Đình lạm có được coi là rủi ro dài hạn? Liệu có cách nào để đối phó với đình lạm?
Nguyễn Thanh Lịch
Junior Analyst
Rủi ro lớn tiếp theo mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt có thể được tóm gọn trong một từ “đình lạm”. Nó không nhất thiết phải là suy thoái, thay vào đó 80% các nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát cho rằng, lạm phát đình trệ là rủi ro dài hạn hơn đối với nền kinh tế, theo sau là rủi ro giảm phát.
Cuộc khảo sát quản lý quỹ toàn cầu của Ngân hàng Mỹ gần đây cho thấy lo ngại về lạm phát đình trệ đang ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2008. Theo báo cáo, “đình lạm” là cách mô tả bối cảnh kinh tế chân thực nhất trong 12 tháng tới.
Đình lạm là
gì?Theo Jonathan Wright, giáo sư kinh tế tại Đại học Johns Hopkins, đình lạm (hay lạm phát đình trệ) là thuật ngữ xuất hiện từ năm 1970 khi lạm phát diễn ra đồng thời với nền kinh tế đình trệ hoặc tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Mặc dù đã có một số cuộc suy thoái tồi tệ vào thời điểm đó, nhiều nhà kinh tế không mong đợi chúng sẽ quay trở lại ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, lạm phát cao đã thúc đẩy Fed phải thắt chặt chính sách, và rất có thể tỷ lệ thất nghiệp sẽ nhích nhẹ so với mức 3.6% hiện tại, và cuối cùng có thể sẽ xảy ra cuộc suy thoái nhẹ, Wright nói.
Đình lạm có thể xảy ra nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái ngay cả khi lạm phát vẫn đang ở mức cao. Ví dụ như, nếu tỷ lệ thất nghiệp lên tới 5% và CPI vượt quá 5% trong năm 2023, đó được coi là đình lạm, mặc dù có thể không tồi tệ như những năm 1970. Wright nói thêm, trong thời gian tới, thị trường lao động có thể ảm đạm do có ít việc làm hơn.
Đình lạm có khả năng xảy ra?
Mặc dù các cuộc khảo sát đang gióng lên hồi chuông báo động về lạm phát đình trệ, nhưng không phải ai cũng đồng ý rằng đó là điều khó tránh khỏi.
Josh Bivens, giám đốc nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế cho biết: “Lạm phát đình trệ chỉ diễn ra khi cả tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đều đồng thời ở mức cao, tôi nghĩ xác suất này khó xảy ra”. Thay vào đó, Bivens cho rằng, khả năng cao kinh tế sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023 khi Cụ Dự trữ Liên bang mạnh tay tăng lãi suất. “Nếu điều đó xảy ra, tôi cho rằng lạm phát sẽ giảm mạnh”.
Cần chuẩn bị gì cho một cuộc suy thoái, hoặc lạm phát đình trệ?
Ted Jenkin, chuyên viên tư vấn tài chính và CEO của Oxygen Financial ở Atlanta, cho biết: “Sự kết hợp giữa lạm phát và giảm phát, khi các công ty cắt giảm sản xuất, sẽ khiến việc chi tiêu trở nên hạn chế”.
Jenkin cho biết hiện nay, lạm phát đình trệ cũng là một vấn đề mà khách hàng quan tâm. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng không thể tránh khỏi việc chúng ta sẽ phải trải qua một cuộc suy thoái kinh tế. Câu hỏi đặt ra là liệu sẽ xuất hiện một cuộc suy thoái nhẹ hay sẽ rơi vào tình trạng đình lạm”. Do đó, bây giờ sẽ là thời điểm thích hợp để xem lại kế hoạch tài chính cá nhân của mình.
Hãy cố gắng dành ra 1 khoản chi phí dự phòng ít nhất là 6 tháng trong trường hợp suy thoái xảy ra, ông nói. Ngoài ra, hãy kiểm soát lại ngân sách cá nhân bằng cách cắt giảm những khoản chi phí vô ích. Cắt giảm các khoản vay với lãi suất thả nổi như tín dụng, các khoản thế chấp, khoản vay sinh viên, bởi lãi suất tăng lên sẽ khiến chi phí vay trở nên đắt đỏ. Hơn nữa, đây là thời điểm tuyệt vời để đầu tư vào bản thân khi nền kinh tế đang bùng lên làn sóng sa thải.
Jenkin nói: “Hãy trau dồi các kỹ năng và trình độ học vấn của mình để nếu thị trường việc làm trở nên khó khăn hơn, bạn vẫn có thể sống sót và vượt qua nó”.
CNBC