Giải mã sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc: Không đơn thuần chỉ là Covid-19
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dự kiến sẽ còn tồi tệ và dai dẳng hơn so với dự báo
Những số liệu vĩ mô gần đây cho thấy quá trình giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với dự kiến và sẽ không chỉ tới từ cách mà quốc gia này đối phó với dịch bệnh Covid-19.
Những diễn biến tại Thượng Hải cho thấy tình trạng phong tỏa đã gây ra những tổn thất to lớn tới người dân khi hàng triệu người phải rơi vào tình trạng thiếu thực phẩm và thuốc men. Sẽ thật hiển nhiên để nhìn ra rằng chính sách kiểm soát dịch bệnh trên là nguyên nhân cho sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua. Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn còn những nguyên nhân sâu xa hơn thế.
Nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản và siết chặt quản lý đối với khu vực tư nhân. Điều này đã dẫn tới tăng trưởng đầu tư bị sụt giảm. Theo nghiên cứu từ Nomura Research, Trung Quốc đang phải đối mặt với lần giảm tốc tồi tệ thứ 2 từ sau khi đại dịch bùng phát và điều này có thể tiềm ẩn những rủi ro tới nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù số liệu GDP có vẻ vẫn đạt được mục tiêu từ chính phủ, tuy nhiên các chỉ số vĩ mô khác đều cho thấy tăng trưởng đang trở nên yếu hơn.
Chúng ta cần nhắc lại 2 cách mà chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng GDP thực: (i) Công bố một mức lạm phát thấp và (ii) tăng mạnh tín dụng và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, cả 2 công cụ này đều không thể che giấu được sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc bởi vấn đề hiện tại đã mang tính cấu trúc.
Sự sụp đổ của bong bóng bất động sản là vấn đề lớn nhất. Một nghiên cứu từ Kenneth Rogoff và Yuanchen Yang đã ước tính ngành bất động sản chiếm khoảng 29% GDP của Trung Quốc. Do đó, chính phủ nước này không thể bù đắp sự sụt giảm của bất động sản bằng các ngành khác. Ngoài ra, tác động của bất động sản lên thị trường lao động cũng khó có thể lường trước và có thể kéo dài trong nhiều năm.
Cùng với đó, sự e ngại về can thiệp chính trị đối với khu vực kinh tế tư nhân cũng khiến cho dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Trung Quốc suy giảm đáng kể. Trong số đó có ngành công nghệ, vốn là khu vực tạo ra số lượng việc làm hàng đầu. Mặc dù NHTW Trung Quốc đã quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhưng cũng không thể ngăn cản được sự suy giảm của tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Mức nợ cao cũng là một vấn đề đối với Trung Quốc. NHTW Châu Âu đã ước tính dư nợ khu vực tư nhân tại nước này đã vượt mức 250% GDP, trong đó khu vực doanh nghiệp có tỷ lệ cao nhất trên thế giới. ECB cũng chỉ ra rằng điều này khiến một phần lớn dư nợ trên sẽ được tài trợ bởi các tổ chức phi ngân hàng và dẫn tới rủi ro mất chi trả lớn hơn.
Những chính sách phong tỏa cực đoan có thể đang tác động tiêu cực tới các hoạt động kinh tế và chuỗi cung ứng, tuy vậy những vấn đề nội tại mang tính cấu trúc mới chính là gánh nặng thật sự đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc trong một thời gian dài sắp tới.
Seeking Alpha