Khi nào đại dịch covid-19 sẽ chấm dứt?
Nam Anh
Senior Economic Analyst
Một phân tích toàn cảnh chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 sẽ không còn là yếu tố then chốt chi phối thị trường vào giữa năm nay.
- Khi nào tất cả sẽ kết thúc? Đây là câu hỏi quan trọng để xây dựng kế hoạch đầu tư cho năm tới. Tin tức đầy rẫy sự pha trộn lẫn lộn giữa những câu chuyện tích cực và tiêu cực về virus Covid-19 và vắc-xin. Do đó thật khó để lọc ra một ý tưởng rõ ràng về vị trí của chúng ta hiện nay. Bài viết này là một nỗ lực để làm rõ ràng hơn những gì đang diễn ra từ quan điểm của một nhà giao dịch, thay vì quan điểm của một chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc nhà khoa học
- Như thế nào được coi là trở lại cuộc sống bình thường? Nhiều thay đổi xã hội do đại dịch gây ra có thể để lại dư âm vĩnh viễn, trong khi một số người có thể áp dụng những thói quen hoàn toàn mới khi các lệnh hạn chế được gỡ bỏ. Theo đó, một đặc điểm hợp lý của “cuộc sống bình thường” sẽ là khi việc đi lại, tiếp cận nơi làm việc và đeo khẩu trang không còn được quy định chính thức bởi các biện pháp liên quan đến Covid-19 đối với hơn 90% dân số thế giới
- Cần nhấn mạnh rằng “cuộc sống bình thường” tôi đang nhắc đến ở đây không phải là khi dịch bệnh gần như bị tiêu diệt hoặc khi chúng ta đã đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. "Cuộc sống bình thường" nên xuất hiện trở lại trước thời điểm đó. Mục tiêu thực sự là khi hầu hết các chính phủ tin rằng hệ thống bệnh viện của họ không còn nguy cơ bị quá tải. Đó là về các điểm tới hạn và xu hướng: việc giảm số ca lây nhiễm và tử vong xuống mức X có thể mang lại sự lạc quan ngay cả khi trong quá khứ sự gia tăng đến cùng mức đó đã gây ra hoảng loạn.
- Câu hỏi đầu tiên để tìm đại lượng X là liệu nên sử dụng số trường hợp mắc Covid-19 hay số trường hợp tử vong do Covid-19. Có một lập luận y học được đưa ra rằng số trường hợp mắc bệnh là khía cạnh quan trọng hơn nhưng áp lực xã hội và chính trị cho thấy số ca tử vong sẽ quan trọng hơn nhiều trong việc ảnh hưởng đến chính sách.
- Vậy số ca tử vong là bao nhiêu sẽ được công chúng coi là mức chấp nhận được để khôi phục sinh kế của phần đông dân số? Đó là một vấn đề thuộc về cảm xúc và có lẽ sẽ dễ dàng hơn khi ước tính một phản ứng tổng thể hơn là dự đoán cho bất kỳ cá nhân nào.
- Điểm khởi đầu hợp lý để so sánh là bệnh cúm, với ước tính của CDC vào năm 2017 là giết chết từ 291,000 đến 646,000 người mỗi năm. Con số 646,000 tương đương với khoảng 1,770 ca tử vong mỗi ngày, nhưng bệnh cúm là theo mùa và phần lớn số ca tử vong đó xảy ra vào một phần ba của năm, có nghĩa là việc hơn 5,000 ca tử vong liên quan đến cúm vào một ngày trong một năm cúm tồi tệ có thể coi là điều diễn ra đủ thường xuyên ngay cả khi không được công bố rộng rãi. Nhìn chung, các hệ thống bệnh viện trên khắp thế giới được xây dựng để đối phó với căng thẳng này và năng lực của họ để làm như vậy đã được nâng cao đáng kể trong năm qua
- Với sự kiệt sức do đại dịch và xuất phát điểm không mấy tích cực của chúng ta (số ca tử vong trên toàn cầu trung bình hơn 14,000 người mỗi ngày), chúng ta không cần thiết phải đưa số ca tử vọng mỗi ngày về tới con số hơn 5,000 phía trên để có thể khiến sự lạc quan gia tăng. Những bằng chứng ban đầu mạnh mẽ từ Israel, quốc gia đang dẫn đầu thế giới về tiêm chủng, cho thấy tỷ lệ nhập viện giảm đáng kể ngay cả khi số ca tử vong tiếp tục tăng cao
- Điều này có nghĩa là con số tử vong trung bình trên toàn cầu dưới 7,000 ca mỗi ngày sẽ là một ước tính hợp lý về thời điểm có sự đồng thuận rằng chúng ta đang trở lại “cuộc sống bình thường. Điều đó tương đương với việc giảm hơn 50% số người chết từ mức đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng (cho dù đó đã là mức đỉnh hay chưa) và gần như trùng với mức đỉnh tháng 4 về số ca tử vong trung bình trong 7 ngày (7,007 ca)
- Khi nào điều đó sẽ xảy ra? Theo dữ liệu của Bloomberg, trong 10 tuần qua, chỉ có một ngày chứng kiến con số thấp hơn con số trên (7,007 ca). Đó là một sự bất thường do niên lịch khi ngay ngày hôm sau đó chứng kiến mức kỷ lục với hơn 23,000 người tử vong. Và điều tồi tệ nhất có thể vẫn xảy đến, trong bối cảnh sự lây lan nhanh chóng của một số biến thể virus mới nguy hiểm hơn cùng với những câu chuyện gần đây về những thất bại trong việc cung cấp và phân phối vắc xin
- Tôi không có chuyên môn để đưa ra nhận định về triển vọng ngắn hạn và ngay cả trong số các chuyên gia, luôn có những góc nhìn bi quan đi kèm với các quan điểm lạc quan. Nhưng các xu hướng lớn hơn rõ ràng chỉ ra một thế giới tốt đẹp hơn đáng kể chỉ cách chúng ta vài tháng nữa
- Một quan điểm đơn giản là 1% dân số thế giới sẽ nhận được liều vắc-xin đầu tiên vào cuối tuần này và vào đầu tháng 2, số người nhận được tiêm phòng sẽ nhiều hơn số người mắc virus Covid-19. Đó sẽ là một điểm khởi đầu tốt đẹp về mặt tâm lý nhưng dù gì đi nữa đó mới chỉ là những bước đi đầu tiên. Tỷ lệ dân số được tiêm vắc xin đang tăng nhanh mỗi ngày, do ngày càng có nhiều trung tâm tiêm chủng được thành lập, nguồn cung tăng và việc phân phối được cải thiện. Và thậm chí còn có nhiều loại vắc xin hơn nữa sẽ được phê duyệt trong những tuần tới
- Đến cuối tháng 2, sẽ là thận trọng khi cho rằng hơn 3% dân số thế giới sẽ được tiêm ít nhất một liều vắc xin, với nhiều người thậm chí đã tiêm hai liều. Nhưng điều được đánh giá thấp nhất cho đến nay là không phải 1 lượng 3% ngẫu nhiên nào sẽ được tiêm chủng, mà thay vào đó là sự ưu tiên dành cho những người dễ bị tổn thương nhất. Điều này sẽ tạo ra những cải thiện mạnh mẽ đối với tỷ lệ tử vong và tỷ lệ nhập viện. Một động lực tích cực khác là việc thời tiết ở Bắc bán cầu (nơi có khoảng 90% dân số thế giới sinh sống) đang tốt dần lên (ấm lên).
- Thật khó để một kẻ ngoại đạo như tôi có thể tin chắc rằng liệu đỉnh điểm về số ca tử vong sẽ là vào tháng Giêng, tháng Hai hay tháng Ba. Nhưng đó không phải là vấn đề then chốt trong bài viết này. Với việc vắc-xin hiện đang được triển khai trên quy mô lớn, bước ngoặt lớn sắp xảy ra. Nhờ vào sự phát triển không ngừng của các chương trình vắc xin và đặc tính đòi hỏi mạng lưới tiếp xúc của vi rút, tình hình sẽ được cải thiện nhanh chóng vào trước đầu tháng 4
- Chắn chắn con đường sắp tới sẽ chẳng hề bằng phẳng. Việc xoáy cực Bắc Cực (Artic polar vortex) sẽ xảy ra trong những tuần tới có thể cản trở bước tiến của chúng ta. Ngoài ra, sự tự mãn sớm vào mùa xuân cũng có thể là một vấn đề. Nhưng những người tham gia thị trường không nên để những câu chuyện bên lề này làm quên đi bức tranh toàn cảnh rõ ràng: Chậm nhất là vào tháng 5, Covid-19 cũng sẽ chỉ được xem như một mùa cúm tồi tệ xét về mức độ thiệt hại gây ra cho nhân loại. Đến tháng 6, các lệnh hạn chế do chính phủ quy định liên quan đến việc đi lại, đeo khẩu trang và quyền tiếp cận văn phòng sẽ trở nên rất khó biện minh ở bất kỳ quốc gia dân chủ nào
- Những tác động kéo dài về bất bình đẳng, nhà ở và lối sống có thể sẽ được cảm nhận trong nhiều năm tới nhưng, trừ khi một sự kiện “thiên nga đen” khác về một đại dịch hoàn toàn mới xuất hiện, quý 3 năm 2021 sẽ chứng kiến các nhà đầu tư có thể nhìn về 1 thị trường mà ở đó không có bất cứ biện pháp hạn chế nào liên quan đến covid-19. Và nhiều người trong chúng ta sẽ được gặp lại gia đình