Evergrande và thị trường bất động sản Trung Quốc: Dấu chấm hết cho đà tăng của kim loại?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Evergrande nói riêng và thị trường bất động sản Trung Quốc nói chung là một trong những nguồn tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới. Với Evergrande chìm trong khủng hoảng, đồng thời kéo theo cả mảng bất động sản và xây dựng của Trung Quốc, thị trường kim loại sẽ ảnh hưởng ra sao?
Thị trường Trung Quốc hỗn loạn trước khủng hoảng Evergrande
Thị trường chứng khoán tại đây đã giảm mạnh trong tuần này trước tin công ty bất động sản mắc nợ rất thế giới có thể không thể trả lãi đến hạn tuần này và tuần tới.
Evergrande được định giá 41 tỷ USD trong năm 2020. Tuy nhiên, vốn hóa thị trường đã giảm xuống chỉ còn 3.7 tỷ USD, khi công ty với khoản nợ 300 tỷ USD đang chật vật trả nợ.
Nhưng vấn đề của Evergrande chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Như Financial Times đã viết, mảng bất động sản của Trung Quốc đóng góp tới 29% tổng GDP nước này, tuy nhiên hiện tại đang cồng kềnh tới nỗi thay vì là đầu tàu tăng trưởng, lại đang trở thành gánh nặng.
Theo Financial Times, riêng số nhà ở bỏ không tại Trung Quốc đủ chỗ cho 90 triệu người sinh sống. Con số này lớn hơn dân số của 5 quốc gia G7 là Pháp, Đức, Ý, Anh và Canada.
Quá cung đã trở thành vấn đề nhiều năm nay. Sau nhiều lời nói bóng gió, chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra ba giới hạn để giảm mức nợ của mảng này: tỷ lệ nợ phải trả trên trên tổng tài sản, tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu, và tỷ lệ tiền trên nợ ngắn hạn. Evergrande đã vi phạm cả ba giới hạn trên.
Dù Evergrande chưa chắc là kẻ đầu tiên vi phạm, nhưng công ty này sẽ là kẻ đầu tiên được đưa ra làm gương.
Vấn đề của thị trường bất động sản Trung Quốc
Thị trường bất động sản Trung Quốc là một vấn đề ở nhiều cấp độ. Dù đúng là mảng này từng là đầu tàu tăng trưởng, nhân khẩu học tại đây đang không ủng hộ cho bất động sản.
Dân số Trung Quốc tăng rất chậm trong nhiều năm gần đây. Trong năm 2020, chỉ có 12 triệu đứa trẻ được sinh ra, giảm 2.65 triệu so với năm trước. Con số này được dự tính sẽ giảm xuống dưới 10 triệu trong những năm tới.
Như vậy, đầu tàu kinh tế nước này đang xây nhà cho một thị trường đang chết dần. Cùng với đó, nó tiêu hao cực kỳ nhiều vốn, đồng thời tạo ra kẻ thắng và người thua trong một cuộc chơi tài xỉu.
Ảnh hưởng tới thép
Một vai trò rất quan trọng của ngành công nghiệp thép tại Trung Quốc là để cung cấp cho mảng xây dựng.
Sản lượng lên tới hàng trăm triệu tấn thép này đang đổ vào vào một thị trường đã quá bão hòa và đầy rẫy những công trình dang dở. Mảng bất động sản cũng chiếm 20% tiêu thụ đồng và 10% tiêu thụ niken của Trung Quốc.
Với việc Bắc Kinh tiếp tục siết chặt quy định cho vay với các công ty bất động sản, GDP sẽ tăng trưởng chậm lại, và tiêu thụ kim loại cũng vậy.
Trong thập kỷ 2000-2009, tăng trưởng bình quân GDP của Trung Quốc đạt 10.4%/năm. Trong thập kỷ 2010-2019, con số này giảm xuống 7.68%. Đến thập kỷ này, tăng trưởng GDP sẽ còn gặp khó khăn để vượt 4%, và sẽ chỉ còn ở mức 1-2% từ 2025-2029.
Hiệu ứng domino
Dù Evergrande có thể sẽ không thành Lehman Brothers thứ hai, hiệu ứng domino sẽ vẫn rất nghiêm trọng.
Mua bán đất đóng góp một phần thu nhập rất lớn cho các chính quyền địa phương. Hoạt động mua bán đã giảm 90% YoY chỉ trong 12 ngày đầu của tháng Chín. Các công ty bất động sản đã cố chạy hàng và tạm hoãn dự án trước tình hình khủng hoảng. Doanh số bất động sản giảm 20% trong tháng Tám, và chỉ trong nửa đầu tháng Chín đã giảm 16%.
Bắc Kinh đang rất muốn chuyển mô hình tăng trưởng từ bất động sản sang công nghệ cao và công nghệ xanh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này sẽ không dễ dàng, kể cả với một nền kinh tế tập trung như Trung Quốc.
Trong lúc đó, kim loại đang bắt đầu phản ứng. Quặng sắt đã giảm do việc hạn chế sản xuất thép, khiến nhu cầu suy yếu và đẩy giá xuống dưới $100/tấn, chỉ bằng một nửa mức đỉnh đầu năm nay.
Vậy, liệu thị trường bất động sản Trung Quốc, thị trường tiêu thụ nhiều kim loại nhất thế giới, sẽ cũng chấm dứt bùng nổ giá kim loại?
Seeking Alpha