Điều gì sẽ giúp đồng bạc xanh tiếp tục củng cổ ngôi vị trong năm 2022?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Kế hoạch thu hẹp nới lỏng và nâng lãi suất trở lại của Fed sẽ giúp đồng USD tiếp tục bay cao trong năm nay, đặc biệt là so với EUR hay JPY.
Câu chuyện nổi bật nhất đối với thị trường tiền tệ trong năm 2022 này có lẽ sẽ là về sự tương quan giữa Mỹ và Châu Âu khi đồng bạc xanh đang chiếm ưu thế hơn so với đối thủ bên kia bờ Đại Tây Dương. Ngoài ra, đối với phần còn lại, sức mạnh của đồng USD sẽ được thể hiện rõ ràng nhất khi so với đồng Yên Nhật, dẫu cho có thể không ấn tượng bằng năm ngoái.
Trong năm 2021, đồng USD đã tăng giá so với hầu hết các đồng tiền lớn khác trong nhóm G-10 trừ đồng CAD, một điều khá hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây. Sức mạnh này dự kiến sẽ tiếp tục được thể hiện trong năm 2022 này so với các đồng tiền như EUR, SEK và CHF.
Trong vài tháng trở lại đây, các nhà đầu tư thường dành sự ưu tiên cho các đồng tiền nơi NHTW sẵn sàng đối phó với lạm phát. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022 khi các NHTW đẩy nhanh quá trình nâng lãi suất nhằm giữ lạm phát trong tầm kiểm soát. Trong bối cảnh đó, đồng USD dự kiến sẽ được hưởng lợi sau khi Fed đột ngột thay đổi giọng điệu theo hướng thắt chặt hơn vào cuối năm 2021. Thị trường hiện không những kỳ vọng cơ quan này sẽ kết thúc việc mua tài sản sớm mà còn bắt đầu nâng lãi suất một cách quyết liệt hơn.
Cùng lúc đó, kỳ vọng lạm phát 5 năm của Mỹ hiện đã phản ánh gần hết các kịch bản xấu nhất từ áp lực giá cả. Nói cách khác, mặc dù kỳ vọng lạm phát có thể vẫn sẽ duy trì ở mức cao, khả năng tiếp tục tăng cao hơn vẫn cần phải quan sát thêm.
Tại Châu Âu, một câu chuyện hoàn toàn khác đang diễn ra. Các NHTW tại đây như Thụy Điển và Thụy Sỹ nhiều khả năng sẽ chưa có dự định tăng lãi suất trở lại. Mặc dù cả lạm phát và kỳ vọng lạm phát tại khu vực này đều đã tăng rất cao, ECB vẫn còn chần chừ hành động bởi lo sợ việc tăng lãi suất quá sớm có thể là một sai lầm chính sách. Quả thực việc ECB duy trì lãi suất điều hành ở mức âm trong những năm qua vốn nhằm giúp lạm phát tăng trở lại và giờ đây không có cớ gì phải đột ngột dừng lại khi thành quả vừa mới xuất hiện. Câu chuyện cũng là khá tương tự đối với NHTW Thụy Điển và Thụy Sỹ.
Nhật Bản cũng trong một tình cảnh tương tự khi khó có thể tăng lãi suất trở lại. Theo đó, đồng bạc xanh có thể sẽ còn nhiều dư địa tăng giá so với Yên Nhật trong năm nay. Trong trường hợp chênh lệch lợi suất thực giữa Mỹ và Nhật Bản tiếp tục mở rộng thêm 30 điểm cơ bản có thể sẽ đưa tỷ giá USD/JPY lên quanh mức 120-121.
Sức mạnh của đồng USD có thể sẽ khá cân bằng so với đồng NZD và AUD. NHTW New Zealand vẫn đang lên kế hoạch hành động để kiểm soát lạm phát còn tại Úc lợi suất thực cũng dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Tuy vậy, yếu tố bất lợi đối với 2 đồng tiền trên lại đến từ khả năng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.
Đối với đồng Bảng Anh, tình hình sẽ phụ thuộc vào tương quan lạm phát giữa Anh và Mỹ bởi cả 2 NHTW dường như sẽ có tốc độ thu hẹp nới lỏng khá tương đồng nhau. Điều này cũng đồng nghĩa rằng đồng Bảng Anh sẽ có lợi thế hơn so với đồng EUR trong năm 2022.
Vậy điều gì có thể sẽ là trở ngại lớn nhất đối với đồng USD trong năm 2022? Theo quan điểm của tôi đó là khả năng bùng phát trở lại của một làn sóng dịch bệnh mới hoặc bất kỳ sự kiện nào có thể khiến Fed chệch khỏi kế hoạch tăng lãi suất của mình.
Bloomberg