Đúng vậy, lạm phát tại Mỹ vẫn là “tạm thời”!
Hữu Thăng
FX Strategist
Sức cản thuế khóa, lượng tiền tiết kiệm suy giảm và nhu cầu từ nước ngoài thấp có khả năng làm “hạ nhiệt” một nền kinh tế phát triển quá nóng
Khi năm 2021 kết thúc, những người ủng hộ quan điểm lạm phát là “tạm thời” – Team “Tạm thời” - đã thất bại ở Hoa Kỳ. Lạm phát tăng nhanh chóng đúng như các nhà kinh tế dự đoán bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers và cựu kinh tế trưởng IMF Olivier Blanchard. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6.8% trong năm tính đến tháng 12, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1982. Trong cuộc họp ngày 15 tháng 12, ngay cả các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng lo lắng. Biên bản cuộc họp, được công bố trong tuần này, tiết lộ các cuộc thảo luận về việc tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán của họ nhanh hơn so với dự đoán của thị trường.
Tôi sẽ cảnh báo họ đừng từ bỏ những gì đang làm một cách dễ dàng như vậy. Sau hàng nghìn tỷ USD được chi nhằm kích thích tài khóa, quá nhiều tiền có thể đã tạo ra quá ít lợi ích vào cuối năm ngoái. Nhưng năm nay tôi nghĩ tình hình sẽ khác, với tốc độ tăng trưởng và lạm phát chậm lại. Theo chỉ số đo lường tác động tài khóa của Viện Brookings, chính sách chi tiêu và thuế tại địa phương, tiểu bang và liên bang đã góp 7.5 điểm phần trăm vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Hoa Kỳ trong quý đầu tiên của năm 2021. Nhưng sau đó con số đã chuyển sang mức âm - và dự kiến sẽ là một lực cản đối với nền kinh tế trong ít nhất là quý 3 năm 2023. Những dự báo này bao gồm cả kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mới.
Và ngay cả khi các phần của gói kích thích “Build Back Better” trị giá 1.75 tỷ đô la bị đình trệ được thông qua trong năm nay, chi tiêu thực tế của chính phủ vào năm 2022 sẽ vẫn ở mức nhỏ và được bù đắp một phần bằng cách tăng thu thuế. Theo Văn phòng Quản lý và Ngân sách Hoa Kỳ, sự dao động trong cân đối ngân sách vào năm 2022 so với một năm trước sẽ là gần 9%, mức giảm lớn thứ hai trong lịch sử. Một số người cho rằng khó khăn tài khóa này chỉ đơn giản là chính phủ tiếp tay cho để tạo ra nhu cầu cho người tiêu dùng. Tiền từ gói kích thích, bảo hiểm thất nghiệp và tín dụng thuế nuôi con đã đẩy lượng tiền tiết kiệm cá nhân lên hơn 2 tỷ USD, do đó, mức tiêu dùng cao hơn có thể bù đắp sức cản thuế khóa.
Mặc dù tổng lượng tiền tiết kiệm đáng kinh ngạc, nhưng nó đang giảm dần và không được phân bổ đồng đều ngay từ đầu. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã trở lại mức trước đại dịch là khoảng 7%. Theo JPMorgan Chase Institute, các gia đình có thu nhập thấp nhận được tỷ lệ phần trăm tiền tiết kiệm cao nhất từ các biện pháp tài khóa, nhưng lại cạn kiệt tiền tiết kiệm nhanh hơn so với các nhóm khác. Đối với những người có thu nhập thấp, tỷ lệ của bất kỳ khoản tăng thu nhập nào được chi cho tiêu dùng thường cao hơn so với những người giàu có. Chính phủ không thể trao thêm cho những người đã tiêu hết tiền tiết kiệm của họ. Theo Moody’s Analytics, khoản tiết kiệm dư thừa trong các hộ gia đình lao động có thể cạn kiệt vào đầu năm nay.
Kết quả là lạm phát sẽ giảm xuống thấp hơn. Những người thất nghiệp trả lời khảo sát của Indeed.com cho biết tình hình tài chính của họ là một trong ba lý do hàng đầu khiến họ không khẩn trương tìm việc. Khi những khoản tiết kiệm đó giảm xuống, nhiều người đã bỏ lực lượng lao động sẽ cố gắng quay trở lại, thúc đẩy nguồn cung lao động và giảm bớt áp lực tăng lên đối với tiền lương và giá cả.
Còn đầu tư kinh doanh thì sao? Ngay cả những đợt tăng lãi suất hạn chế của Fed cũng sẽ làm tăng chi phí đi vay vào năm 2022. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang tăng và khó có thể tranh luận rằng môi trường đầu tư sẽ được cải thiện vào năm 2022. Đồng USD sẽ mạnh lên, đẩy lạm phát và xuất khẩu giảm.
Lực cầu của khối ngoại cũng có thể yếu. Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại một cách đáng kể trong nửa cuối năm 2021, một phần là vì mục tiêu ổn định tài chính. Mặc dù Bắc Kinh đã báo hiệu rằng họ sẽ làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng vào năm 2022, các vấn đề dài hạn vẫn tồn tại. Các khoản vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản là một rủi ro, cũng như chính sách Zero-Covid của Trung Quốc, điều này đang khiến các nhà máy phải đóng cửa.
Những điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu hiện có vào đầu năm 2022. Nhưng có những dấu hiệu khác cho thấy áp lực nguồn cung đang giảm bớt. Tình trạng tồn đọng đơn hàng và thời gian giao hàng đã được cải thiện trong những tháng gần đây. Theo chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu mới của Fed New York, các vấn đề trong chuỗi cung ứng “đã đạt đỉnh và có thể bắt đầu giảm nhẹ trong tương lai”. Điều đó cũng sẽ dẫn đến lạm phát của Hoa Kỳ giảm bớt vào cuối năm nay.
Fed có thể hành động nhanh hơn và quyết liệt hơn so với dự đoán vào đầu năm 2022 để giữ uy tín chống lạm phát của mình. Nhưng sức cản thuế khóa, lượng tiền tiết kiệm suy giảm và nhu cầu nước ngoài thấp có khả năng làm dịu đi một nền kinh tế phát triển quá nóng. Thêm vào đó, sự cải thiện về chuỗi cung ứng sẽ làm giảm áp lực lạm phát. Tôi sẽ đăng ký thêm một năm nữa với tư cách là thành viên của Team “Tạm thời”!
Megan Greene - FT