Đi tìm lời giải đáp cho sự "mất liên lạc" giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế Mỹ
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Tại sao thị trường chứng khoán Phố Wall tiếp tục tăng cao bất chấp nền kinh tế vẫn đang trong trạng thái mong manh?
Tại sao thị trường chứng khoán tiếp tục tăng cao bất chấp nền kinh tế vẫn đang trong trạng thái mong manh? Một nguyên nhân đang ngày một rõ ràng hơn đó là cuộc khủng hoảng hiện nay đã tác động nặng nề hơn lên các doanh nghiệp nhỏ và những người lao động dịch vụ thu nhập thấp. Họ có thể rất thiết yếu trong nền kinh tế thực, nhưng không hẳn đối với thị trường chứng khoán.
Những lời giải thích ban đầu
Lý do đầu tiên đó là thị trường chứng khoán thường nhìn về tương lai, và mức giá hiện tại của thị trường chứng khoán có thể đang phản ánh kỳ vọng lạc quan vào loại vắc-xin Covid-19 sắp tới cũng như mở rộng các biện pháp xét nghiệm và chữa trị. Viễn cảnh trên có thể là hợp lý, hoặc có thể thị trường đang đánh giá thấp khả năng bùng phát trở lại của dịch bệnh vào mùa đông tới, và đánh giá quá cao hiệu quả của loại vắc-xin thế hệ đầu tiên.
Lý do thứ hai có vẻ thuyết phục hơn đó là do các NHTW đã hạ lãi suất xuống sát mức 0. Việc thị trường tin rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong tương lai khiến giá của các tài sản dài hạn như nhà đất, vàng hay thậm chí là Bitcoin đều tăng lên. Và với việc doanh thu thường đến từ tương lai, các công ty công nghệ đã hưởng lợi nhiều hơn từ mức lãi suất thấp hiện tại. Tuy vậy, không chắc liệu mức lãi suất thấp hiện tại sẽ được kéo dài tới khi nào. Sau cùng, tác động tiêu cực lên nguồn cung trong dài hạn, cụ thể là do quá trình đảo ngược toàn cầu hóa, sẽ còn kéo dài dai dẳng sau khi nhu cầu toàn cầu phục hồi.
Lời giải thích thứ 3 đó là bên cạnh mức lãi suất cực thấp, các NHTW đã trực tiếp "chống lưng" cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp - điển hình là động thái can thiệp chưa từng có tiền lệ của Fed. Động thái trên trên không nên chỉ được xem chỉ là công cụ chính sách tiền tệ thông thường. Thay vào đó, chúng có nét tương đồng với chính sách tài khóa khi các NHTW đóng vai trò thay mặt cho Bộ Tài chính để hỗ trợ cho thị trường trong các giai đoạn khẩn cấp.
Bởi vậy, biện pháp can thiệp trên nhiều khả năng sẽ chỉ là tạm thời, dẫu cho các NHTW vẫn chưa thể truyền tải thành công thông điệp này tới thị trường. Bất chấp bất ổn kinh tế vĩ mô ngày càng gia tăng và nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp tăng lên, chênh lệch lãi suất của các khoản nợ chính phủ đã thu hẹp ở nhiều quốc gia, và số lượng các doanh nghiệp lớn phá sản tới lúc này vẫn duy trì ở mức rất thấp nếu so với mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lần này.
Sẽ tới lúc mà thị trường sẽ nhận ra rằng hầu bao của những người đóng thuế không phải là vô đáy. Dư địa của các NHTW cũng sẽ dần cạn kiệt, đặc biệt nếu như làn sóng thứ 2 của dịch bệnh bùng phát trong mùa đông năm nay.
Đâu là mảnh ghép còn thiếu?
Mặc dù những lời giải thích trên đã mang tới một số góc nhìn về xu hướng di chuyển ngược chiều của thị trường chứng khoán và nền kinh tế, chúng vẫn còn thiếu một mảnh ghép lớn: Những tổn thương kinh tế bởi Covid-19 không phải chịu đựng bởi các doanh nghiệp đại chúng lớn, mà đè nặng lên các doanh nghiệp nhỏ và những người cung cấp dịch vụ - từ giặt là cho tới nhà hàng hay các nhà cung cấp dịch vụ giải trí - không có tên trên thị trường chứng khoán.
Những đối tượng trên đơn giản là không có đủ số vốn cần thiết để tồn tại qua cuộc khủng hoảng lần này. Các chương trình hỗ trợ của chính phủ cũng dần kết thúc, gia tăng rủi ro về một sự sụp đổ dây chuyền nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.
Một số sự sụp đổ sẽ chỉ đơn giản là hệ quả của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế sau dịch bệnh. Tuy nhiên có rất nhiều những doanh nghiệp triển vọng khác có thể cũng sẽ biến mất, khiến cho vị thế thị trường của các doanh nghiệp lớn thậm chí còn tốt hơn so với trước khủng hoảng. Trên thực tế, đó cũng là một lý do cho diễn biến của thị trường hiện tại.
Doanh thu thuế của các chính phủ đã không sụt giảm như kỳ vọng bất chấp mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng và mức thất nghiệp kỷ lục. Lý do tất nhiên là do việc làm mất đi chủ yếu tập trung ở nhóm những người thu nhập thấp với mức thuế đóng thấp hơn.
Hãy cảnh giác với "đòn phản công" sắp tới
Rủi ro đối với thị trường chứng khoán hiện tại không chỉ đến từ kinh tế mà còn là khả năng về một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, đã có nhiều sự chỉ trích về các chính sách ưu tiên các ông lớn tại Phố Wall so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Main Street). Ở lần này, Phố Wall vẫn sẽ chịu sự chỉ trích, tuy nhiên mũi rìu dư luận cũng sẽ hướng tới các doanh nghiệp tại Silicon Valley.
Một khả năng có thể xảy ra, đặc biệt nếu như quá trình đảo ngược toàn cầu hóa gây khó khăn cho các doanh nghiệp chuyển hoạt động ra nước ngoài, có thể khiến xu hướng giảm của lãi suất thuế doanh nghiệp đảo chiều. Đây là viễn cảnh không thuận lợi đối với thị trường chứng khoán.
Cho tới khi việc định giá của giá chứng khoán gắn chặt hơn với quá trình phục hồi y tế và kinh tế, các nhà đầu tư không nên quá tự mãn với khoản lợi nhuận kếch xù đã đạt được. Thị trường hoàn toàn có thể lấy lại hết những gì bạn đang có bất cứ lúc nào.