Đưa nước Mỹ trở lại cho Tesla!

Đưa nước Mỹ trở lại cho Tesla!

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Junior Analyst

15:26 29/07/2024

Trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm giải quyết những hỗn độn tại Tesla, Elon Musk đang quyết liệt ủng hộ Donald Trump.

Kể từ khi Elon Musk tuyên bố đứng về phía Donald Trump - một chính trị gia nổi tiếng với việc tạo dựng mối quan hệ thân thiết với các ông lớn dầu mỏ và phủ nhận cuộc khủng hoảng khí hậu - tình hình bắt đầu trở nên đáng quan ngại.

Bất chấp mọi bất bình cá nhân về “woke mind virus” (virus thức tỉnh), Musk vẫn là CEO của Tesla và là người tiên phong trong lĩnh vực xe điện. Trên thực tế, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump có thể gây bất lợi cho các công ty đang cố gắng giải phóng nước Mỹ khỏi nhiên liệu hóa thạch. Nhưng trong cuộc họp với các nhà đầu tư của Tesla vào thứ Ba vừa qua, lý do Musk ủng hộ Trump đã trở nên rõ ràng.

Thay vì lo lắng về việc xã hội dần hướng tới tương lai sử dụng toàn bộ năng lượng từ điện, Musk dành sự quan tâm đến việc duy trì vị thế thống lĩnh của Tesla trên thị trường xe điện. Đạo luật giảm lạm phát, một trong những thành tựu lập pháp mang tính quyết định của Tổng thống Joe Biden, đã giúp thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô lâu đời tham gia vào “cuộc đua" xe điện một cách nghiêm túc. Khi sự cạnh tranh trên thị trường ngày một căng thẳng, Tesla bắt đầu giảm giá, biến tình hình trở thành một cuộc chiến giá cả - tuy nhiên, Tesla đã không giành được chiến thắng. Trong năm qua, lợi nhuận của Tesla đã giảm 45% và thị phần của công ty đã giảm sút. Kelley Blue Book cho biết trong quý 2 năm nay, doanh số bán xe điện nói chung tại Hoa Kỳ đã tăng, nhưng thị phần của Tesla đã giảm xuống dưới 50% lần đầu tiên trong lịch sử thành lập công ty. Đây là một sự sụt giảm mạnh, khi mà thị phần của Tesla trên thị trường xe điện từng lên tới 80%. Không có mẫu xe mới để bán (trừ khi chúng ta tính cả Cybertruck) và phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn ở Trung Quốc, Tesla đang chịu áp lực bủa vây tứ phía.

Musk mở đầu cuộc họp với các nhà đầu tư của công ty bằng cách trình bày về làn sóng cạnh tranh giết chết lợi nhuận và thu hẹp thị phần của công ty sẽ qua đi, nhưng ông không đưa ra bất kỳ lý do rõ ràng nào. Khi được hỏi liệu ông có lo lắng về việc Trump có bãi bỏ IRA hay không, Musk đã tiết lộ phần nào ý định. Ông chia sẻ với các nhà đầu tư rằng động thái này sẽ “huỷ diệt" các đối thủ cạnh tranh của Tesla, và gây ảnh hưởng không đáng kể với Tesla - trên thực tế, “về lâu dài", ông nói, điều này sẽ tốt cho Tesla. Về bản chất, đây là lời thừa nhận rằng hy vọng lớn nhất của Musk là Trump sẽ quay lại Nhà Trắng và phá bỏ chế độ quản lý đã khuyến khích các nhà sản xuất ô tô lâu đời tham gia vào thị trường xe điện. Viễn cảnh tốt nhất cho Tesla là khi các nhà sản xuất ô tô lâu đời của Hoa Kỳ như GM và Ford đứng ngoài cuộc đua.

Trớ trêu thay, trong khi Musk có thể muốn IRA biến mất, Tesla vẫn đang thu về khoản tín dụng thuế của chính phủ có từ trước. Đây là các khoản tín dụng mà các nhà sản xuất ô tô điện có thể bán cho các nhà sản xuất ô tô động cơ đốt trong để bù đắp lượng khí thải carbon của các nhà sản xuất ô tô sau này - các nhà sản xuất ô tô lâu đời càng “chậm chân" trong việc tham gia vào cuộc đua xe điện thì Tesla càng có thể bán được nhiều xe hơn. Và Tesla vẫn đang làm ăn tốt: Tesla đã thu về 890 triệu USD tiền tín dụng cứu cánh trong quý trước, tăng gấp đôi doanh thu so với quý trước. Musk vui vẻ chấp nhận sự can thiệp của chính phủ, nhưng chỉ khi những can thiệp đó có lợi cho riêng Tesla mà không bao gồm đối thủ cạnh tranh của họ.

Musk và Trump có cùng mục tiêu chính sách đối với xe điện: Phá bỏ cơ sở hạ tầng quản lý xe điện của Biden và quay lại cấu trúc cũ. Hoặc có thể - nếu doanh thu của Musk được “hậu thuẫn" bởi Nhà Trắng - hãy để chính Musk nghĩ ra những quy tắc mới có lợi cho Tesla. Điểm chung giữa Musk và Trump có lẽ nằm ở việc cả hai đều tận tụy với luật pháp và trật tự - miễn là luật do họ viết và chính họ ban hành.

Nửa thập kỷ “trong mơ" của Tesla

Không khó để biết lý do vì sao Tesla đang dần mất đi vị thế thống lĩnh của mình: Công ty đang dần chững lại. Mẫu xe mới nhất của Tesla, Model Y, đã ra mắt từ 2019. Kể từ đó, công ty đã phải chịu áp lực cạnh tranh đầu tiên. Tại Trung Quốc, công ty đang phải cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn, có thể sản xuất các mẫu xe hiện đại với giá thành rẻ. Tại Hoa Kỳ, Legacy Auto đang bắt đầu huy động lực lượng để đem đến nhiều lựa chọn, mẫu mã cho người tiêu dùng hơn, cũng như - trên thực tế - đem đến cho người tiêu dùng một lựa chọn để không phải “ủng hộ" Musk.

Để duy trì vị thế trên thị trường, Tesla đã bắt đầu giảm giá vào năm 2023. Điều đó đã khơi mào cho cuộc chiến giá xe điện toàn cầu. Những người chỉ trích đã phản đối, nhưng Musk đã trấn an cộng đồng Tesla rằng đây là chiến lược duy nhất để cứu vãn công ty. Đến Q3/2023, cuộc chiến giá cả đã bắt đầu phá huỷ bảng cân đối kế toán của Tesla. Khi công bố kết quả vào tháng 10, công ty đã không đạt được kỳ vọng về doanh thu, lượng xe giao và dòng tiền tự do, giảm xuống còn 848 triệu USD từ mức 3,4 tỷ USD của năm trước. Biên lợi nhuận gộp - thước đo lợi nhuận của công ty sau khi trừ hết các chi phí - tiếp tục giảm. Đối với các nhà đầu tư, đây là sự trở lại của những ngày đen tối tại Tesla. Tesla đã có lợi nhuận hàng năm kể từ 2020, và được cho là sẽ đi theo con đường ổn định kể từ đó. Sự sụt giảm tài chính đột ngột của công ty đã gây ra sang chấn cho Phố Wall - cổ phiếu của Tesla đã giảm hơn 40% trong 06 tháng tiếp theo.

Musk đã vứt bỏ hoàn toàn mọi mánh khóe mà ông từng sử dụng trong vài năm qua để lấy lại niềm tin của Phố Wall.

Musk đã cố gắng cứu vãn tình hình kinh doanh vào tháng 4 bằng cách làm tất cả những gì ông có thể: Nói về một thế giới của những cải tiến tuyệt vời mà công ty vẫn chưa gây dựng được. Ông nói rằng Tesla không phải là một công ty ô tô; đây là một công ty AI. Ông đã hứa sẽ có xe taxi robot tự hành vào tháng 8, mặc dù Musk đã hứa hẹn với cả thế giới về xe taxi robot trong hơn một thập kỷ. Ông nói rằng công ty đang đạt được tiến triển với một robot hình người mới có tên là Optimus - mặc dù khi Tesla công bố Optimus, đó là một người đang nhảy múa trong trang phục robot, và Tesla vẫn chưa tiết lộ về những nhiệm vụ mà nó có thể làm. Musk đã bỏ qua việc phát triển một sản phẩm mà thế giới cần - một con Tesla giá rẻ ở mức 25-30,000 USD. Không cung cấp thêm thông số chi tiết, ông đề cập rằng những mẫu xe đó sẽ được xuất xưởng vào nửa đầu năm 2025, mặc dù Musk đã tuyên bố tương tự kể từ năm 2018. Musk đã vứt bỏ toàn bộ mánh khóe mà ông từng đưa ra trong vài năm qua để lấy lại niềm tin của Phố Wall. Và việc này đã phát huy tác dụng. Bất chấp những dấu hiệu cảnh báo về khả năng cung cấp của công ty, Phố Wall dường như tự tin rằng Musk sẽ tạo nên một sự thay đổi kỳ diệu. Cổ phiếu đã tăng giá.

Mọi thứ đã diễn ra như chúng ta thấy, cho đến báo cáo thu nhập quý 2 của Tesla trong năm nay. Kết quả cho thấy, dù Tesla tự xưng là công ty AI hay không, thì họ vẫn đang chịu tổn thất đáng kể vì sự cạnh tranh mới trên thị trường xe điện. Cuộc chiến giá cả vẫn đang thiêu đốt biên lợi nhuận hoạt động của công ty, đã giảm xuống còn 6,3% từ mức 9,6% của một năm trước. Và doanh thu bán ô tô đã giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, ngay cả khi các nhà sản xuất ô tô lâu đời tuyên bố sẽ phát triển chậm lại trong mảng xe điện, do cuộc chiến giá cả và nhu cầu thấp. Đó là lý do tại sao, trong viễn cảnh tương lai tuyệt vời của Musk, IRA sẽ phải bị bãi bỏ và nó “gây thiệt hại cho các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi, và chỉ ảnh hưởng chút ít tới Tesla,” như ông đã chia sẻ. Ông tiếp tục cho rằng các nhà đầu tư thậm chí không nên nghĩ về Tesla như một công ty ô tô với các đối thủ cạnh tranh chỉ có các công ty ô tô khác.

“Giá trị của Tesla chủ yếu nằm ở quyền tự chủ,” ông nói. “Tôi nghĩ rằng những yếu tố khác không làm ảnh hưởng tới giá trị của Tesla.”

Điều này xảy ra sau khi ông thông báo rằng đợt ra mắt xe taxi robot của Tesla vào tháng 8 sẽ bị hoãn cho tới tháng 10.

Một chủ nghĩa tư bản chỉ dành riêng cho Tesla

Musk đang tìm cách câu giờ cho Tesla. Trump đã hứa sẽ xoá bỏ IRA của Biden, một đạo luật tạo ra các ưu đãi thuế cho việc mua các mẫu xe điện mới. Musk muốn xoá sổ những ưu đãi đó - không phải vì chúng ảnh hưởng đến việc cạnh tranh công bằng trên thị trường, hay vì ông phản đối các khoản trợ cấp của chính phủ, mà vì chúng giúp đối thủ cạnh tranh của ông nhiều hơn là doanh nghiệp của ông. Điều này không có nghĩa là công ty của Musk sẽ từ bỏ các khoản tín dụng này; Tesla chỉ phải nỗ lực hơn để có chúng, bởi các dòng xe của họ đã bắt đầu cũ. Tesla nói với các nhà đầu tư rằng họ đang thay đổi các phiên bản Model 3 để giúp cho nhiều dòng xe được hưởng tiền IRA hơn trước đây. Nhưng tất nhiên, Tesla vẫn phải bán những chiếc xe cũ để có được khoản tiền đó, và điều đó khó thực hiện hơn nhiều khi các đối thủ cạnh tranh đang tung ra những mẫu xe mới hơn, “ngon” hơn. Thay vì cạnh tranh về chất lượng, Musk muốn sửa luật để mọi thứ có lợi cho Tesla.

Mặc dù Musk có thể không thích IRA, nhưng vẫn có những quy định khác giúp Tesla kiếm ra tiền mà không đòi hỏi công ty phải thay đổi gì. Tuy nhiên, các quy định này sẽ hoạt động tốt hơn nhiều khi các đối thủ cạnh tranh của Tesla bán ít xe hơn. Đây là các khoản tín dụng cho xe không phái thải: Ngày càng nhiều tiểu bang tại Mỹ yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải sản xuất một tỷ lệ phần trăm nhất định các loại xe không phát thải, hoặc phải đối mặt với hình phạt. Nếu một công ty không đáp ứng yêu cầu trong ngưỡng đó, họ có thể phải mua các khoản tín dụng ZEV từ một nhà sản xuất ô tô có lượng khí thải giảm đáng kể, chẳng hạn như một nhà sản xuất EV. Vì Tesla là một doanh nghiệp EV thuần tuý, nên họ có rất nhiều tín dụng ZEV để bán cho các công ty vẫn đang tập trung sản xuất ô tô chạy bằng xăng. Hoạt động kinh doanh tín dụng này rất có lợi cho Tesla: Doanh số bán tín dụng ZEV chiếm 68% trong dòng tiền tự do 1,3 tỷ USD của công ty trong quý trước. Tất nhiên, nếu các nhà sản xuất ô tô bán xe EV của riêng họ, bù đắp lượng khí thải carbon của riêng họ mà không phải mua tín dụng từ Tesla, nguồn tiền “miễn phí" này sẽ dần cạn kiệt, và Tesla sẽ phải tìm cách để bán được nhiều xe hơn.

Elon Musk đang tìm cách để câu giờ cho Tesla - và một trong số đó là đưa Trump lên nắm quyền. Steve Granitz/FilmMagic từ Getty Images.

Trump chưa có phản hồi gì về tín dụng ZEV. Nhưng kế hoạch của dự án 2025 của Heritage Foundation, một dự án đóng vai trò là khuôn mẫu tiềm năng cho chính quyền Trump thứ hai, đề xuất loại bỏ trợ cấp của chính phủ cho xe điện, và hạ thấp tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho ô tô có động cơ đốt trong. Musk có lẽ cho rằng việc đầu tư 45 triệu USD hàng tháng cho Super PAC có thể giúp Tesla giảm bớt gánh nặng này, trong khi việc loại bỏ các ưu đãi của IRA đang khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Trong cuộc báo cáo hàng quý của Tesla, giám đốc tài chính Vaibhav Taneja đã dành một chút thời gian để thể hiện lòng yêu nước, nói rằng Tesla tự hào là công ty “sản xuất nhiều ô tô nhất nước Mỹ.” Taneja có thể hô hào về nước Mỹ bao lâu cũng được, nhưng trên thực tế, nhà máy của Tesla tại Thượng Hải đã trở thành cứu cánh của doanh nghiệp sau khi khai trương và cứu Tesla khỏi bờ vực phá sản vào năm 2019. Chứng kiến tinh thần yêu nước trong một cuộc họp của Tesla là một hiện tượng lạ. Musk thường hay ca ngợi các lãnh đạo Trung Quốc nhiều hơn.

Tuy nhiên, Trump mang đến cho Tesla một cơ hội độc nhất tại Mỹ. Musk biết rằng ông cần phải làm chững lại tình hình cạnh tranh bằng mọi giá. Việc duy trì vị thế trên thị trường của Tesla là điều bắt buộc, cho đến khi ông có thể tạo ra một sản phẩm khác mà mọi người có thế thích thú đổ xô mua. Kể cả khi ông phải ủng hộ một người nào đó gây ảnh hưởng tới chương trình nghị sự tiết kiệm khí hậu toàn cầu, thì hiện tại, ta có thể thấy Tesla đã ngừng quan tâm tới tình hình thế giới, và dành sự quan tâm tới Elon Musk nhiều hơn. Hoặc có thể sự quan tâm vẫn luôn tập trung cho Elon Musk, chỉ là khi áp lực đã leo thang, và Tesla không thể che giấu được nữa.

Business Insider

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Trump 2.0: Điều gì đang chờ đợi Đông Nam Á?
Thái Linh

Thái Linh

Junior Editor

Trump 2.0: Điều gì đang chờ đợi Đông Nam Á?

Đông Nam Á có thể sẽ không phải là ưu tiên trong chương trình nghị sự đối ngoại của ông Trump, nhưng khu vực này cần phải có chiến lược đối phó với các lập trường về thương mại và an ninh của Tổng thống đắc cử, cũng như cách tiếp cận mang tính giao dịch của ông.
Nhịp đập kinh tế Trung Quốc: Con đường phục hồi chông gai và những thách thức còn bỏ ngỏ
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Nhịp đập kinh tế Trung Quốc: Con đường phục hồi chông gai và những thách thức còn bỏ ngỏ

Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 10 của Trung Quốc cho thấy bức tranh tương đối phức tạp. Điểm sáng đến từ tăng trưởng doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng, trong khi đó sản xuất công nghiệp và đầu tư bất động sản lại có dấu hiệu chậm lại. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định (tính từ đầu năm) duy trì ổn định so với tháng trước.
Kinh tế Châu Âu tăng trưởng chậm lại, ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất
Thái Linh

Thái Linh

Junior Editor

Kinh tế Châu Âu tăng trưởng chậm lại, ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất

Chỉ số PMI, một chỉ báo kinh tế quan trọng của khu vực eurozone, đang tiến gần ngưỡng suy thoái trong tháng thứ hai liên tiếp. Do đó, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng cho nửa cuối mùa đông. Thêm vào đó, do lạm phát có khả năng giảm nhờ giá năng lượng thấp hơn, chúng tôi dự kiến ECB sẽ có thêm 5 đợt cắt giảm lãi suất (lãi suất tiền gửi giữa năm 2025: 2.0%). Trong khi đó, kinh tế Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Donald Trump là tâm điểm trong Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC tuần qua
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Donald Trump là tâm điểm trong Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC tuần qua

Donald Trump đang ở cách đó 4,345 km tại Palm Beach, Florida, nhưng sự trở lại của ông vào Nhà Trắng và các chính sách mà chính quyền của ông sẽ thực hiện đã lan tỏa khắp Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, nơi quy tụ một số tên tuổi lớn nhất trong giới chính trị và kinh doanh.
Làn sóng “Trump Trade” liệu có thể tiếp tục kéo dài?
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Làn sóng “Trump Trade” liệu có thể tiếp tục kéo dài?

"Trump Trade" được dự đoán sẽ tiếp tục chi phối thị trường, với các chính sách trong nhiệm kỳ tới dự kiến sẽ gây ra nhiều tranh cãi về thuế quan và luật pháp, gây ra nhiều biến động trên thị trường toàn cầu. Sự biến động có thể trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn khi Trump tìm cách phá vỡ các chuẩn mực trong vấn đề thương mại tự do và thậm chí là sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ