bằng lãi suất thấp, các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ dễ dàng tiếp cận các gói tín dụng rẻ hơn. Trong hầu hết các trường hợp, việc điều chỉnh lãi suất sẽ thúc đẩy sự gia tăng hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng. Qua đó, kích thích nền kinh tế và tăng định giá giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp với kỳ vọng kết quả kinh doanh được cải thiện nhờ gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng.
Trong biểu đồ trên, chúng ta có thể thấy tác động của chính sách lãi suất đối với chi tiêu của người tiêu dùng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 là giai đoạn đặc trưng bởi mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục. Động thái này của Fed đã tạo ra "làn sóng" tăng mạnh chi tiêu của người tiêu dùng trong hầu hết các loại tài sản. Ngay cả các giao dịch giá trị lớn như mua ô tô, nhà ở,... cũng được hưởng lợi từ xu hướng này, vì lãi suất cho vay giảm khiến các gói tín dụng dễ dàng thực hiện đối với tài sản giá trị.
Ngược lại, khi lãi suất ở mức cao, hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng chậm lại do chi phí đi vay đắt hơn. Dẫn đến giảm hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp, kéo theo sau đó là hiệu ứng giảm các chỉ số kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP. Do đó, khi dự báo về các chỉ số kinh tế vĩ mô kém khả quan dẫn đến tâm lý kém lạc quan của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Khi Fed quyết định tăng lãi suất, các chỉ số quan trọng trên thị trường chứng khoán như S&P 500, NASDAQ và chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones thường bị sụt giảm. Qua biểu đồ trên, chúng ta có thể lý giải được tại sao các chỉ số chứng khoán lại có xu hướng như vậy? Trong các giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (vùng màu xám), các đơn đăng ký vay thế chấp, chi tiêu thẻ tín dụng và mua ô tô có xu hướng chậm lại. Do chi phí đi vay tăng làm cho các khoản mua sắm này "đắt" hơn và việc cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng nói chung sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, định giá giá trị cổ phiếu có xu hướng giảm mạnh trong những giai đoạn này.