Khi Tesla đang gặp khó khăn, đối thủ cạnh tranh cũng đứng ngồi không yên
Huyền Trần
Junior Analyst
Nhóm công ty khởi nghiệp từ ô tô điện đang gặp khó khăn để duy trì hoạt động kinh doanh
Trong những tháng gần đây, Tesla đã có một khoảng thời gian khó khăn. Vào tháng 1, công ty tiên phong trong lĩnh vực xe điện đã đưa ra cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hơn đáng kể trong năm nay do niềm yêu thích của người tiêu dùng đối với xe điện đã giảm đi. Ngay trong tháng đó, công ty đã phải tạm dừng hầu hết hoạt động sản xuất tại nhà máy lớn gần Berlin do nguồn cung bị gián đoạn bởi tình hình phức tạp ở Biển Đỏ. Thị phần của hãng tại Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, đang giảm do phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong nước về giá cả, đặc biệt là từ BYD - công ty vào cuối năm ngoái đã vượt mặt Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới .
Tesla đã gặp một trở ngại lớn khác vào ngày 2/4, khi báo cáo chỉ ra rằng Hãng chỉ giao gần 390,000 xe trong Quý I và con số này giảm 8.5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của các nhà phân tích tại Phố Wall. Giá trị thị trường của Tesla đã giảm 1/3 trong năm nay, rơi xuống dưới mức 550 tỷ USD. Mặc dù, đây vẫn là một con số lớn khi so với các hãng ô tô khác, nhưng hiện tại nó chỉ bằng khoảng một nửa so với con số 1.2 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Elon Musk, CEO của Tesla, hiện chỉ còn là người giàu thứ ba trên Thế giới.
Nếu bạn cho rằng Elon Musk và công ty của ông đang gặp khó khăn, thì trước tiên hãy lo ngại cho những kẻ bắt chước từng đình đám một thời. Ba năm trước, khi Musk cho thấy ngành sản xuất xe điện có thể là một ngành kinh doanh trị giá hàng nghìn tỷ USD, các nhà đầu tư đã tranh nhau ủng hộ những công ty startup được hứa hẹn sẽ là bản sao của Tesla. Hai công ty khởi nghiệp của Mỹ ra mắt công chúng vào đầu năm đó đã bứt tốc nhanh chóng. Lucid Motors được thành lập năm 2007 có mức vốn hóa thị trường vượt quá 90 tỷ USD. Và hai năm sau đó, Rivian đã đạt mức vốn hóa khoảng 150 tỷ USD. Hai công ty đều có giá trị vốn hóa cao hơn Ford - hãng xe đã gần 120 năm tuổi và bán được 4 triệu xe vào năm 2021, khi so với con số 125 của Lucid và 920 của Rivian. Các đối thủ Trung Quốc khác như Li Auto (thành lập năm 2015), Nio và Xpeng (cả hai đều năm 2014) cũng được định giá rất cao. Vào cuối năm 2021, giá trị thị trường của 5 công ty muốn trở thành bản sao của Tesla đã đạt gần 400 tỷ USD.
Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, tổng mức vốn hóa của các công ty này chỉ còn trị giá 69 tỷ USD và vẫn đang có xu hướng giảm (xem biểu đồ). Fisker, một công ty Mỹ đã tồn tại được tám năm, và HiPhi, một công ty Trung Quốc đã hoạt động được năm năm, đã tạm ngừng sản xuất. Vào ngày 25/3, giá cổ phiếu của Fisker suy giảm đã khiến giao dịch cổ phiếu của họ bị tạm ngừng và công ty có thể bị gỡ khỏi sàn giao dịch. HiPhi lại đang tìm cách bán lại cho một công ty sản xuất ô tô lớn ở Trung Quốc. Công ty Faraday Future chỉ bán được khoảng 11 chiếc xe điện hạng sang vào năm ngoái và đang đứng trước nguy cơ phá sản. Lordstown, một startup Mỹ được thành lập vào năm 2018 để sản xuất xe bán tải và SUV điện, đã phá sản vào năm 2023.
Thậm chí các công ty lớn hơn một chút cũng đang gặp khó khăn. VinFast, một công ty Việt Nam được thành lập vào năm 2017 vừa IPO vào năm ngoái, đã nhanh chóng chạm mốc 190 tỷ USD giá trị thị trường vào tháng 8 năm ngoái. Nó đã bán được 35.000 chiếc xe điện vào năm 2023 và hiện có giá trị 9 tỷ USD. Rivian đã bán được 50.000 chiếc và có giá trị bằng có giá trị bằng 1/15 so với thời kỳ đỉnh cao vào năm 2021. Lucid đã bán được 6.000 chiếc và cũng có giá trị bằng 1/15. Li Auto, Leapmotor, Nio và Xpeng, những công ty đã phân phối hơn 800.000 ô tô vào năm ngoái, cũng chứng kiến giá cổ phiếu của mình sụt giảm. Chỉ có Li Auto kiếm được lợi nhuận, nguyên nhân chủ yếu là vì họ chỉ sản xuất xe hybrid. Giá trị thị trường của họ đã sụt giảm mạnh sau khi họ tiết lộ mẫu xe điện thuần đầu tiên của mình. Chưa nói tới khả năng phát triển, chỉ riêng việc sống sót trong giới xe điện đã là rất khó khăn. Các startup muốn vươn mình trở thành Tesla thứ hai, liệu có thể tiếp tục tồn tại?
Thực tế thường không như kỳ vọng. Để kiếm được lời từ động cơ đốt trong đòi hỏi phải sản xuất nhiều chi tiết, bộ phận hàng loạt để làm giảm bớt sự phức tạp và chi phí. Ngược lại, tính kinh tế mới của xe điện được cho là sẽ làm giảm các rào cản gia nhập. Những công ty khởi nghiệp về xe điện đã bắt chước Tesla bằng cách tự phong mình là công ty công nghệ thay vì nhà sản xuất và cho rằng họ có thể kiểm soát chi phí bằng cách sử dụng các thiết kế đơn giản hơn và hình dung lại quy trình sản xuất theo cách mà những công ty lâu đời lâu năm không thể làm được. Các thành phần như pin và động cơ điện có thể được mua sẵn, giúp cho các nhà sản xuất xe điện tập trung vào việc phát triển phần mềm độc đáo giúp xe của họ có những trải nghiệm tốt hơn, từ thông tin giải trí đến ánh sáng điều chỉnh theo tâm trạng. Một số công ty, như Fisker, thậm chí đã thuê ngoài quá trình uốn cong kim loại.
Tuy nhiên, những lợi thế này là không đủ để vượt qua nhu cầu cần thiết của quy mô sản xuất. Để kiếm được lợi nhuận từ ô tô vẫn cần phải sản xuất khoảng 500.000 chiếc mỗi năm. Theo Tú Lê của Sino Auto Insights, một công ty tư vấn đã nhận xét “Quy mô là yếu tố quan trọng còn việc sản xuất thì khó khăn,”. Mặc dù Tesla ban đầu được biết đến là một thương hiệu xe hạng sang khi lắp những cục pin có dung lượng lớn và đắt tiền cho những chiếc ô tô sang trọng, nhưng hãng vẫn luôn để mắt đến thị trường đại chúng. Lợi nhuận chỉ đến khi họ vượt qua những khó khăn thời gian đầu mà theo cách nói của ông Musk là “địa ngục sản xuất” khi cố gắng tạo ra số lượng lớn Model 3 có giá thành rẻ hơn.
Đối với các công ty bắt chước Tesla, theo ông Edro Pacheco từ Gartner, một công ty tư vấn cho biết: họ đã mất quá nhiều thời gian để có thể bắt đầu sản xuất và tốn thêm thời gian để ra mắt các mẫu xe mới. Và Philippe Houchois của Jefferies, một ngân hàng đầu tư cũng lưu ý rằng: Cơ hội sống sót bằng cách chỉ phục vụ một phân khúc có lợi nhuận cao và giá cao là rất thấp. Chỉ cần nhìn vào kết cục của Faraday Future khi cho ra mắt mẫu xe có giá khởi điểm 250.000 USD là đủ hiểu.
Những công ty trong lĩnh vực xe điện cũng dần nhận ra thực tế này. Bước đầu tiên của họ là hướng xuống phân khúc thị trường có giá cả phải chăng hơn. Rivian đã công bố ba mẫu xe rẻ hơn vào ngày 7/3, dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2026. Xpeng đã ký kết thỏa thuận với Didi Global, một ông lớn trong ngành dịch vụ gọi xe của Trung Quốc để sản xuất những chiếc ô tô rẻ hơn và thiết lập quan hệ đối tác với Volkswagen để sản xuất xe điện cho thị trường đại chúng tại Trung Quốc. Nio dự định ra mắt hai thương hiệu con có giá cả phải chăng là Alps và Firefly. Thậm chí cả Lucid, từng có các mẫu xe trị giá lên đến 250.000 USD, cũng đang lên kế hoạch ra mắt các mẫu xe trị giá khoảng 50,000 USD trong vài năm tới. Vào tháng 10, Leapmotor đã bán 20% cổ phần cho Stellantis, một nhà sản xuất ô tô đại chúng có các nhãn hiệu bao gồm Citroën, Chrysler, Fiat và Peugeot (và cổ đông lớn nhất của công ty này đồng sở hữu công ty mẹ của The Economist ), với giá 1,6 tỷ USD. Hai bên sẽ hợp tác để tạo ra xe điện.
Để thành công, các công ty cần tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh với những đặc điểm độc đáo, riêng biệt. Tesla đã làm được điều đó bằng cách ưu tiên công nghệ. Kết quả là một chiếc xe điện đáng mơ ước có giá thành không rẻ nhưng mang lại diện mạo thon gọn và phạm vi hoạt động lớn.Trái lại, những cố gắng đầu tiên của ngành công nghiệp truyền thống, như Nissan Leaf, mặc dù đắt tiền nhưng lại thiếu sức hút và pin yếu. Theo Patrick Hummel của UBS, một ngân hàng đã nhận định: Mặc dù tập trung vào công nghệ như Tesla, nhưng hầu hết các công ty khởi nghiệp đã không thể tạo ra sản phẩm độc đáo với giá cạnh tranh bởi họ vẫn thiếu quy mô. Và Becrom Basu của LEK, một công ty tư vấn khác đã bổ sung: giờ đây, sự mới lạ của công nghệ trong ngành xe điện thông minh đã không còn. Phạm vi hoạt động lớn và các công nghệ tiên tiến từng được coi là những yếu tố quan trọng, điều này đúng với cả đối với các nhà sản xuất ô tô hiện có với quy mô sản xuất lớn.
Đẹp nhưng thiếu sức hút
Tuy nhiên, nhiều đối thủ trong lĩnh vực xe điện hiện nay đang thiếu các tính năng độc đáo và riêng biệt. Các mẫu xe của Rivian và Lucid chỉ chú trọng vào vẻ ngoài mà ít nổi bật về công nghệ. Chỉ riêng vẻ ngoài đẹp đẽ của chúng là không đủ cho mức giá đắt đỏ. Chiếc xe bán tải điện rẻ nhất của Rivian có giá khoảng 70.000 USD, đắt gấp đôi so với chiếc F-150 Lightning của Ford mà giá trị đem lại không tương xứng. Tại châu Âu, Lucid Air, một dòng sedan hạng sang có giá cao hơn đáng kể so với các mẫu xe tương tự của BMW hoặc Mercedes. Các mẫu xe điện bình dân của Fisker có thiết kế tốt nhưng giá lại cao hơn so với các đối thủ Trung Quốc có các tính năng tương tự, một phần do chiến lược thuê ngoài để sản xuất các mẫu xe điện với giá cả thấp hơn đã không hiệu quả. Lý do mọi người muốn mua một chiếc VinFast vẫn là một ẩn số. Nói một cách dễ hiểu thì đã có nhiều đánh giá tiêu cực đối với mẫu xe SUV VF8.
Mặc dù nhu cầu về xe điện đã giảm mạnh nhưng nhiều công ty vẫn cần thêm vốn để tiếp tục hoạt động. Vào ngày 25/3,hãng Lucid cho biết họ kêu gọi được 1 tỷ USD từ nhà đầu tư lớn nhất của họ là quỹ quốc gia của Ả Rập Xê-út. Nhưng nhiều đối thủ không có may mắn như vậy, ví dụ như Rivian có 9.4 tỷ USD tài sản ròng vào cuối năm 2023 nhưng họ sẽ cần thêm hàng tỷ USD nữa để có thể cho ra mắt các mẫu xe giá rẻ của mình. Thời kỳ mà những nhà đầu tư sẵn lòng chi tiền cho bất kỳ công ty nào có một bản trình bày PowerPoint hợp lý và ấn tượng về một chiếc xe điện đã chấm dứt. Sau khi bỏ ra hàng tỷ USD tính đến năm 2021 chỉ để chứng kiến tiền của mình bị thiêu rụi, họ đã nghi ngờ trước những hạn chế về thời gian, những mẫu xe mới gây thất vọng và triển vọng về lợi nhuận ngày càng giảm sút. Thêm vào đó, họ vẫn lo ngại trước sự sụt giảm của doanh số bán xe điện ở nhiều quốc gia. Các nhà sản xuất ô tô lớn không quan tâm đến việc giải cứu các đối thủ cạnh tranh. Theo ông Hummel của UBS cho rằng hầu hết các công ty khởi nghiệp sẽ biến mất.
Các công ty có khả năng sống sót nhất có lẽ là ở Trung Quốc. Nguyên nhân là bởi sản phẩm của họ có sự sáng tạo lớn nhất. Ví dụ như những chiếc xe điện hạng sang của Nio đi kèm với tính năng đổi pin và tại Trung Quốc có một mạng lưới rộng lớn các trạm để có thể dễ dàng thực hiện việc đó và người điều khiển xe có thể di chuyển trong vài phút mà không cần phải ra khỏi xe. Theo Bernstein, một nhà môi giới, đã đánh giá Xpeng là một trong những công ty dẫn đầu thế giới về công nghệ lái xe tự động.
Các công ty Trung Quốc cũng đưa ra các sản phẩm có giá thành phải chăng hơn so với các đối thủ phương Tây. Theo ông Lê thì các hãng như Nio và Xpeng và Li Auto, đã được hưởng lợi từ một chuỗi cung ứng pin được kiểm soát bởi các công ty Trung Quốc như Catl, và sự ủng hộ vững chắc từ Chính Phủ. Điều đó lại cho phép các công ty Trung Quốc giữ cả chi phí và giá cả của họ ở mức thấp. Kết quả là việc tiêu thụ xe điện ở thị trường nội địa tăng nhanh chóng, và ngày càng mở rộng về quy mô kinh tế.
Một làn sóng gián đoạn sản xuất ô tô khác có thể đang lan rộng ở Trung Quốc, do tác động của các tập đoàn công nghệ lớn trong nước. Vào năm 2021, Seres - một hãng xe hơi lâu đời của Trung Quốc, và Huawei- nhà vô địch công nghệ Quốc Gia, đã tạo ra AITO - một thương hiệu xe điện mới với công nghệ độc đáo. Ngay trong tháng 1, họ đã giao 33.000 chiếc ô tô. Hay Xiaomi - hãng sản xuất điện thoại thông minh, vào ngày 28/3 đã cho ra mắt một chiếc xe ô tô điện có giá chỉ 30.000 USD, thu hút 90.000 đơn đặt hàng trong 24 giờ.
Xiaomi đã đặt ra mục tiêu cạnh tranh với các sản phẩm nội địa và với các ông lớn như Tesla và BYD. Cả Alibaba-ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc và SAIC- một công ty ô tô lớn thuộc sở hữu của nhà nước, đã hợp tác sản xuất ô tô và đem lại một kết quả khả quan khi đã bán được 38.000 chiếc vào năm 2023. Foxconn, một công ty gia công tại Đài Loan nổi tiếng với việc lắp ráp iPhone cho Apple và có nhiều cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, đã mong muốn sản xuất một nửa số xe điện trên thế giới cho thương hiệu của chính mình hoặc của các hãng khác. Nếu Tesla và bất kỳ nhà sản xuất xe điện nào khác sống sót sau cuộc khủng hoảng xe điện nghĩ rằng họ có thể yên tâm thì họ nên suy nghĩ lại.
The Economist