Đường tới Nhà Trắng 2020 - Phiên tranh luận đầu tiên và hàm ý đối với thị trường
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Mặc dù cuộc bầu cử vẫn chưa có tác động rõ ràng tới thị trường tài chính khi các nhà đầu tư vẫn còn đang bận rộn với các vấn đề nóng bỏng hơn như dịch bệnh hay gói cứu trợ tài khóa mới, biến động lớn hơn có thể sẽ đến sau phiên tranh luận sắp tới đây
Tất cả những điều bạn cần biết trước phiên tranh luận Tổng thống đầu tiên
Phiên tranh luận Tổng thống đầu tiên của cuộc Bầu cử 2020 giữa cựu Phó Tổng thống đến từ đảng Dân chủ Joe Biden và đương kim Tổng thống Donald Trump sẽ được tổ chức vào ngày 29/09 tại trường đại học Case Western Reserve ở Cleveland.
Ủy ban Tranh luận Bầu cử Mỹ (CPD) thông báo rằng chương trình sẽ được chia làm 6 phần, mỗi phần kéo dài 15 phút. Mỗi ứng viên sẽ có 2 phút để trả lời cho từng câu hỏi ở đầu mỗi phần.
Trong cuộc bầu cử trước đó, cuộc tranh luận đầu tiên giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đã thu hút số lượng xem kỷ lục là 84 triệu. Trước thời điểm đó, kỷ lục vẫn đang là buổi tranh luận giữa Carter và Reagan với 80.6 triệu lượt xem. Với bối cảnh hỗn loạn về kinh tế, chính trị và xã hội năm nay, sẽ không quá bất ngờ nếu như cuộc tranh luận năm nay sẽ tiếp tục xô đổ kỷ lục.Với rất nhiều vấn đề sẽ được bàn tới do sự phân kỳ trong chính sách giữa ông Biden và Trump, khán giả có thể sẽ đặc biệt quan tâm tới chương trình năm nay. Về cơ bản, nghiên cứu cho thấy những cuộc tranh luận trước bầu cử thường không có tác động lớn việc thay đổi phiếu bầu của cử tri. Trong vòng gần 3 thập kỷ qua - ngoại trừ năm 2016 - những ứng viên dẫn đầu trước khi bước vào tranh luận đều cuối cùng sẽ giành chiến thắng.
Mặc dù ban tổ chức cảnh báo rằng các chủ đề tranh luận có thể thay đổi do những diễn biến mới đây, những vấn đề chính sẽ được thảo luận bao gồm:
- Hồ sơ của Trump và Biden
- Toàn án tối cao
- Dịch bệnh Covid-19
- Nền kinh tế
- Sắc tộc và bạo lực
- Tính trung thực của cuộc bầu cử
Từ góc nhìn của thị trường, các nhà đầu tư sẽ tập trung chú ý tới câu trả lời của ứng viên đối với câu hỏi về nền kinh tế và đại dịch Covid-19. Những câu trả lời của họ có thể sẽ mang tới những hàm ý về chính sách khiến cho thị trường buộc phải tính tới và tái phân bổ lại danh mục đầu tư. Điều này có thể sẽ kích hoạt cho sự biến động của thị trường.
Những chủ đề còn lại có thể sẽ chỉ ảnh hưởng tới thị trường nếu như chúng tác động tới vị trí của các ứng viên trong cuộc đua. Nói chung, ngoại trừ khoảng thời gian ngắn khi khoảng cách bị thu hẹp vào cuối tháng 8, ông Trump vẫn đang theo sau ông Biden trong các cuộc khảo sát phiếu bầu. Kết quả tại các bang trung lập vẫn đang là ẩn số, dẫu vậy phong độ của ông Biden tới lúc này đang cho thấy tín hiệu lạc quan.
Thị trường tài chính sẽ phản ứng ra sao?
Tới lúc này, cuộc bầu cử vẫn chưa có tác động rõ ràng tới thị trường tài chính khi các nhà đầu tư vẫn còn đang bận rộn với các vấn đề nóng bỏng hơn như dịch bệnh hay gói cứu trợ tài khóa mới. Do đó, cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên có thể sẽ là nơi mà thị trường bắt đầu cảm nhận những biến động từ cuộc bầu cử năm nay.
Nếu như khảo sát cho thấy số phiếu của ông Trump được cải thiện sau cuộc tranh luận, tâm lý thị trường có thể kém tích cực hơn và khiến các tài sản trú ẩn an toàn như USD hay JPY tăng giá. Các đồng tiền như AUD hay NZD có thể sẽ giảm điểm cùng với các hàng hóa gắn với tăng trưởng như dầu mỏ. Viễn cảnh tái đắc cử của ông Trump dưới góc nhìn của thị trường cũng đồng nghĩa với việc thêm 4 năm chiến tranh thương mại xuyên lục địa và căng thẳng với Trung Quốc.
Ngược lại, nếu như Biden tỏa sáng, chúng ta có thể thấy tình thế được đảo ngược. Cách thức tiếp cận của vị nguyên Phó Tổng thống đối với các vấn đề đối ngoại và trong nước sẽ trở lại như thời kỳ trước 2016. Đối với các nhà đầu tư, điều này có nghĩa môi trường sẽ bớt khó lường hơn và có lợi cho hoạt động đầu cơ và mở rộng đầu tư ra nước ngoài.