Hoặc các nhà đầu tư Vàng sai, hoặc các nhà đầu tư trái phiếu sai
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Vàng rất đẹp, nhưng cuối cùng cũng chỉ để ngắm. Ít nhất đó là những gì mà những người hoài nghi về vai trò của kim loại này như một khoản đầu tư thường nói, nhấn mạnh việc nắm giữ nó chẳng đem lại bất kỳ thu nhập nào.
Nhưng trong thế giới hỗn loạn của thị trường tài chính năm 2020, thu nhập bằng 0 đôi khi lại có thể trông hấp dẫn. Không chỉ có gần 15 nghìn tỷ đô la nợ trên toàn thế giới đang có lãi suất dưới 0, mà thị trường Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ - một trong những tài sản lợi suất dương cuối cùng trong nhóm trái phiếu chính phủ được định giá tín nhiệm cao - hiện cũng đang bị ảnh hưởng bởi lợi suất thực âm, một khi tính ròng theo lạm phát.
Lợi suất chào bán tài sản nợ giảm về âm là một lý do giúp giá vàng trong tuần này phá vỡ mức đỉnh kỷ lục cách đây 9 năm. Tương tự, việc trái phiếu không còn hấp dẫn như một nơi trú ẩn an toàn làm suy yếu ý tưởng đầu tư truyền thống 60/40.
Theo lý thuyết, 40% của một danh mục đầu tư vào trái phiếu sẽ tăng giá khi cổ phiếu giảm, bù đắp phần thua lỗ của cổ phiếu. Nhưng với lợi suất ở mức thấp kỷ lục trên toàn thế giới và các ngân hàng trung ương kìm hãm sự biến động với các chính sách kiểm soát mục tiêu lợi suất điều hành, logic đó có vẻ khó đứng vững. Trái phiếu dường như không còn dư địa để tăng giá trong trường hợp thị trường chứng khoán bị bán tháo.
Có một chút lạ lẫm khi các nhà đầu tư đang tìm kiếm những cách thức mới để bù đắp (hay phòng vệ) rủi ro từ cổ phiếu. Đối với nhiều người, vàng nổi bật.
Dario Perkins, giám đốc điều hành nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của TS Lombard cho biết, "chúng tôi có rất nhiều câu hỏi từ các khách hàng quan tâm đến vàng". Ông Perkins cho biết những thắc mắc này bắt đầu từ năm ngoái, khi các khoản nợ có lợi suất âm trên toàn thế giới xuất hiện nhiều, nhưng đã gia tăng sau khủng hoảng coronavirus khi quy mô của việc mua trái phiếu của Cục Dự trữ Liên bang đẩy lợi suất thực xuống mức thấp mới.
Nhiều nhà đầu tư nhận thức được rằng mối tương quan nghịch chiều giữa trái phiếu và cổ phiếu không phải là một định luật bất biến, mà là một hiện tượng tương đối. Trước năm 2000, thị trường trái phiếu có xu hướng tăng và giảm cùng với cổ phiếu.
Tuy nhiên, đối với những người chuyển đổi sang vàng như là công cụ phòng vệ ưa thích thì có một tin xấu: trong lịch sử, vai trò của vàng thỏi như một tài sản có tương quan nghịch (với cổ phiếu) thậm chí còn chắp vá hơn so với trái phiếu. Ông Perkins, người đã theo dõi các con số trong một thế kỷ rưỡi, cho biết vàng đôi khi mang lại một giải pháp phòng vệ hữu ích, nhưng lại hay có mối tương quan thuận với cổ phiếu cùng vào những thời điểm trái phiếu biến động thuận chiều.
Chỉ trong những giai đoạn lạm phát nghiêm trọng - gần đây nhất là trong những năm 1970 - vàng mới là đối trọng cho cổ phiếu (trong cùng thời điểm đó trái phiếu không mang lại khả năng phòng vệ). Trong khi đó, loại tương quan như chúng ta đã chứng kiến vào tháng 3 năm nay thì thường thấy hơn, khi một đợt bán tháo ngắn nhưng cực kỳ mạnh mẽ đối với vàng đã xảy ra cùng lúc với đỉnh điểm của cuộc tàn sát trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, sự quay trở lại của lạm phát sau nhiều thập kỷ tăng giá chậm chạp là chính xác những gì nhiều người mua vàng đang dự đoán. Các chính phủ trên thế giới đang phát hành nợ kỷ lục trong khi các ngân hàng trung ương đã mua trái phiếu với tốc độ chóng mặt, một phần trong nỗ lực kiềm chế chi phí vay. Nếu nền kinh tế toàn cầu nhanh chóng rũ bỏ tác động của Covid-19, khiến tăng trưởng và lạm phát quay trở lại, các ngân hàng trung ương khó có thể nhanh chóng rút lại kích thích đó.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs đã viện dẫn một sự thay đổi tiềm năng của Fed “theo hướng lạm phát” hồi tuần trước khi họ tăng mục tiêu giá vàng 12 tháng thêm 300 đô la, lên mức 2,300 đô la một ounce.
Bank of America chỉ ra một liên kết khác giữa thị trường trái phiếu, vàng và mối đe dọa của lạm phát. Michael Hartnett, chiến lược gia đầu tư trưởng, đã viết gần đây rằng các ngân hàng trung ương mua trái phiếu đang cản trở các nhà đầu tư đặt cược vào lạm phát cao hơn bằng cách bán khống nợ chính phủ. Thay vào đó, những trader trái phiếu đó sẽ chuyển qua giao dịch vàng.
Điều đáng ghi nhớ là các nhà đầu tư đặt cược vào lạm phát trong quá khứ đã hoàn toàn thất bại. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhiều người cho rằng mức độ kích thích tiền tệ chưa từng có sẽ mở ra một làn sóng lạm phát. Nhưng thay vào đó, một thập kỷ lạm phát rất thấp đã xảy ra.
Nhiều nhà đầu tư trái phiếu dường như đã học được bài học đó. Mặc dù sự sụt giảm gần đây về lợi suất thực là kết quả của kỳ vọng lạm phát gia tăng được phản ánh vào thị trường trái phiếu, thì mức độ này vẫn còn thấp theo tham chiếu lịch sử. Kỳ vọng lạm phát 10 năm của Hoa Kỳ - thước đo đo lường khoảng cách giữa lợi suất của trái phiếu thường và trái phiếu được bảo vệ khỏi lạm phát (inflation-protected) - hiện ở mức 1.5%. Thị trường mong đợi một mức thậm chí thấp hơn ở châu Âu.
Một phần điều này phản ánh những tác động méo mó của việc nới lỏng định lượng - bằng cách giảm lợi suất danh nghĩa, ngân hàng trung ương đồng thời có xu hướng siết chặt kỳ vọng lạm phát. Nhưng thực tế, nhiều nhà đầu tư cũng không tin vào khả năng lạm phát tăng, không chỉ bởi vì cú sốc nhu cầu của coronavirus khiến nhiều nền kinh tế lớn phải chứng kiến giá cả giảm mạnh.
Để vàng chứng minh giá trị của nó - với tư cách là công cụ ổn định danh mục đầu tư hoặc phòng ngừa lạm phát dài hạn - thị trường trái phiếu sẽ phải bị chứng minh là đã sai rất sai.