Không phải chính sách, lạm phát sẽ là thứ điều khiển giá vàng
Đức Nguyễn
FX Strategist
Mỗi khi có tin về Fed tăng khả năng thắt chặt, vàng và bạc lại bị vùi dập, như mới đây khi báo cáo việc làm và kỳ vọng thắt chặt đã đẩy giá vàng xuống dưới $1,700. Tuy nhiên, thực tế sẽ sớm thay đổi, khi lạm phán dần chiếm lấy ưu thế.
Vàng và bạc một lần nữa lại bị vùi dập trong thứ Sáu và đầu ngày thứ Hai trước những lời đồn thắt chặt của Fed.
Mọi chuyện bắt đầu từ báo cáo việc làm vượt dự báo, sau đó là kỳ vọng thắt chặt sớm vào tháng Chín, khiến cả vàng và bạc đều lao dốc và chỉ số DXY tăng cao. Đây không phải lần đầu tiên điều này xảy ra, nhưng khó có thể kéo dài.
Khi Fed bắt đầu thắt chặt, thị trường sẽ kỳ vọng lạm phát giá sẽ bắt đầu dịu lại. Nhưng thực tế sẽ không như vậy. Khi các trader nhận ra rằng thắt chặt sẽ không giúp gì tới vấn đề lạm phát, mọi chuyện sẽ đảo ngược, vàng và bạc sẽ lại bứt phá, thay vì nối tiếp tình hình ảm đạm khi những nhà “tiên tri” chính sách tiền tệ cố gắng giao dịch chạy trước vàng và bạc bằng lời đồn thắt chặt.
Câu hỏi lớn nhiều năm nay vẫn là: Khi nào những phản ứng này bắt đầu ngưng lại? Khi nào tư tưởng “Tất cả Fed phải làm là thắt chặt và lạm phát sẽ được kiểm soát” sẽ chuyển thành “Fed đang không thắt chặt đủ mạnh để dập tắt lạm phát”, hay “Fed không thể mạnh tay, và giờ lạm phát đang mất kiểm soát.”
Không ai có thể trả lời chính xác được những câu hỏi trên, nhưng điều này đã xảy ra trong những năm cuối thập niên 70. Một khi những điều kiện tại thời điểm đó được lặp lại, lạm phát một lần nữa sẽ điều khiển thị trường, thay vì chính sách.
Vào tháng 1/1977, lãi suất Fed chạm đáy tại mức 4.61%, và từ đó tới năm 1980, vàng chỉ tăng và tăng, bất chấp Fed có thắt chặt ra sao.
Tại sao lại là tháng 1/1977? Đây là chỉ số CPI vào thời điểm đó, tháng 1/1977 được đánh dấu màu đen:
CPI và lãi suất Fed đã chạm đáy trong cùng một tháng. Và cuộc đua lạm phát bắt đầu. Fed cần tới 3 năm, và tăng lãi suất lên hơn 15% để kiểm soát được tình hình.
Tới giờ, thị trường vẫn chưa phản ứng mạnh với việc lạm phát tăng tốc, tin rằng Fed sẽ kiểm soát được chỉ bằng thắt chặt. Tuy nhiên, một khi Fed làm vậy, lạm phát sẽ chiếm lấy quyền quyết định. Nếu như CPI bất ngờ tăng sau khi Fed bắt đầu thắt chặt, thị trường sẽ kỳ vọng Fed mạnh tay hơn. Kể từ đó, chính sách tiền tệ sẽ bị dẫn dắt bởi thị trường hàng hóa (chủ yếu bởi vàng và bạc), thay vì thị trường hàng hóa cố gắng chạy trước những dự báo về thắt chặt chính sách.
Thắt chặt sẽ không kìm hãm được lạm phát
Có ba lý do khiến thắt chặt không thể khiến lạm phát suy yếu. Thứ nhất là chi phí vận chuyển. Thứ hai là giá ô tô. Thứ ba, và cũng quan trọng nhất, giá thuê nhà. Ba yếu tố này sẽ tiếp tục chèo lái CPI, bất kể những gì Fed cố làm để kìm hãm lạm phát giá.
Một điều nữa là vấn đề nguồn cung và nút thắt cổ chai đều có liên quan tới ba yếu tố trên, do nhu cầu tăng mạnh. Tất cả những sự gián đoạn này đều có thể truy về lạm phát tiền tệ, điều gây ra lạm phát giá cả mà truyền thông vẫn thường gọi là “lạm phát” nói chung.
Chi phí vận chuyển liên tục tăng
Chi phí vận chuyển đã tăng gần gấp đôi từ ngày 27/7 tới 4/8, thậm chí giá vào ngày 27/7 là mức kỷ lục tính tới thời điểm đó. Theo CNBC:
“Giá chuyên chở container cho tuyến Trung Quốc - Bờ Đông nước Mỹ - một trong những tuyến container tấp nập nhất thế giới - đã tăng hơn 500% trong một năm lên mức $20,804 vào tuần này, theo Freightos. Vào ngày 27/7, chi phí này không đến $11,000.
Với tuyến Trung Quốc - Bờ Tây nước Mỹ, giá cũng đã lên gần $20,000, trong khi tuyến Trung Quốc - Châu Âu hiện đang ở mức $14,000.
Xeneta, một công ty chuyên về vận tải biển, giải thích hiện tượng này như sau:
“Tắc nghẽn tại các cảng và thiếu hụt trang thiết bị vẫn là hai yếu tố chính khi tàu từ châu Á phải đợi gần ba tuần, thậm chí lâu hơn. Ngoài ra, vấn đề tàu không thể cập cảng cũng đang ảnh hưởng tới uy tín các hãng vận chuyển.
Maersk và MSC nói rằng họ sẽ tiếp tục bỏ qua cảng Hamburg trong tuyến AE7/Condor trong bốn tuần nữa, do mật độ lớn và thời gian chờ quá lâu. Khi những vấn đề này chưa tìm được giải pháp, các hãng vận chuyển nên tiếp tục chuẩn bị cho gián đoạn kéo dài.
Nhập khẩu của Mỹ trên chỉ số giá vận chuyển của Xeneta (XSI) tăng tới 9.3% trong tháng Sáu lên 166.16 điểm. Đây là mức tăng theo tháng cao thứ ba từng được ghi nhận, và khiến mức chuẩn cao hơn cùng kỳ năm ngoái 36.9%. Chỉ số này cũng đã tăng 36% kể từ cuối năm 2020.
Một khảo sát từ Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF) ghi nhận 97% thành viên đã chịu hậu quả của việc vận chuyển chậm. Khi khả năng không có hàng bán hoàn toàn có thể xảy ra, Home Depot đã học theo XSTAFF, thuê tàu riêng để tự vận chuyển hàng hóa của mình. Dù có phần quá tay, đây vẫn là giải pháp ngắn hạn tốt.”
Điều này có “tạm thời” như Fed vẫn hay nói không? FT đã giải thích tại sao vấn đề này sẽ kéo dài nhiều năm:
“Việc giá cả dài hạn đang tăng nhanh tới nỗi ông Patrik Berglund, CEO của Xeneta miêu tả là “thực sự ngoạn mục” cho thấy những gì đang xảy ra tới giá vận chuyển - phương tiện giúp 80% mặt hàng nhập khẩu tới tay người dùng - đang phản ánh những hạn chế của phía bên cung, và những hạn chế này khó giải quyết hơn nhu cầu cao rất nhiều.
Kết quả là giá sẽ không về mức trước đại dịch cho tới Tết Âm lịch năm 2022, trong viễn cảnh tốt nhất.”
Giá ô tô cũng sẽ không giảm
Reuters viết trong ngày vàng rớt xuống $1,677 rằng “Số liệu CPI tháng Bảy công bố tuần này được kỳ vọng sẽ xác nhận rằng lạm phát đã đạt đỉnh, với giá xe đã qua sử dụng dịu xuống sau một thời gian tăng mạnh.”
Giá xe dù sẽ không còn phi mã, nhưng cũng sẽ không giảm đi bao nhiêu. Cần ít nhất 10 tháng nữa để mức tăng YoY hạ nhiệt và giảm ảnh hưởng tới CPI, vì giá xe thực sự chỉ mới bứt phá vào tháng Tư, sau khi tăng 10% MoM vào tháng Ba.
Ngoài ra, lượng xe tồn kho cũng đang thấp kỷ lục. Giá không thể giảm với nguồn cung như thế. Viễn cảnh tốt nhất sẽ là giá đi ngang, hoặc tăng chậm. Nhưng trong trường hợp này, giá thuê nhà sẽ thế chỗ để dẫn dắt đà tăng CPI.
Giá thuê nhà bùng nổ
Theo Bloomberg, với nhu cầu thuê nhà đông đảo, các chủ nhà đang phản ứng bằng việc tăng giá cho thuê nên cao chưa từng có.
Trong quý II, số lượng nhà đã có người ở tăng khoảng nửa triệu, cao nhất kể từ năm 1993, theo trang RealPage. Tiền thuê của các hợp đồng mới ký tăng 14.6% trong tháng Sáu so với năm trước, cao nhất từng được ghi nhận, và tỷ lệ trú ở đạt 96.5%, ngang với mức cao nhất từ năm 2000.
Giá thuê nhà trong cơ cấu CPI được biểu hiện dưới dạng tiền thuê tương đương của chủ sở hữu, chiếm 24% tổng CPI, cao gấp ba lần so với giá xe ở mức 7.3%.
Thêm vào đó là cuộc chiến pháp lý giữa Tòa án Tối cao và Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) về lệnh cấm trục xuất toàn quốc. Tòa án đã bác bỏ lệnh cấm trục xuất mới của CDC, nhưng CDC làm ngơ và tiếp tục triển khai.
Vấn đề hiện đã được đưa lại lên Tòa án Tối cao và sẽ được giải quyết nhanh chóng. Sau đó, trục xuất hàng loạt sẽ xảy ra trên cả nước, kéo theo đó là giá thuê nhà tiếp tục tăng cao để bù cho giai đoạn cấm trục xuất trước đó. Kể cả khi được cứu trợ bởi Fed, các chủ nhà vẫn chịu nhiều rủi ro (như mất đi thu nhập dù vẫn phải trả các khoản phí và thuế), và phải được bù đắp bằng việc tăng giá thuê.
Nếu vấn đề trục xuất được giải quyết trong tháng này, giá nhà tăng sẽ tiếp diễn trong báo cáo CPI các tháng sau.
Lạm phát sẽ chèo lái giá vàng, không phải thắt chặt
Ba vấn đề trên không hề liên quan tới việc Fed mua bao nhiêu trái phiếu mỗi tháng, và thắt chặt sẽ không thể ngăn cản giá tăng trong những mảng này. CPI sẽ chỉ tăng cao hơn.
Một khi Fed bắt đầu thắt chặt, lạm phát giá sẽ bắt đầu chiếm lấy tâm điểm từ chính sách, như đã xảy ra cuối thập kỷ 70. Đến lúc đó, sẽ không còn chuyện giá bị vùi dập do những tin về chính sách tiền tệ.
Giới đầu tư vàng và bạc đã chịu nhiều áp lực mỗi khi khoản đầu tư của họ rớt giá không phanh, đặc biệt khi bong bóng ngày càng phình to. Nhưng điều này sẽ kết thúc. Một khi tình hình thay đổi, và kim loại quý loại bỏ được xiềng xích chính sách, lạm phát sẽ điều khiển thị trường.
Seeking Alpha