Đây mới là lý do thực sự đằng sau đà tăng của Vàng thời gian gần đây!
Giảm phát, chứ không phải lạm phát, mới chính là động lực thúc đẩy giá vàng
Vàng từ lâu đã nổi tiếng là một tài sản lý tưởng để phòng vệ rủi ro lạm phát, vì vậy nếu giá vàng tăng, chắc chắn thị trường đã “đánh hơi” thấy rủi ro lạm phát. Crispin Odey, một nhà quản lý phòng hộ ở châu Âu, thậm chí còn đưa ra nhận định rằng các chính phủ có thể sẽ cấm sở hữu vàng tư nhân nếu họ mất kiểm soát lạm phát sau đại dịch Covid–19.
Nhưng những suy nghĩ đó không đúng với thực tế. Lạm phát đã giảm do đại dịch, chứ không hề tăng. Chỉ số giá tiêu dùng giảm 0.4% vào tháng Ba và 0.8% vào tháng Tư. Sự suy yếu của nhu cầu thị trường do tỷ lệ thất nghiệp cao có tác động lớn hơn so với việc nguồn cung suy giảm do các nhà máy, lò mổ ,… đóng cửa. Chắc chắn rằng, Cục dự trữ Liên bang Mỹ đang cung cấp rất nhiều những khoản vay với chi phí thấp, nhưng nếu không có nhu cầu từ người đi vay, thì những khoản vay này hầu như không có tác dụng gì với nền kinh tế. Vậy nên, Fed cũng không làm tăng lạm phát.
Có một lời giải thích hợp lý hơn cho sự tăng giá gần đây của Vàng. Đó là Vàng tăng giá khi lãi suất giảm. Cặp biểu đồ phía trên cho thấy mối quan hệ đó. Nếu bạn điều chỉnh giá vàng theo lạm phát, bạn sẽ thấy vàng giảm vào đầu thập kỷ trước khi lợi suất thực của trái phiếu chính phủ tăng (lợi suất thực ở đây nghĩa là lợi suất đã điều chỉnh theo lạm phát). Và gần đây, điều ngược lại đã xảy ra: giá Vàng điều chỉnh theo lạm phát trên thực tế tăng, trong khi lợi suất thực trên trái phiếu Kho bạc 10 năm lại giảm.
Mối quan hệ này khá hợp lý. Vàng không trả lãi, vì thế nên nó là khoản đầu tư kém hấp dẫn hơn trong thời gian mà lãi suất thực của trái phiếu cao. Theo thuật ngữ kinh tế, chi phí cơ hội của việc nắm giữ Vàng là khá cao trong những thời điểm như vậy. Ngược lại, vào những thời điểm như hiện tại, khi lợi suất từ trái phiếu Kho bạc âm, Vàng lại là một khoản đầu tư hấp dẫn.
Tóm lại, Vàng không tăng bởi vì lạm phát. Vàng tăng bởi vì Fed và những ngân hàng trung ương khác đang cắt giảm lãi suất để chống lại rủi ro giảm phát – do khủng hoảng Covid–19 gây ra.
Tất nhiên, Vàng cũng sẽ tăng nếu lạm phát tăng và Fed tăng lãi suất sau khi nền kinh tế ổn định. Kịch bản này có lẽ sẽ gây hoảng sợ cho những nhà đầu tư mua vàng. Nhưng nếu lập luận rằng giá vàng tăng chính là "triệu chứng" của việc không có lạm phát thì lập luận đó đi ngược mối quan hệ nhân quả. Giảm phát, chứ không phải lạm phát, mới chính là động lực thúc đẩy của giá vàng.