Kế hoạch ngân sách - "quân bài tẩy" để Bộ trưởng Tài chính Reeves xoay chuyển tình thế?

Kế hoạch ngân sách - "quân bài tẩy" để Bộ trưởng Tài chính Reeves xoay chuyển tình thế?

Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

09:56 28/10/2024

Chính phủ Anh dự định thay đổi định nghĩa về nợ và điều chỉnh quy tắc tài khóa nhằm tăng khả năng vay và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đồng thời tránh các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, kế hoạch này gây lo ngại về khả năng tăng thuế, dòng vốn tháo chạy của giới nhà giàu và sự bất ổn trên thị trường tài chính, khiến tương lai kinh tế trở nên bấp bênh.

Vào tháng 9 năm 2022, hệ thống tài chính của Anh gần như sụp đổ khi các nhà đầu tư trái phiếu, sau một thập kỷ ngủ quên, tỉnh dậy và phản ứng trước kế hoạch ngân sách của cựu Thủ tướng Liz Truss. Điều này khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt, GBP lao dốc, và buộc phải bán tháo các tài sản nhạy cảm với lãi suất, đẩy BoE vào tình thế phải quay lại chương trình nới lỏng định lượng (QE). Đây là một minh chứng sống động cho thấy hệ thống tài chính toàn cầu dễ vỡ và giả tạo như thế nào nếu không có sự hỗ trợ hàng ngày từ các NHTW. Hơn nữa, đây cũng là bài học cảnh tỉnh rằng tài sản không bao giờ được phép sụt giảm mạnh, bởi vì nếu điều này xảy ra, có nghĩa là các NHTW đã ngừng kiểm soát thị trường và một cuộc khủng hoảng lớn sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Tóm lại, Anh đã học được bài học của mình và điều cuối cùng mà nước này muốn làm là mạo hiểm đến mức phải thừa nhận sự thật: quốc gia này phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường TPCP để tài trợ cho chi tiêu thâm hụt. Điều này đồng nghĩa với hai điều: i) Anh cần phải thuyết phục thị trường rằng họ có khả năng phát hành TPCP nhiều hơn hiện tại bằng cách thay đổi định nghĩa nợ; ii) họ phải làm điều đúng đắn - điều họ buộc phải làm vì không giống Mỹ, Anh không có đồng tiền dự trữ toàn cầu để dựa vào - bằng cách tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu.

Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves đã chấp thuận một cuộc cải tổ tài khóa cho phép Anh vay thêm tới 70 tỷ GBP (tương đương 91 tỷ USD) trong 5 năm tới bằng cách thay đổi chính định nghĩa về nợ. Chính phủ đã bảo vệ kế hoạch ngân sách này và nhiều khả năng sẽ đánh thuế các nhà đầu tư.

Theo báo cáo của Bloomberg, trong kế hoạch ngân sách tuần tới, chính phủ sẽ thay đổi cách đo lường nợ bằng một phương pháp mới nhằm giải phóng nguồn vốn để mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước và người đóng thuế, Reeves cho biết với các phóng viên hôm thứ Năm tại Washington, nơi bà đang tham dự các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Những bình luận của Reeves đã xác nhận các báo cáo trong nước rằng kế hoạch ngân sách của bà sẽ bao gồm một phương pháp mới để đánh giá vị thế nợ của Anh - một động thái sẽ cho phép Bộ Tài chính vay thêm cho các khoản đầu tư dài hạn. IMF đã hoan nghênh thay đổi này và cho rằng chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng của Anh cần được bảo vệ, khi chính phủ tìm cách khắc phục thiệt hại tài chính công do đại dịch và khủng hoảng chi phí sinh hoạt gây ra.

Những phát biểu của Reeves hôm thứ Năm cũng xác nhận các đồn đoán trước kế hoạch ngân sách ngày 30/10 rằng bà sẽ điều chỉnh các quy tắc tài khóa, đặc biệt là thước đo nợ, để cho phép chính phủ Đảng Lao động Anh thực hiện các khoản đầu tư cần thiết.

Trong kế hoạch ngân sách sắp tới, Reeves dự định đề ra hai quy tắc tài khóa nhằm định hình cho nhiệm kỳ đầu tiên của Đảng Lao động kể từ năm 2010:

  • Quy tắc đầu tiên yêu cầu bà phải trang trải các chi tiêu hàng ngày từ nguồn thu thuế. Để đảm bảo đủ dư địa tài chính, giúp linh hoạt trong các tình huống khủng hoảng, Reeves cần huy động khoảng 40 tỷ GBP thông qua tăng thuế và cắt giảm phúc lợi xã hội. Bà từ chối tiết lộ cụ thể những loại thuế nào sẽ tăng, nhưng có nhiều dự đoán rằng các nhà tuyển dụng sẽ phải đóng bảo hiểm quốc gia cao hơn và thuế trả cổ tức cùng thuế thừa kế sẽ tăng. Ngưỡng đánh thuế thu nhập có thể sẽ bị đóng băng thêm hai năm nữa, điều này có thể mang lại khoảng 20 tỷ GBP.
  • Quy tắc thứ hai yêu cầu nợ công phải giảm vào năm thứ năm trong dự báo chính thức. Phương pháp đo lường nợ chưa được xác định, nhưng nhiều khả năng sẽ là "tài sản tài chính ròng của khu vực công" (PSNFL), bao gồm giá trị tài sản được tạo ra cùng với chi phí đầu tư, giúp loại bỏ khoản nợ khỏi sổ sách. Nhờ đó, Quỹ Tài sản Quốc gia và GB Energy sẽ có nhiều dư địa hơn để đầu tư. So với thước đo hiện tại là "nợ ròng khu vực công không bao gồm BoE", PSNFL sẽ mang lại cho Reeves khoảng 53 tỷ GBP dư địa vay nợ hàng năm.

Khi trao đổi với các phóng viên, Reeves gợi ý rằng bà có thể làm cho quy tắc nợ khắt khe hơn bằng cách chuyển từ mục tiêu 5 năm liên tiếp sang một thời hạn cố định vào năm tài khóa 2029-30. Bà cho biết: “Điều quan trọng là phải thực hiện điều này trong một nhiệm kỳ quốc hội, bởi nếu không, mục tiêu này sẽ luôn nằm trong tương lai và sẽ không bao giờ được đáp ứng.”

Bằng cách nhắm vào các quy tắc tài khóa và thay đổi trực tiếp định nghĩa về nợ, Reeves đang cố gắng giải phóng nhiều vốn nhất có thể để đầu tư, nhằm giảm bớt nhu cầu tăng thuế. Bà cho biết bà không muốn đầu tư công giảm, như dự báo hiện tại, xuống còn 1.7% GDP vào năm 2029 so với mức 2.5% hiện tại. “Nếu như vậy, chúng ta đang chọn con đường suy thoái”, bà nói.

Reeves đang cố gắng cân bằng giữa sự thận trọng tài khóa để giữ niềm tin của thị trường tài chính và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng công như đường xá và trường học, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và doanh thu thuế, đồng thời chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng trong các dịch vụ công.

Reeves phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Sky News: “Lý do chúng tôi làm điều này là vì có rất nhiều cơ hội đầu tư vào nước Anh. Để đạt được tăng trưởng và tạo việc làm cho tương lai, cần phải thay đổi vì mục tiêu này không thể thực hiện được theo các quy tắc hiện tại”.

Theo Ben Zaranko, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện Nghiên cứu Tài khóa, việc duy trì chi tiêu đầu tư ở mức 2.5% GDP trong suốt nhiệm kỳ quốc hội sẽ tiêu tốn tổng cộng 70 tỷ GBP. Reeves cho biết bà sẽ đề ra lộ trình cho đầu tư công trong kế hoạch ngân sách vào thứ Tư tới.

Tại IMF, Reeves nói với các bộ trưởng tài chính rằng tất cả kế hoạch của Đảng Lao động sẽ được xây dựng trên nền tảng ổn định kinh tế - điều mà bà ám chỉ chính là điều thay đổi định nghĩa các khái niệm tài chính cốt lõi.

Có vẻ như thị trường TPCP cũng không bỏ qua động thái này và một dấu hiệu đáng ngại đã xuất hiện khi giá TPCP dao động trong tuần này trước thông tin về quy mô phát hành tiềm năng. Chênh lệch giữa lợi suất TPCP giữa Anh và Đức đã gia tăng kể từ khi một báo cáo của tờ Guardian được công bố vào tối thứ Tư. Lợi suất 10y của Anh tăng vào thứ Năm, mở rộng chênh lệch so với trái phiếu Đức 199 bps - mức cao nhất trong một năm qua. Theo John Authers, sự gia tăng lợi suất này đồng nghĩa với việc chênh lệch lợi suất giữa Anh và Pháp đã vượt qua mức khi Tổng thống Emmanuel Macron quyết định tổ chức bầu cử sớm vào tháng 6 vừa qua. Authers cảnh báo: “Mặc dù không nghiêm trọng như cuộc nổi loạn của thị trường trái phiếu đối với kế hoạch ngân sách của cựu Thủ tướng Liz Truss vào năm 2022, đây vẫn là một vấn đề lớn, nhưng đừng lo, điều này sẽ còn leo thang hơn nữa”.

Biến động chênh lệch lợi suất giữa Anh và Pháp

Thêm phần căng thẳng vào tình hình, trước khi Reeves công bố kế hoạch vay nợ thêm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tuần này đã ủng hộ khả năng Anh áp dụng quy tắc nợ mới cho phép đầu tư nhiều hơn, nhưng cũng cảnh báo rằng nợ công của Anh đã ở trên quỹ đạo tăng không bền vững, điều mà tổ chức này ngầm khuyến khích.

Để trấn an thị trường rằng Đảng Lao động sẽ không sử dụng hết dư địa vay nợ có sẵn (nhưng thực tế, họ sẽ làm thế và thậm chí còn hơn thế), Reeves cho biết các “hàng rào bảo vệ” sẽ đảm bảo rằng tất cả khoản tiền thuế được đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cho người nộp thuế. Bà cũng cho biết chính phủ sẽ phối hợp với Văn phòng Kiểm toán Quốc gia và Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách để đảm bảo rằng tất cả các khoản đầu tư này được xác thực đúng cách. Bà nói thêm: “Về mặt thị trường, đó là lý do tại sao tôi nghĩ các hàng rào bảo vệ này rất quan trọng”.

Zaranko nhận định rằng “rào cản chính” đối với khả năng vay vốn cho đầu tư của chính phủ sẽ không còn là các quy tắc tài khóa, mà thay vào đó là khả năng tìm ra các dự án tốt và khả năng của ngành xây dựng trong việc thực hiện chúng.

Trong khi chính phủ sắp thay đổi định nghĩa về nợ để phát hành TPCP, họ cũng sẽ thay đổi định nghĩa về “người lao động” để đánh thuế thêm nhiều người.

Tại một cuộc họp thường niên của các lãnh đạo Khối Thịnh vượng chung ở Samoa, Thủ tướng Keir Starmer đã bị thách thức về định nghĩa “người lao động” - những người mà chính phủ của ông cam kết sẽ tránh tăng thuế trong kế hoạch kinh tế công bố vào thứ Tư tới.

“Những người sở hữu tài sản không phải là người lao động”, ông nói, đồng thời bổ sung rằng kiểu người mà ông muốn bảo vệ là những người ra ngoài kiếm sống, thường được trả lương theo hình thức séc hàng tháng và không có khả năng viết séc để chi trả cho nhu cầu.

Sự thay đổi trong các quy tắc tài khóa và các dấu hiệu về việc tăng thuế đối với nhà đầu tư xuất hiện khi Bộ Tài chính đang cố gắng gom đủ tiền để đảo ngược sự suy giảm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và duy trì cam kết trong cương lĩnh về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Anh.

Đáng tiếc, bình luận của Starmer sẽ làm gia tăng lo ngại rằng Đảng Lao động - cùng với các chính phủ xã hội chủ nghĩa hoặc cấp tiến khác ở châu Âu và những nơi khác - sẽ thúc đẩy một cuộc tháo chạy nhanh chóng của những người giàu ra khỏi Anh. Reeves đã cam kết rằng những người giàu có sẽ phải chịu thêm gánh nặng thuế, nhưng nhiều người đã chuẩn bị rời đi. Một nhà đầu tư vừa chuyển từ London đến Lugano vào tháng trước để tránh các loại thuế mới, Christian Angermayer, phát biểu với Bloomberg rằng: “Tất cả cư dân không thường trú mà tôi biết đều đã rời đi hoặc sắp rời đi”, ám chỉ những cư dân không thường trú hiện đang được giảm thuế cho tài sản nắm giữ ở nước ngoài.

Nói cách khác, Anh đang tự đẩy mình vào một hố sâu hơn khi những người họ định đánh thuế đang di cư đến Dubai.

Trong khi đó, những suy đoán về nội dung kế hoạch ngân sách sắp tới cũng đang ảnh hưởng đến các hộ gia đình trên diện rộng. Niềm tin của người tiêu dùng đã giảm trong tháng này, theo một khảo sát được theo dõi chặt chẽ, khi người dân Anh trở nên bi quan hơn về nền kinh tế - và điều này có lý do chính đáng: vì cơn bão sắp ập đến Anh sẽ khiến thảm họa ngân sách thu nhỏ của Liz Truss trông thật nhỏ bé.

ZeroHedge

Broker listing

Cùng chuyên mục

Tất tần tật những điều cần biết về cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

Tất tần tật những điều cần biết về cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ

Tổng thống Hoa Kỳ là một trong những vị trí quyền lực bậc nhất trên thế giới. Vì vậy, cuộc bầu cử Tổng thống không chỉ có ảnh hưởng về mặt chính trị mà còn đến kinh tế, xã hội bên trong và bên ngoài Hoa Kỳ. Hãy cùng tìm hiểu về một trong những sự kiện quan trọng nhất của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kế hoạch ngân sách - "quân bài tẩy" để Bộ trưởng Tài chính Reeves xoay chuyển tình thế?
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

Kế hoạch ngân sách - "quân bài tẩy" để Bộ trưởng Tài chính Reeves xoay chuyển tình thế?

Chính phủ Anh dự định thay đổi định nghĩa về nợ và điều chỉnh quy tắc tài khóa nhằm tăng khả năng vay và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đồng thời tránh các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, kế hoạch này gây lo ngại về khả năng tăng thuế, dòng vốn tháo chạy của giới nhà giàu và sự bất ổn trên thị trường tài chính, khiến tương lai kinh tế trở nên bấp bênh.
Đòn đánh chiến lược của Israel: Iran trước ngưỡng cửa định mệnh
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Đòn đánh chiến lược của Israel: Iran trước ngưỡng cửa định mệnh

Cuộc không kích của Israel vào rạng sáng ngày 26/10 là một động thái được báo trước, sau đòn tấn công tên lửa đạn đạo quy mô chưa từng có của Iran vào ngày 1/10. Dù vậy, câu hỏi về thời điểm chính xác và lựa chọn mục tiêu của giới lãnh đạo Israel vẫn là một ẩn số. Tuy phải mất vài ngày để có thể đánh giá đầy đủ về mức độ thiệt hại, nhưng có một điều chắc chắn rằng mặc dù cuộc tấn công này được thiết kế có quy mô hạn chế, nhưng vẫn tạo ra tác động đáng kể.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ