Đừng vội vàng đặt cược vào việc Fed sẽ thay đổi chính sách trong tương lai gần
Đặng Hải Phú
Junior Analyst
Các nhà giao dịch có vẻ như đang quá tự tin rằng rủi ro suy thoái sẽ khiến Fed chùn tay trong việc tăng lãi suất
Cổ phiếu và trái phiếu đã cùng nhau tăng giá kể từ lần tăng lãi suất gần nhất của Fed do tin rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ dừng việc tăng lãi suất khi nguy cơ suy thoái gia tăng. Các trader đặt niềm tin vào kịch bản này có thể sẽ phải đối mặt với những bất ngờ trong thời gian tới.
Diễn biến của các thị trường tài chính đã dần được cải thiện trong 1 tháng vừa qua. Cổ phiếu tăng khoảng 6% kể từ giữa tháng 6, dần vượt ra khỏi thị trường gấu, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 3% và chênh lệch tín dụng cũng thu hẹp. Nguyên nhân đến từ việc thị trường đã giảm kỳ vọng về khả năng tiếp tục tăng cường thắt chặt của Fed bởi một số dữ liệu cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế đang dần hiện diện.
Chỉ số Fed Fund Future đang định giá rằng mức tăng 75 bp là một kịch bản chiếm ưu thế trong cuộc họp tới, tuy nhiên thị trường cũng đang dự đoán FOMC sẽ dừng tăng lãi suất vào tháng 2/2023 sau khi nâng lãi suất tới sát mức 3,5%. Rủi ro suy thoái sau đó sẽ dẫn đến việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3, hay ít nhất là thị trường đang định giá như vậy.
Tín hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán đó là các nhà đầu tư đang cho rằng mức giảm tiếp theo nếu có sẽ là không quá lớn do đó đây là thời điểm thích hợp để trở lại với các tài sản rủi ro.
Tuy vậy, một bài học mà các nhà giao dịch vẫn chưa thực sự ghi nhớ trong một năm qua đó là lạm phát vẫn là một vấn đề dai dẳng và Fed tiếp tục kế hoạch của mình trừ khi nền kinh tế gặp khó khăn thực sự, điều mà chúng ta chưa thấy ở thời điểm hiện tại.
Bốn tháng sau khi chu kỳ tăng giá của Fed bắt đầu, lạm phát thậm chí vẫn tiếp tục tạo đỉnh mới. 19 trong số 21 mục hàng chính trong báo cáo CPI của tháng 6 đã công bố mức tăng hàng tháng cao hơn mức trung bình của sáu tháng trước đó. Trong khi đó, những gã khổng lồ trong ngành tiêu dùng như Johnson & Johnson vẫn cảnh báo về việc tăng giá nhiều hơn
Ngay cả khi bỏ qua thực phẩm và khí đốt, lạm phát vẫn ở mức chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980, do các mặt hàng có khả năng giữ nền giá cao như nhà ở. Dù thị trường bất động sản đang dần hạ nhiệt, nhưng một số nhà kinh tế nhận thấy nó có xu hướng nóng trở lại.
Các nhà đầu tư đặc biệt cảm thấy nhẹ nhõm khi kỳ vọng lạm phát dài hạn của người tiêu dùng đã giảm bớt. Nhưng điều đó phần lớn là do giá dầu và hàng hóa giảm, vốn vẫn đang tiềm ẩn rủi ro biến động rất lớn.
Giá dầu bán lẻ trong tháng 7 giảm 6% so với tháng trước nhưng vẫn gần gấp đôi mức trung bình 5 năm. Dầu vẫn dao động quanh mức 100 USD/thùng và quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, Ả Rập Xê Út, cho biết họ sắp đạt đến giới hạn sản lượng.
Sự sụt giảm giá hàng hóa sẽ mất thời gian để phản ánh vào chỉ số lạm phát, nếu xu hướng giảm này tiếp tục được duy trì. Chỉ khoảng 30% của tất cả các mục hàng trong báo cáo CPI mới nhất đã giảm trong tháng 6 so với mức trung bình sáu tháng trước đó
Nhiều chỉ báo đang báo hiệu về nguy cơ suy thoái và lãi suất trung tính thực tế đối với nền kinh tế đã giảm đáng kể sau Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009. Sản xuất và thị trường nhà ở đang có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng. Nhưng những thị trường khác, như thị trường việc làm và tiêu dùng, vẫn mạnh mẽ, điều này bật đèn xanh cho phép Fed tiếp tục tăng lãi suất khi họ còn có thể.
Cổ phiếu có thể quay đầu một cách ngoạn mục sau khi chạm đáy của chu kỳ hoặc sau một sự thay đổi trong chính sách của Fed. Kịch bản đầu tiên hiện không quá rõ ràng trong khi kịch bản thứ hai sẽ chịu tác động bởi lạm phát. Chúng ta vẫn cần thêm bằng chứng cụ thể rằng tình hình lạm phát có đang thực sự hạ nhiệt hay không.
Bloomberg