Trái phiếu – Phần 1: Các khái niệm cơ bản

Trái phiếu – Phần 1: Các khái niệm cơ bản

Anh Tùng, CFA

Anh Tùng, CFA

Senior Analyst

10:08 24/08/2020

Trái phiếu là một loại chứng khoán thể hiện nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành đối với người sở hữu trái phiếu.

Trái phiếu (bonds) là một loại chứng khoán thể hiện nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành đối với người sở hữu trái phiếu (vì vậy còn có tên là chứng khoán nợ). Thông thường, những tổ chức có thể phát hành trái phiếu (issuers) là các doanh nghiệp, các ngân hàng, tổ chức tín dụng và thậm chí là Chính phủ, nhằm huy động vốn dưới dạng nợ. Những người sở hữu trái phiếu có thể là cá nhân hoặc tổ chức, được gọi là trái chủ (bondholders). Các tổ chức phát hành trái phiếu có nghĩa vụ thanh toán tiền gốc và lãi cho các trái chủ theo một lãi suất và kỳ hạn nhất định được quy định trên trái phiếu.

CÁC THÔNG TIN CƠ BẢN

Một trái phiếu có các thông tin cơ bản sau mà bạn cần quan tâm:

1. Mệnh giá (face value, par value): thể hiện nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành. Điều đó có nghĩa là tổ chức phát hành có nghĩa vụ trả cho trái chủ một khoản tiền gốc đúng bằng mệnh giá vào ngày đáo hạn.

2. Trái tức - Lãi suất coupon (coupon rate): là lãi suất của khoản nợ mà tổ chức phát hành cần phải thanh toán hàng năm cho trái chủ. Các khoản thanh toán coupon hàng năm được tính toán dựa trên mệnh giá. Ví dụ, một trái phiếu có mệnh giá $100, lãi suất coupon bằng 10% có nghĩa là issuer cần thanh toán cho trái chủ một khoản lãi suất $10 mỗi năm.

Coupon có thể được thanh toán một lần mỗi năm, hoặc mỗi nửa năm, mỗi quý,… tùy thuộc vào tổ chức phát hành. Vẫn theo ví dụ trên, nếu kỳ hạn thanh toán lãi suất của trái phiếu này là 3 tháng/lần thì sau mỗi 3 tháng, tổ chức phát hành cần phải thanh toán $2.5 cho trái chủ.

Lãi suất coupon có thể là lãi suất cố định hoặc thả nổi. Đối với trái phiếu thả nổi lãi suất, lãi suất coupon sẽ được quy định dựa trên các lãi suất thị trường (ví dụ, trái phiếu A được thanh toán với lãi suất bằng LIBOR cộng thêm 3%). Ngoài ra, còn có thể có những loại trái phiếu không có lãi suất (zero-coupon bond).

3. Kỳ hạn (maturity): là khoảng thời gian tính từ thời điểm phát hành trái phiếu cho đến ngày đáo hạn (maturity date). Vào ngày đáo hạn, tổ chức phát hành sẽ thanh toán toàn bộ số tiền gốc bằng với mệnh giá cho trái chủ, khi đó nghĩa vụ nợ của issuer sẽ chấm dứt. Kỳ hạn của trái phiếu rất đa dạng, có thể từ vài tháng đến 1 năm, 2 năm, 5 năm cho đến 30 năm, thậm chí là không kỳ hạn.

Ngoài ra, trái phiếu còn có các điều khoản, các quyền chọn đi kèm.

CÁC LOẠI TRÁI PHIẾU

Có rất nhiều loại trái phiếu theo nhiều cách phân loại khác nhau. Bài viết chỉ giới thiệu một số loại trái phiếu phổ biến.

1. Phân loại theo tổ chức phát hành

  • Trái phiếu doanh nghiệp (corporate bond): được phát hành bởi các công ty, tập đoàn. Phần lớn issuers là các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng.
  • Trái phiếu chính phủ (soveregin bond hoặc government bond): được phát hành bởi chính phủ của một quốc gia. Kho bạc (Treasury) là tổ chức đứng ra phát hành trái phiếu chính phủ. Trái phiếu chính phủ có thể được phát hành bằng đồng nội tệ, hoặc ngoại tệ nhằm huy động ngoại tệ phục vụ cho những mục đích thanh toán quốc tế.
  • Trái phiếu địa phương (non-soveregin bond): được phát hành bởi cơ quan đứng đầu các địa phương (tỉnh, thành phố, bang)
  • Trái phiếu của tổ chức đa quốc gia (supranational bond): được phát hành bởi các cơ quan đa quốc gia như Quỹ tiền tệ quốc tế IMF hoặc World Bank.
  • Trái phiếu được chính phủ bảo lãnh (agency bond): được phát hành bởi các tổ chức được bảo lãnh bởi chính phủ. Hai tổ chức đình đám này tại Mỹ đó là Fannie Mae và Freddie Mac.

2. Phân loại theo kỳ hạn

  • Trái phiếu có kỳ hạn dưới 1 năm: bao gồm hai loại hình chính là tín phiếu Kho bạc (Treasury bill) và thương phiếu (commercial paper, được phát hành bởi các doanh nghiệp).
  • Trái phiếu có kỳ hạn trên 1 năm.
  • Trái phiếu không kỳ hạn.

3. Phân loại theo lãi suất: bao gồm trái phiếu có lãi suất cố định, trái phiếu có lãi suất thả nổi và trái phiếu không có lãi suất (sẽ được nói rõ hơn vào phần 2).

LỢI NHUẬN VÀ RỦI RO KHI ĐẦU TƯ TRÁI PHIẾU

Trong cơ cấu nguồn vốn của một cơ quan, tập đoàn hoặc chính phủ, vốn nợ luôn được ưu tiên thanh toán trước vốn cổ phần. Vì vậy rủi ro của trái phiếu có thế cho là thấp hơn nhiều so với cổ phiếu. Tuy nhiên, “high risk, high return”, lợi nhuận mang lại đến từ trái phiếu cũng sẽ thấp hơn đáng kể so với cổ phiếu trong những giai đoạn thị trường nhất định.

Có hai nguồn lợi nhuận bạn có thể thu được khi đầu tư trái phiếu, bao gồm lãi suất và lợi nhuận đến từ chênh lệch giá trị thị trường. Nếu trái phiếu được nắm giữ đến ngày đáo hạn, bạn chắc chắn sẽ có lãi nếu như issuers không bị vỡ nợ, bất chấp giá trị trái phiếu có thể tăng hoặc giảm.

So sánh lợi nhuận của danh mục cổ phiếu (đỏ) và trái phiếu (xanh)

Không một loại hình đầu tư nào là không có rủi ro, và trái phiếu cũng vậy. Một rủi ro luôn được quan tâm trước khi đầu tư vào trái phiếu đó là rủi ro vỡ nợ (default risk), đo lường xác suất mà tổ chức phát hành không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ. Trái phiếu doanh nghiệp luôn có một tỷ lệ rủi ro nhất định, còn trái phiếu chính phủ (được phát hành bằng nội tệ) chắc chắn không có rủi ro này, bởi chính phủ có thể thu thuế từ người dân, hoặc in tiền để trả nợ. Vì vậy lãi suất đến từ trái phiếu chính phủ hầu như luôn thấp hơn trái phiếu doanh nghiệp. Mặt khác, trái phiếu chính phủ được phát hành bằng ngoại tệ tồn tại rủi ro vỡ nợ cao hơn, phụ thuộc vào dự trữ ngoại hối của quốc gia. Trường hợp vỡ nợ của Argentina gần đây khi nước này không thể thanh toán lãi suất cho các khoản vay quốc tế là một ví dụ.

Ngoài ra, rủi ro biến động lãi suất cũng là một rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư vào trái phiếu.

(còn tiếp)

Broker listing

Cùng chuyên mục

Tại sao lãi suất tăng dễ làm "tổn thương" thị trường chứng khoán?

Tại sao lãi suất tăng dễ làm "tổn thương" thị trường chứng khoán?

Vào ngày 18/12/2018, Cục Dự trữ Liên bang (FED) quyết định tăng lãi suất lên 25 điểm cơ bản. Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nhà đầu tư không hài lòng với động thái này, khi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đóng cửa năm 2018 trong vùng tiêu cực lần đầu tiên kể từ năm 2009. Vậy chính xác thì lý do gì khiến cổ phiếu có xu hướng giảm khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất?
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ