IEA dự báo nhu cầu toàn cầu về dầu chậm lại cho tới 2028
Nguyễn Thanh Thùy Dung
Junior Analyst
Báo cáo trung hạn mới của IEA cho thấy việc sử dụng dầu cho vận tải sẽ giảm sau năm 2026, nhưng mức tiêu thụ tổng thể dự kiến sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu hóa dầu mạnh mẽ.
Theo một báo cáo mới của IEA được công bố, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ chậm lại trong những năm tới, với giá cao và những lo ngại về an ninh nguồn cung bởi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Báo cáo thị trường trung hạn Oil 2023 dự báo rằng dựa trên các chính sách hiện tại của chính phủ và xu hướng thị trường, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 6% từ năm 2022 đến năm 2028 để đạt 105.7 triệu thùng mỗi ngày (mb/d) – được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh mẽ từ lĩnh vực hóa dầu và hàng không. Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu hàng năm dự kiến sẽ giảm từ 2.4 triệu thùng/ngày trong năm nay xuống chỉ còn 0.4 triệu thùng/ngày vào năm 2028.
Đặc biệt, việc sử dụng dầu làm nhiên liệu vận tải sẽ giảm sau năm 2026 do sự phát triển của xe điện, nhiên liệu sinh học và tăng cường tiết kiệm nhiên liệu làm giảm mức tiêu thụ.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch đang tăng tốc, với nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trước cuối thập kỷ này khi xe điện, năng lượng tái tạo và các công nghệ khác phát triển vượt trội. Các nhà sản xuất dầu cần chú ý đến tốc độ thay đổi đang diễn ra và hiệu chỉnh các quyết định đầu tư của họ để đảm bảo quá trình chuyển đổi có trật tự”.
Các thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn đang dần điều chỉnh lại sau 3 năm đầy sóng gió, đầu tiên là do đại dịch Covid-19 và sau đó là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu gây ra bởi cuộc chiến ở Ukraine đã dẫn đến một cuộc “cải tổ” chưa từng có đối với dòng chảy thương mại toàn cầu. Thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể thắt chặt đáng kể trong những tháng tới, do việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ làm giảm nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, những căng thẳng về nhiều khía cạnh trên thị trường có vẻ sẽ giảm bớt trong những năm tiếp theo, theo báo cáo mới.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt do Covid-19 vào cuối năm 2022, dẫn đến nhu cầu dầu phục hồi sau đại dịch vào nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu ở Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại rõ rệt từ năm 2024 trở đi. Nhưng nhiên liệu hóa dầu được tiêu thụ mạnh ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ bù đắp nhiều hơn cho sự suy giảm ở các nền kinh tế tiên tiến.
Đầu tư thượng nguồn toàn cầu vào thăm dò, khai thác và sản xuất dầu khí chắc chắn sẽ đạt đỉnh kể từ năm 2015, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái lên 528 tỷ USD vào năm 2023. Trong khi tác động của chi tiêu nhiều hơn sẽ được bù đắp một phần bởi chi phí lạm phát, mức đầu tư này, nếu được duy trì, sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu dự báo trong giai đoạn được đề cập trong báo cáo. Nhưng lại vượt quá mức cần thiết khi mà thế giới đang hướng tới không khí thải ròng (net zero emissions).
Các dự báo trong báo cáo cho rằng các nhà sản xuất dầu lớn vẫn duy trì kế hoạch tăng công suất ngay cả khi tăng trưởng nhu cầu chậm lại. Điều này dự kiến sẽ dẫn đến công suất dự phòng ít nhất là 3.8 triệu thùng/ngày, tập trung ở Trung Đông. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến cân bằng thị trường trong trung hạn, như các tình hình kinh tế toàn cầu không chắc chắn, định hướng của các quyết định của OPEC+ và chính sách ngành lọc dầu của Trung Quốc.
Các quốc gia sản xuất dầu bên ngoài liên minh OPEC+ chiếm ưu thế trong kế hoạch tăng công suất cung ứng toàn cầu trong trung hạn, với mức tăng dự kiến là 5.1 triệu thùng/ngày vào năm 2028 do Hoa Kỳ, Brazil và Guyana dẫn đầu. Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iraq đi đầu trong các kế hoạch nâng cao năng suất của OPEC+, trong khi các thành viên châu Phi và châu Á phải vật lộn với sự sụt giảm liên tục và sản lượng của Nga giảm do các lệnh trừng phạt. Điều này làm cho công suất ròng tăng 0.8 triệu thùng/ngày từ 23 thành viên trong OPEC+ nói chung trong giai đoạn dự báo của báo cáo.
Trong lĩnh vực lọc dầu, công suất dự trữ toàn cầu đã giảm do làn sóng đóng cửa, chuyển đổi sang các nhà máy nhiên liệu sinh học và sự chậm trễ của dự án kể từ đại dịch. Cùng với sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của Trung Quốc và sự biến động trong dòng chảy thương mại của Nga, đã mang lại lợi nhuận kỷ lục cho ngành này vào năm ngoái. Mặc dù công suất ròng bổ sung của nhà máy lọc dầu vào năm 2028 dự kiến sẽ vượt xa tốc độ tăng trưởng nhu cầu đối với các sản phẩm tinh chế, nhưng các xu hướng khác nhau giữa các sản phẩm có nghĩa là không thể loại trừ khả năng lặp lại tình trạng khan hiếm sản phẩm chưng cất cấp trung vào năm 2022.
IEA