Giấc mơ dẫn đầu về công nghệ Chip của Hoa kỳ sẽ biến mất nếu không có thêm người nhập cư
Tuấn Hưng
Junior Analyst
Hàng tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp chất bán dẫn Hoa Kỳ có thể bị bỏ phí nếu như Quốc Hội không mở cửa để đón nhiều hơn những lao động có tay nghề cao.
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã làm việc cùng nhau để thông qua Đạo luật Khoa học và Chips, nhưng sự thất bại của họ trong việc tìm được tiếng nói chúng đã khiến cho việc thu hút nhiều người nhập cư có tay nghề cao hơn đến Hoa Kỳ gặp khó và đẩy thành tựu này vào tình trạng nguy hiểm.
Quốc hội đã thông qua luật vào năm 2022 nhằm vực dậy hoạt động sản xuất chất bán dẫn trong nước và giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy chế tạo ở Đông Á. Trên giấy tờ, sáng kiến này đã thành công: Gần 30 tỷ USD tiền trợ cấp và 25 tỷ USD tiền vay đã được trao, hỗ trợ khoản đầu tư khoảng 350 tỷ USD. Một nghiên cứu cho rằng công suất sản xuất chip của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2032, với sản lượng chip tiên tiến tăng từ 0% vào năm 2022 lên 28% sản lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, để xây dựng và vận hành những nhà máy đó, các công ty sẽ cần những nhân công mà Hoa Kỳ hiện đang không thể đáp ứng. Sự thiếu hụt những người lao động lành nghề cho thiết bị sản xuất chip siêu chính xác đã khiến các dự án bị trì hoãn. Số lượng người Mỹ theo học các chương trình sau đại học liên quan không thay đổi trong 30 năm qua. Một phần ba số công nhân nhà máy hiện tại từ 55 tuổi trở lên và hơn một nửa số họ nói rằng họ muốn nghỉ việc. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cho biết các nhà sản xuất chip sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu 67.000 công nhân lành nghề vào năm 2030.
Quốc hội cần phải cân nhắc hậu quả. Các công ty không thể mở rộng quy mô sẽ yêu cầu trợ cấp bổ sung hoặc chuyển sản xuất sang Đài Loan và Nhật Bản. Khi sản xuất trong nước gặp khó khăn, vấn đề có thể trở nên trầm trọng hơn khi sinh viên tốt nghiệp STEM của Mỹ tìm kiếm việc làm trong các lĩnh vực khác. Những lợi ích được mong đợi bao gồm sự dẫn đầu về công nghệ của Hoa Kỳ và an ninh quốc gia được tăng cường có thể sẽ không xảy ra.
Đạo luật Chips đã lường trước được khó khăn này. Nó đã bao gồm một quỹ đào tạo và giáo dục trị giá 200 triệu USD, đồng thời yêu cầu các công ty ưu tiên phát triển lực lượng lao động. Các trường cao đẳng đã công bố các chương trình cấp bằng và chứng chỉ mới nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn. Nhưng những nỗ lực này sẽ mất thời gian để mang lại kết quả. Họ sẽ không đáp ứng được nhu cầu trước mắt của ngành và có thể sẽ thất bại về lâu dài nếu các nhà tuyển dụng không thể thuê thêm người nhập cư. Đặc biệt là khi số lượng sinh viên Hoa Kỳ sở hữu bằng tốt nghiệp STEM liên quan đến sản xuất chip chỉ chiếm thiểu số.
Hệ thống nhập cư hiện tại của Hoa Kỳ đang gây ra khó khăn cho Chips Act. Chương trình H-1B bị nhiều người chỉ trích, nhưng hàng năm vẫn bị đăng ký quá mức. Các hạn mức về số lượng visa cộng với giới hạn theo quốc gia khiến các ứng viên từ Ấn Độ, nguồn lao động tiềm năng cho ngành sản xuất chất bán dẫn, có thể sẽ phải chờ đợi hàng thập kỷ để được giải quyết.
Cải cách nhập cư toàn diện sẽ là tốt nhất, nhưng nếu không làm được điều đó thì ý tưởng “visa của nhà sản xuất chip” do Economic Innovation Group đề xuất cũng là một ý tưởng hay. Cụ thể hơn, họ có thể bán đấu giá một số lượng thị thực nhất định (chẳng hạn như 10,000 thị thực mỗi năm trong 10 năm) cho những người lao động có tay nghề cao, với mức lương nhất định. Người nhận có thể thay đổi công việc trong ngành và sẽ được cung cấp con đường nhanh chóng để trở thành thường trú nhân sau khi làm việc trong 5 năm. Tiền thu được từ các cuộc đấu giá sẽ giúp tài trợ học bổng và các chương trình phát triển lực lượng lao động cho sinh viên và người lao động Mỹ.
Đó là điều tối thiểu mà Quốc hội nên làm. Sự thiếu hụt lao động STEM không chỉ giới hạn ở ngành chất bán dẫn. Hoa Kỳ cần tăng số lượng visa cho lao động có tay nghề cao, ưu tiên các ứng viên có kỹ năng STEM đang được yêu cầu và miễn các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học Hoa Kỳ với bằng cấp cao trong lĩnh vực STEM khỏi hạn mức thẻ xanh. Chỉ riêng nhóm này cũng có thể cung cấp đủ lao động để đáp ứng hầu hết nhu cầu kỹ sư chất bán dẫn.
Nhiều người trong Quốc hội tự hào về Chips Act. Nếu họ phớt lờ tình trạng thiếu hụt công nhân lành nghề, đạo luật này có thể trở thành một nỗi xấu hổ.
Bloomberg