Đồng Yên Nhật chạm đáy hơn 2 thập kỷ - Vì đâu nên nỗi?
Đặng Hải Phú
Junior Analyst
Xu hướng mở rộng của chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự suy yếu của đồng Yên Nhật trong thời gian qua
Đồng Yên đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ so với đồng đô la phần lớn là do Nhật Bản có quan điểm về lạm phát khác biệt với phần còn lại. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nổi tiếng với cam kết duy trì lãi suất ở mức thấp để khôi phục lạm phát một cách bền vững (sau nhiều năm cố gắng chống lại giảm phát), ngay cả khi giá cả tăng cao ở hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới buộc cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các ngân hàng trung ương khác thu hồi các gói kích thích và tăng lãi suất trở lại. Đồng Yên yếu hơn có thể vừa có lợi vừa có hại cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản. Tuy nhiên, tốc độ của sự suy giảm đã đặt ra câu hỏi về liệu việc chính sách của BOJ có thể tiếp tục duy trì và tính khả thi của việc chính phủ Nhật can thiệp vào thị trường tiền tệ.
1. Tại sao đồng Yên lại suy yếu đến vậy?
Lý do lớn nhất là xu hướng tăng cao của lãi suất tại Mỹ, trong khi lãi suất Nhật Bản vẫn ở mức thấp. Điều đó làm cho tài sản bằng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng trên 3% - mức cao nhất trong nhiều năm - khi thị trường tiếp tục đặt cược vào một loạt các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ từ Fed. Các yếu tố khác bao gồm sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và thị trường lao động của nước này, trong khi Nhật Bản tiếp tục tụt lại so với các nước khác trên con đường đưa nền kinh tế trở lại quy mô trước đại dịch. Cán cân thương mại của Nhật Bản tiếp tục duy trì trong sắc đỏ cũng làm suy yếu đồng nội tệ của quốc gia này.
2. Tại sao Nhật Bản không tăng lãi suất?
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda tiếp tục phát biểu rằng còn quá sớm để thu hẹp nới lỏng tiền tệ và tăng lãi suất ở Nhật Bản, nơi lạm phát vẫn tương đối bình lặng. Vào tháng 4, thước đo lạm phát chuẩn của Nhật Bản đã tăng 2,1%, cao hơn mục tiêu 2% của BOJ. Tuy nhiên ông Kuroda khẳng định rằng họ chưa thể đạt được mục tiêu trên một cách ổn định, bền vững, đặc biệt là nếu không tăng lương mạnh mẽ. (Nhật Bản từ lâu đã phải vật lộn với nguy cơ giảm phát, một vòng xoáy đi xuống có thể phá hủy nền kinh tế.) Ngược lại, giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng tới hơn 8%. BOJ đã giữ vững lập trường sau cuộc họp ngày 17/6, nói rằng họ cần phải theo dõi tác động của chúng đối với nền kinh tế và thị trường. Điều đó diễn ra vài ngày sau khi chính Kuroda bày tỏ lo ngại về sự suy yếu đột ngột của đồng Yên. Vào năm 2016, ông đã gây chấn động thị trường với sự thay đổi bất ngờ sang chính sách lãi suất âm và tiếp sau đó là kiểm soát đường cong lợi suất.
3. Đường cong lợi suất là gì?
Đó là một cách để thể hiện các mức lãi suất khác nhau mà nhà đầu tư nhận được đối với từng kỳ hạn đầu tư cụ thể. Trong hầu hết các trường hợp, các nhà đầu tư đều yêu cầu mức lợi suất cao hơn đối với các khoản đầu tư dài hạn của họ bởi chúng rủi ro hơn. Vì vậy, đường cong lợi suất thường có xu hướng dốc lên.
4. Kiểm soát đường cong lợi suất là gì?
Thông thường đường cong lợi suất sẽ được quyết định bởi thị trường. Tuy nhiên, BOJ có cách tiếp cận can thiệp trực tiếp hơn. Thông qua kiểm soát đường cong lợi suất kể từ năm 2016, BOJ đặt mục tiêu giữ lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0% với biên độ +/- 25 điểm cơ bản - một phần trong nỗ lực của họ nhằm thúc đẩy nền kinh tế với lượng tiền rẻ để phục hồi tăng trưởng. Việc Fed tăng lãi suất khiến các nhà đầu tư suy đoán rằng Nhật Bản sẽ làm theo, có nghĩa là nó sẽ cho phép lợi tức tăng cao hơn. Nhưng BOJ liên tục củng cố cam kết đối với chính sách hiện tại: Vào tháng 4, họ đã quyết định mua không giới hạn số lượng trái phiếu mỗi ngày để bảo vệ mức trần đối với lợi suất 10 năm. Điều đó cho thấy rõ ràng rằng lợi suất trái phiếu ở Nhật Bản sẽ duy trì ở mức thấp bất chấp xu hướng tăng cao của lợi suất tại Mỹ.
5. Điều gì xảy ra nếu BOJ từ bỏ kiểm soát đường cong lợi suất?
Điều đó dường như rất khó xảy ra. Tuy nhiên, giống như khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ bất ngờ từ bỏ giới hạn lên đồng franc vào năm 2015, một cú quay xe bất ngờ của BOJ có khả năng gây ra làn sóng chấn động trên toàn thế giới. Thậm chí nếu BOJ gợi ý rằng họ sẽ thu hẹp quy mô mua tài sản hoặc xem xét lại việc kiểm soát đường cong lợi suất, điều đó có thể sẽ làm gia tăng sự biến động của thị trường và ảnh hưởng đến chứng khoán Nhật Bản. Trái phiếu chính phủ Nhật Bản có thể sẽ bị bán tháo mạnh, làm tăng thêm áp lực lên chi phí đi vay trên toàn cầu. Đồng Yên rất có thể sẽ tăng giá mạnh đến mức nó sẽ làm xáo trộn thị trường ngoại hối và gây thiệt hại cho bất kỳ nhà giao dịch nào sử dụng đồng Yên để thực hiện carry trade hoặc các tổ chức đa quốc gia và các ngân hàng có vị thế tiền tệ lớn mà không có phòng ngừa rủi ro. Khó ai có thể đoán được thời gian bán tháo kéo dài bao lâu, vì các nhà đầu tư trong nước dư tiền mặt có thể nhanh chóng mua trái phiếu khi giảm giá. Tuy nhiên, Jim Reid từ Deutsche Bank AG cho biết một động thái như vậy sẽ có "tác động rất lớn đối với tỷ giá toàn cầu" nếu nó được thông qua. Ông viết trong một báo cáo ngày 14 tháng 6: “Nếu BOJ từ bỏ, thị trường trái phiếu toàn cầu sẽ mất đi một mỏ neo lớn.”
6. Liệu chính phủ có thể can thiệp?
Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki đã kiềm chế thậm chí không đề cập đến khả năng can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ. Nếu chính phủ can thiệp để củng cố đồng Yên, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1998 - khi chính phủ Nhật và Mỹ tham gia vào một đợt hợp tác mua đồng Yên lớn. Bất kỳ động thái một chiều nào từ Nhật Bản vào thời điểm này đều có thể kích hoạt sự phản ứng từ phía Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Nhật Bản đã thực hiện một động thái hiếm hoi khi đưa ra một tuyên bố bằng văn bản vào ngày 10 tháng 6 để bày tỏ lo ngại về sự suy yếu đột ngột của đồng Yên, nói rằng họ sẽ hành động nếu cần thiết, mà không nêu rõ hành động đó là gì.
7. Đồng yên yếu có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế?
Khi cố Thủ tướng Shinzo Abe mở ra thời kỳ đồng Tên yếu trong thập kỷ qua, giới kinh doanh đã hết sức hoan nghênh. Đồng Yên rẻ hơn sẽ giúp các nhà xuất khẩu bao gồm cả tập đoàn sản xuất ô tô Toyota Motor Corp chuyển về nước các khoản lợi nhuận thu được ở nước ngoài. Đồng Yên rẻ cũng làm cho Nhật Bản trở thành một điểm đến du lịch hợp lý hơn - trừ thời gian đại dịch - cho người nước ngoài, mang lại tiền mặt từ khách du lịch cho lĩnh vực khách sạn và các kinh tế vùng. Tuy nhiên hiện nay gió đã đổi chiều. Chi phí hàng hóa và các mặt hàng khác đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, bóp chết lợi nhuận của các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi người dân đang cảm thấy bị chèn ép từ giá năng lượng cao hơn. Giá thực phẩm nhập khẩu và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác tăng cao đang đè nặng lên vai người tiêu dùng. Trong khi Nhật Bản đang dần mở cửa lại biên giới của mình cho du khách nước ngoài, bất kỳ lợi ích kinh tế nào từ du lịch sẽ bị hạn chế trong thời điểm hiện tại. Với việc ngân hàng trung ương khó có thể thay đổi trong ngắn hạn, Thủ tướng Fumio Kishida đã đưa ra một loạt các biện pháp hỗ trợ bao gồm trợ cấp nhiên liệu cao hơn để giảm bớt tác động cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
8. Ảnh hưởng lên Thống đốc Kuroda?
Thống đốc BOJ Kuroda thường chỉ ra rằng Bộ tài chính phụ trách các vấn đề ngoại hối, không phải BOJ. Chi phí đi vay thấp cũng giúp thủ tướng Kishida tiếp tục tăng chi tiêu công để hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế mong manh sau đại dịch. Điều này gợi ý rằng thủ tướng sẽ không thúc đẩy một sự thay đổi lớn về vị trí tại ngân hàng Trung ương khi nhiệm kì của ông Kuroda kết thúc vào tháng 4 năm sau.
Bloomberg