Những yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Dầu là một loại hàng hóa vô cùng nhạy cảm với các yếu tố cơ bản. Bạn đã biết gì về chúng?
Yếu tố kinh tế vĩ mô
Tăng trưởng kinh tế
Dầu là một nguồn nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong phần lớn hoạt động kinh tế. Vì vậy, khi GDP tăng trưởng, các hoạt động kinh tế tăng lên khiến nhu cầu tiêu thụ dầu tăng lên, điều này khiến giá dầu cũng tăng.
Đại dịch COVID-19 đã hủy hoại nhu cầu dầu, điều này khiến giá dầu trượt dốc liên tục từ mức $65/thùng xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử. Tuy vậy, sau đó giá dầu đã hồi phục gắn liền với sự hồi phục trong GDP.
Các nhiên liệu thay thế
Vấn đề ô nhiễm không khí cũng như biến đổi khí hậu đang khiến các nhà hoạch định chính sách thêm đau đầu về việc tìm kiếm các nhiên liệu thay thế cho xăng, dầu. Nhiên liệu sinh học, khí thiên nhiên, hay năng lượng mặt trời, gió, là những nguồn năng lượng sạch tiềm năng có thể thay thế cho các nhiên liệu truyền thống. Khi nhu cầu đối với các loại năng lượng thay thế tăng lên, nhu cầu dầu sẽ giảm xuống và khiến giá dầu giảm.
Việc giá dầu tăng trong những năm 70 của thế kỷ 20 trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng dầu mỏ xảy ra đã khiến ngành công nghiệp có thêm động cơ chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu thay thế như khí thiên nhiên, điều này khiến cho giá dầu liên tục giảm trong thập niên kế tiếp từ mức gần $40/thùng xuống mức đáy $10/thùng.
Ngày nay, xăng, dầu vẫn là nguồn nhiên liệu phổ biến, khi các nguồn năng lượng tái tạo đang gặp khó khăn trong vấn đề thương mại hóa. Tiến trình phát triển của các nguồn năng lượng này sẽ là một yếu tố tác động lên giá dầu.
Nhu cầu của các sản phẩm chế biến
Dầu thô là nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm như xăng, dầu hỏa, dầu diesel, khí thiên nhiên hóa lỏng, dầu sưởi,… Các sản phẩm chế biến này có các tính chất khác nhau và có tính chất cung cầu khác nhau. Chẳng hạn vào mùa đông, nhu cầu sử dụng dầu sưởi tăng lên khiến lượng dầu thô đầu vào được dùng để sản xuất tăng lên, điều này có thể củng cố giá dầu.
Xu hướng của đồng Dollar
Chế độ petrodollar vẫn được áp dụng cho đến tận bây giờ, giá dầu trên thế giới luôn được yết theo đồng USD. Khi USD suy yếu, các quốc gia khác sẽ mua được USD với giá rẻ hơn, vì vậy nhu cầu dầu cũng tăng lên, thúc đẩy giá dầu.
Nguồn cung dầu thô
Sản lượng khai thác
Đây chính là sản lượng dầu được khai thác từ các dàn khoan dầu tại thượng nguồn. Hiện tại, sản lượng dầu trên thế giới chịu sự quản lý bởi OPEC.
Sản lượng tác động tới giá dầu theo định luật về cung đơn giản: khi sản lượng giảm, nguồn cung giảm và khiến giá dầu tăng, và ngược lại.
Sức chứa kho bãi
Khi các kho chứa dầu bị lấp đầy các chỗ trống, các thùng dầu mới được khai thác sẽ không có chỗ chứa, điều này buộc nguồn cung phải được cắt giảm để có thể giảm thiểu sự quá tải, dẫn đến giá dầu tăng.
Tại Mỹ, số liệu tồn kho dầu thô sẽ được công bố vào thứ 4 hàng tuần, điều này sẽ có ảnh hưởng tới giá dầu.
Chi phí sản xuất dầu
Khi chi phí sản xuất quá cao, các doanh nghiệp khai thác sẽ không có nhiều lợi nhuận, họ sẽ giảm thiểu công suất để tối thiểu chi phí. Điều này dẫn đến nguồn cung bị cạn kiệt và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng dầu mỏ: giá quá cao trong khi nguồn cung khan hiếm.
Các chi phí có thể phát sinh trong quá trình sản xuất là chi phí vận hành khai thác, phí vận chuyển, chi phí thùng chứa (liên quan đến giá sắt).
Thiên tai
Những cơn bão ngoài biển sẽ buộc các dàn khoan dầu ngoài khơi phải dừng hoạt động. Nếu sản lượng bị ảnh hưởng đáng kể, giá dầu sẽ tăng mạnh. Cơn bão Katrina năm 2005 là một ví dụ, 10% sản lượng dầu tại Mỹ đã bị ảnh hưởng.
Địa chính trị
Những cuộc xung đột, chiến tranh hay khủng bố ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ tới giá dầu, không ít lần trong lịch sử, giá dầu chứng kiến những cú sốc. Chiến tranh có thể hủy hoại các dàn khoan và nhà máy sản xuất, cũng như việc nhu cầu quân sự cần rất nhiều dầu thô khiến giá dầu có thể tăng vọt. Năm 2007, các vụ xung đột tại Trung Đông cũng như vụ ám sát thủ lĩnh phe đối lập Pakistan, bà Bhutto đã khiến thị trường dầu tăng cực nóng trong giai đoạn 2007-2008.
Hiện tại, rủi ro địa chính trị vẫn còn tiềm ẩn tại các quốc gia Trung Đông như Ả Rập Xê Út, Iraq, Pakistan, đây là những nơi có sản lượng dẫn đầu thế giới.