Không phải suy thoái, lạm phát mới là mối nguy hiểm lớn nhất với Fed hiện tại
Thảo Nguyên
Junior Analyst
Fed cần tiếp tục chính sách thắt chặt hơn nữa để củng cố uy tín của mình
Nước Mỹ hiện vẫn có khả năng để hoàn thành cú "hạ cánh mềm" - kiểm soát được lạm phát và nhanh chóng đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Tuy nhiên, khi thời gian dần trồi qua, người tiêu dùng và các nhà đầu tư đang ngày càng cho rằng sự rung lắc sẽ mạnh mẽ hơn so với dự kiến.
Tuần này, CPI của Mỹ được công bố chạm mức 9.1% - mức cao nhất trong lịch sử 40 năm trở lại đây. Trong đó, giá năng lượng tăng 42%, thực phẩm tăng 10%. Đây không chỉ là câu chuyện của một vài mặt hàng dễ biến động giá bởi lạm phát cơ bản cũng tăng 5.9% so với năm ngoái. Nhìn từ góc độ này, quyết định của Fed sẽ là tương đối dễ dàng: Tiếp tục tăng lãi suất nhanh hơn nữa nhằm kiểm soát lạm phát. Nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng đang ở mức rất thấp chỉ 3.6%. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Canada khi lạm phát cao nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại thấp kỷ lục. NHTW nước này đã tăng lãi suất trong tuần này thêm 100 điểm lên mức 2.5%.
Thị trường hiện cũng đang kỳ vọng Fed có thể sẽ có động thái tương tự, tăng 100 điểm lãi suất, trong phiên họp tháng 7. Lãi suất được dự báo sẽ đạt mức 3.5% vào cuối năm nay, mức sẽ có tác động tiêu cực tới các hoạt động kinh tế.
Khả năng đối với kịch bản tiếp tục tăng mạnh lãi suất của Fed hiện không hoàn toàn bởi các số liệu ở trên. Chúng là các chỉ báo có tính trễ và phần nào đó lỗi thời. Áp lực thực tế hiện đã giảm bớt khi giá hàng hóa toàn cầu đã có xu hướng giảm trong thời gian qua.
Lý do chính cho việc tiếp tục tăng lãi suất là nhằm kiểm soát lại kỳ vọng lạm phát trong dài hạn. Về mặt cơ bản, lạm phát hiện đã nằm ngoài tầm kiểm soát. Với việc chi phí hóa đơn và sinh hoạt ngày một gia tăng, người dân sẽ bắt đầu nghi ngờ về lời cam kết của các NHTW về việc sớm đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu. Nhiệm vụ của Fed đó là thuyết phục họ rằng mọi chuyện sẽ ổn thỏa trở lại trong năm tới.
Tuy nhiên có một rủi ro ở đây. Lãi suất tăng làm giảm nhu cầu của nền kinh tế, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn và gây ra thất nghiệp. Sự sự gia tăng lãi suất nhanh chóng sẽ khiến các dữ liệu kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Nếu kịch bản này xảy ra, thắt chặt tiền tệ sẽ làm tăng trưởng kinh tế chậm lại nhằm hạ nhiệt lạm phát. Khi đó, có rủi ro rằng việc tăng lãi suất quá mạnh nhằm chống lại lạm phát sẽ gây ra những phản ứng phụ với nền kinh tế.
Mặc dù kỳ vọng lạm phát trung hạn có thể vẫn được kiểm soát, tuy nhiên chúng ta không thể chờ nó vượt khỏi tầm với mới hành động. Các dự phóng kinh tế trong thời gian tới của Fed được dự báo sẽ tiêu cực hơn, tuy nhiên ở lần họp gần nhất họ vẫn cho rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp ngay cả khi họ tăng lãi suất. Không có bất kỳ kỳ vọng nào về một sự đổ vỡ đột ngột sắp tới.
Các nhà đầu tư đã dành rất nhiều thời gian trong tuần để dự đoán về đường đi của lãi suất trong tương lai và xác suất suy thoái có thể xảy ra. Các nhà đầu tư có thể bắt đầu cho rằng lạm phát cao hiện là một đặc điểm mới của nước Mỹ. Fed muốn củng cố uy tín của mình và việc cần làm trước mắt đó là tiếp tục đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ nhằm thực hiện cam kết của mình.
Financial Times