FED sẵn sàng cắt giảm lãi suất bất chấp hoài nghi liệu việc đó có thể cứu vãn thị trường trước ảnh hưởng của virus
Nguyễn Phan Bảo Giang
FX G7 Director
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hiện đang sẵn sàng giảm lãi suất trong tháng Ba này mặc dù họ thừa nhận chính sách tiền tệ không thể hỗ trợ hoàn toàn cho nền kinh tế vốn ngày càng bị đe dọa bởi virus Corona.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã mở đường cho việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp của FED vào ngày 17-18 tháng Ba sắp tới, bằng cách đưa ra một tuyên bố hiếm thấy vào thứ Sáu rồi, cam kết “hành động phù hợp” để hỗ trợ nền kinh tế.
Ông đã bị đặt vào thế phải đưa ra hành động phản ứng sau đợt mất điểm nghiên trọng của thị trường chứng khoán Mỹ, khi các nhà đầu tư trở nên đầy lo âu rằng virus lây lan sẽ gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Các nhà đầu tư và một loạt các ngân hàng trên Phố Wall hiện kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất trong những tháng tới, thậm chí một số người còn tin vào khả năng cắt giảm khẩn cấp trước cả khi cuộc họp của NHTW diễn ra cuối tháng này.
Điều đáng nghi ngờ là việc cắt giảm lãi suất thực tế tác động đến thế nào giữa lúc khủng hoảng sức khỏe nhân loại đang đe dọa cả hai mặt cung và cầu của nền kinh tế. Bất kể Fed làm gì, các nhà máy cũng không thể ồ ạt sản xuất hàng hóa nếu không thể nhận được các nguyên liệu cần thiết từ nước ngoài. Người tiêu dùng cũng không có khả năng chi tiêu nếu như họ sợ đi ra khỏi nhà.
Nhưng tín dụng rẻ hơn vẫn có thể giúp thúc đẩy kinh tế phục hồi và khôi phục niềm tin tiêu dùng một khi virus được kiểm soát. Và mặc dù hành động này không được miêu tả như là chạy đua giải cứu thị trường, FED có thể hạn chế thiệt hại kinh tế bằng cách siết chặt các điều kiện tài chính đối với nền kinh tế.
“Chính sách tiền tệ chắc chắn không thể giảm được sự lây lan của virus”, cựu Thống đốc FED ông Laurence Meyer phát biểu. “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là FED không làm gì cả. FED vẫn cần làm những gì có thể”
Sự can thiệp của Powell 90 phút trước khi thị trường chứng khoán đóng cửa vào thứ Sáu đã đánh dấu một cú xoay chuyển mạnh so với thông điệp trước đó của các nhà hoạch định chính sách khi cho rằng quá sớm để đánh giá tác động kinh tế của dịch bệnh gây ra. Thị trường cũng đặt câu hỏi về dự định của FED về việc giữ chính sách ổn định vào năm 2020 sau khi cắt giảm lãi suất ba lần vào năm ngoái.
Chứng khoán tháo chạy
Điều đã thay đổi dự định đó chính là tuần tồi tệ nhất đối với chứng khoán Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Peter Hooper, một cựu quan chức của Fed, hiện đang là Giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Deutsche Bank, nhận định “FED không muốn đà rơi tự do được tiếp diễn”. “Họ biết một điều mà chính sách tiền tệ có thể làm là kéo tài sản rủi ro tăng giá”.
Giá cổ phiếu tăng vọt sau tuyên bố của Powell. Chỉ số S&P500 đã đóng cửa thấp hơn 0.8% so với giá mở cửa vào thứ Sáu, bật tăng mạnh trong 15 phút giao dịch cuối cùng từ mức thua lỗ có lúc đến 3%. Kết thúc tuần, chỉ số mất 11%. Nhưng sau một loạt các tin tức đáng lo ngại về virus vào thứ Bảy, các nhà đầu tư lại đang đứng trên bờ vực nguy hiểm.
Hooper dự báo Fed sẽ lần lượt cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng Ba và tháng Tư. Những người đồng cấp của ông tại Bank of America dự đoán mức cắt giảm tới 50 điểm cơ bản trong tháng này. Còn Goldman Sachs thì đánh giá mức lãi suất tổng cộng 75 điểm cơ bản cho đến tháng Sáu.
Họ cũng dự báo những đợt cắt giảm sắp tới, có lẽ là đồng thời, từ khu vực đồng EUR, Canada và Vương quốc Anh. Lần cuối các ngân hàng trung ương thực hiện cắt giảm lãi suất cùng lúc là trong năm 2008.
“Các chính sách gia tại những NHTW toàn cầu đang tập trung cao độ vào các rủi ro chí mạng do virus”, các nhà kinh tế học của Goldman nhận xét trong một báo cáo. “Chúng tôi nghĩ rằng họ xem xét động thái phối hợp sẽ tạo động lực lớn hơn là tác động của từng động thái riêng lẻ”.
Trường hợp tử vong đầu tiên của Hoa Kỳ bởi virus Corona là một người đàn ông ở độ tuổi 50, các quan chức y tế của Tiểu bang Washington cho biết hôm thứ Bảy. Tổng thống Donald Trump đã một lần nữa công kích NHTW và cho rằng “đã đến lúc” FED hành động như “người dẫn dắt” và giảm lãi suất.
Nếu thói quen thị trường tiếp tục, các nhà kinh tế của Bank of America cho biết trường hợp “cắt giảm khẩn cấp” sớm hơn lịch trình các cuộc họp thông thường của Fed là hoàn toàn có thể. Điều này đã không được thực hiện kể từ tháng Mười năm 2008.
Trong khi cố gắng tìm ra những việc cần làm, các nhà hoạch định chính sách đang suy tư những mối lo tương tự với các nhà đầu tư. Suy nghĩ trước đây của họ là sự lây nhiễm sẽ chủ yếu ở Trung Quốc và tác động đến nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ rất nhỏ và không đáng bận tâm.
Không phải “có hay không” mà “khi nào”
Những suy nghĩ ngây thơ đó đã thay đổi khi virus lây lan từ Trung Quốc sang phần còn lại của thế giới, với Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch tễ nói rằng đây không phải là một câu hỏi “có hay không” mà là “khi nào” thì dịch sẽ ảnh hưởng đến Mỹ.
“Chúng ta đều sẽ thấy các ca nhiễm xuất hiện ở mọi nơi trong một thời gian”, ông Olivier Blanchard, nhà kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ quốc tế, hiện đang làm việc tại Viện Peterson về kinh tế quốc tế ở Washington, nhận định. “Tác động kinh tế có thể đáng kể”.
Các nhà kinh tế của Bloomberg nói gì
“Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với khẳng định rằng việc FED nới lỏng sẽ là vô ích, vì nó sẽ giúp giảm bớt các điều kiện tài chính và làm dịu gánh nặng chi phí vốn đối với chi tiêu và đầu tư nhạy cảm với lãi suất”.
Trong một báo cáo được công bố vào thứ Sáu, các nhà kinh tế của Goldman Sachs do Jan Hatzius dẫn đầu cho biết họ dự đoán virus sẽ gây ra một “cơn sụt giảm toàn cầu ngắn hạn” cho kinh tế thế giới, vốn đã đứng bên bờ vực của sự suy thoái.
Lo ngại này tăng lên vào cuối tuần rồi khi tin tức công bố hôm thứ Bảy rằng hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể vào tháng Hai ở mức thấp kỷ lục.
Cú sốc nguồn cung
Blanchard đặt câu hỏi rằng việc cắt giảm lãi suất của FED sẽ hiệu quả đến mức nào khi đối mặt với cái gọi là “cú sốc cung bất thường”, khi mà các nhà máy buộc phải cắt giảm sản lượng vì họ không thể nhập được nguyên liệu từ nước ngoài.
“Giảm lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong bối cảnh này không thực sự hữu ích”, ông Blanchard nói.
Điều quan trọng hơn, ông nói, là đảm bảo rằng tín dụng tiếp tục chảy vào các công ty vừa và nhỏ, vốn có thể phải đối mặt với việc thiếu hụt thanh khoản do sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ virus.
Các quan chức Fed có vẻ cảnh giác về tầm quan trọng của việc duy trì nguồn cung tín dụng.
“Điều đầu tiên mà tôi suy nghĩ là liệu thói quen cho vay có bị ảnh hưởng xấu hay không”, Chủ tịch FED Chicago ông Charles Evans cho biết vào ngày 27 tháng Hai khi đưa ra suy nghĩ về tiềm năng của chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
Chính sách hỗ trợ
Với lãi suất mục tiêu ở mức 1.5% đến 1.75%, các quan chức FED cho rằng chính sách tiền tệ hiện đã nới lỏng và hỗ trợ nền kinh tế.
Một số mối nguy hiểm mà Ủy ban FOMC đã lo lắng trong năm ngoái cũng đã giảm đi nhờ vào việc Mỹ-Trung ký kết giai đoạn một của thỏa thuận thương mại và rủi ro Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu theo kịch bản xấu đang giảm đi.
Nếu không xảy ra biến cố, những người theo dõi hành động của FED cho rằng NHTW này sẽ chọn đứng ngoài trong suốt năm bầu cử ở Mỹ.