Giới đầu tư đặt cược ECB sẽ làm tất cả những gì cần thiết để giữ lãi suất thấp
Sự can thiệp của chủ tịch ECB Lagarde đã hạn chế lợi suất của thị trường trái phiếu, ngay cả đối với những chủ thể phát hành có xếp hạng tín nhiệm thấp.
Trong tháng 3, khi chủ tịch ECB bà Christine Lagarde phát biểu rằng: nhiệm vụ của NHTW châu Âu không phải là thu hẹp khoảng cách về chi phí đi vay giữa những chủ thể phát hành trái phiếu trong khu vực. Qua đó, tác động đến tâm lý nhà đầu tư, gây ra một đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu.
Chín tháng sau, giới đầu tư dốc toàn lực vào việc đặt cược rằng chủ tịch ECB đã thay đổi quyết định.
Trước khi cuộc họp chính sách của NHTW châu Âu vào cuối tuần này diễn ra, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu quốc gia có rủi ro cao trong khu vực đồng euro đã bị thu hẹp bởi nhu cầu không ngừng đối với trái phiếu rủi ro hơn. Việc mua vào đã thúc đẩy lợi suất 10 năm của Bồ Đào Nha lần đầu tiên xuống dưới 0 vào tuần trước. Tây Ban Nha cũng không cách quá xa và Italia - thị trường lớn cuối cùng của khu vực đồng euro mang lợi suất dương đáng kể trong hơn một thập kỷ - đã chứng kiến mức giảm, khi đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ của khu vực một thập kỷ trước.
Với việc ECB dự kiến sẽ mở rộng chương trình mua tài sản khẩn cấp (PEPP) trị giá 1.35 tỷ euro thêm 500 tỷ euro nữa vào thứ Năm, các nhà đầu tư ngày càng thoải mái hơn trong việc nắm giữ trái phiếu có rủi ro cao, bất chấp sự bùng nổ mức nợ do đại dịch gây ra.
Bà Sandra Holdsworth - người đứng đầu bộ phận lãi suất toàn cầu của Aegon Asset Management cho biết: “Cam kết giữ lãi suất thấp đã gây ấn tượng với các thị trường trong năm nay. Tại sao bạn không mua trái phiếu của Bồ Đào Nha hoặc Italia nếu bạn biết trái phiếu có sự hỗ trợ của ngân hàng trung ương?”
ECB đã né tránh các mục tiêu rõ ràng về lợi suất hoặc chênh lệch lợi suất trái phiếu, khi thành viên Ban điều hành NHTW châu Âu bà Isabel Schnabel phát biểu với Bloomberg vào tuần trước rằng các nhà hoạch định chính sách chưa bao giờ thảo luận về “kiểm soát đường cong lợi suất” - một chính sách để giữ lợi suất ở mức xác định trước. Nhưng đối với một số nhà đầu tư, cam kết duy trì “điều kiện tài chính thuận lợi” của bà cũng chẳng khác gì.
Isabelle Vic-Philippe - người đứng đầu trái phiếu chính phủ đồng euro tại Amundi cũng nhà quản lý tài sản lớn nhất châu Âu cho biết “ECB đang thực hiện một số biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất và kiểm soát chênh lệch lợi suất. ECB không thể nói ra điều đó, nhưng một cách thẳng thắn, đây là những gì họ đang làm."
Thật vậy, các thị trường dường như tin tưởng hơn nhiều vào khả năng kiềm chế lợi suất của ECB hơn là khả năng giữ tỷ lệ lạm phát gần 2%. Giao dịch hoán đổi liên quan đến lạm phát trong 5 năm - một thước đo thị trường dài hạn được ngân hàng trung ương theo dõi chặt chẽ - cho thấy các nhà đầu tư đang kỳ vọng lạm phát chỉ tăng 1.25% mỗi năm trong nửa cuối thập kỷ tới.
Đồng euro mạnh hơn, kéo theo giá nhập khẩu giảm cũng không hỗ trợ: đồng tiền chung khu vực châu Âu đã tăng lên hơn 1.21 đô la vào tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 4/2018. Trước đó, các lãnh đạo ECB đã phát tín hiệu báo động về mức tăng của đồng Euro, một phần phản ánh đồng dollar suy yếu, nhưng các nhà đầu tư hoài nghi về việc liệu ngân hàng trung ương có thể kiềm chế đà tăng đơn giản bằng cách cố gắng hạ giá đồng tiền hay không.
Bà Jane Foley - người đứng đầu chiến lược giao dịch ngoại hối tại Rabobank, cho biết: “Vấn đề với 'can thiệp bằng lời nói' là nó chỉ hoạt động trong ngắn hạn. Sau đó, cần các biện pháp để hỗ trợ." Bà cho biết, miễn là các nhà đầu tư coi việc mua tài sản của ECB như một công cụ để giữ chênh lệch lợi suất, thay vì giảm lãi suất trên toàn nền kinh tế, thì điều đó sẽ không thay đổi. Ngân hàng trung ương đã không loại trừ việc cắt giảm lãi suất cơ bản từ mức thấp kỷ lục hiện tại là - 0.5%, nhưng rất ít nhà đầu tư dự báo ECB thực hiện bước đi đó.
Ông Richard Barwell - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại BNP Paribas Asset Management, cho biết: “Hành động nhiều hơn lời nói: chúng tôi gặp cú sốc lớn nhất trong quá khứ và ECB đã không cắt giảm lãi suất”. Ông Barwell cho biết thêm: Không sẵn sàng cắt giảm lãi suất khi đối mặt với lạm phát dưới mục tiêu đang thúc đẩy sự tăng giá của đồng euro, có khả năng tạo ra một vòng luẩn quẩn trong đó giá cả tăng chậm làm tăng sức mạnh đồng tiền.
Ông nói, nếu ECB muốn đạt được mục tiêu lạm phát, sẽ cần các chính phủ đẩy mạnh các gói kích thích tài khóa lớn hơn. Bà Lagarde, kể từ khi tiếp quản tổ chức có trụ sở tại Frankfurt vào năm ngoái, đã kêu gọi các quốc gia thành viên khu vực đồng euro nới lỏng tài khóa và ủng hộ sự phối hợp giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ để đối phó với đại dịch.
Theo bà Holdsworth: Bằng cách kiểm soát chi phí đi vay, ECB đã mang lại cho các chính phủ khả năng chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, việc dựa vào những tác động gián tiếp của các chính sách để đạt được mục tiêu trọng tâm có thể khiến ECB rơi vào tình thế lưỡng nan. Có những điều chủ tịch Lagarde muốn nói về ECB không có quyền kiểm soát, chẳng hạn như nhu cầu hỗ trợ tài khóa nhiều hơn. “Điều đó cho bạn biết rằng họ hoàn toàn nhận thức được những hạn chế của chính sách tiền tệ, nhưng họ sẽ không thừa nhận một cách công khai rằng họ không có nhiều lựa chọn”.