Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Các dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng của ngành sản xuất Trung Quốc yếu đi trong tháng 6 do xuất khẩu giảm giữa lúc tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng kìm hãm hoạt động sản xuất. Trong khi đó, tăng trưởng của ngành dịch vụ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng chững lại do các đợt bùng phát Covid-19 làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng.
Hôm 30-6, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất nước này trong tháng 6 giảm nhẹ về 50,9 điểm, so với 51 điểm trong tháng 5. Chỉ số PMI trên 50 (vùng dương) thể hiện ngành sản xuất tăng trưởng, ngược lại, nếu dưới 50 điểm (vùng âm) là biểu hiện của suy giảm. Dù PMI của ngành sản xuất Trung Quốc vẫn trên 50 điểm nhưng đây là mức điểm thấp nhất trong 4 tháng qua.
Một chỉ số phụ theo dõi tăng trưởng của hoạt động sản xuất giảm về 51,9 điểm, so với 52,7 điểm trong tháng trước khi tình trạng thiếu hụt chip, than và điện kìm hãm sản lượng ở nhiều nhà máy, NBS cho hay. Cũng như nhiều nơi khác trên toàn cầu, thiếu hụt chip đã tác động đến các hãng xe của Trung Quốc, khiến chỉ số phụ theo dõi tăng trưởng hoạt động sản xuất ô tô rơi xuống dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp. Các chỉ số phụ đo lường hoạt động sản xuất dầu thô, than và sắt thép đều suy yếu trong tháng 86
Đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây ở tỉnh Quảng Đông, trung tâm kinh tế và xuất khẩu của Trung Quốc, đã làm trầm trọng thêm vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng đối với các nhà sản xuất. Cảng container quốc tế Diêm Điền tại Thâm Quyến, một trong những cảng bận rộn nhất thế giới, chỉ vận hành 30% công suất kể từ cuối tháng 5 do giới chức trách triển khai các biện pháp dập cụm lây nhiễm Covid-19 xuất hiện tại đây. Cảng này chỉ mới bắt đầu khôi phục hoạt động trong những ngày gần đây,
Chỉ số phụ theo dõi đơn hàng xuất khẩu mới giảm sâu hơn trong vùng âm, từ 48,3 điểm trong tháng 5, xuống 48,1 điểm trong tháng 6. Đó là tín hiệu so thấy nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc đang hạ nhiệt. Là nền kinh tế lớn đầu tiên thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 tác động hồi năm ngoái, Trung Quốc được hưởng lợi nhờ nhu cầu mạnh mẽ của toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này, giúp ngành xuất khẩu liên tục tăng trưởng cao hơn dự báo.
Giờ đây, các nhà kinh tế nhận thấy xu hướng đang đảo chiều khi các biện pháp giãn cách xã hội ở các nước phương Tây được nới lỏng, dẫn đến sự chuyển dịch chi tiêu của người tiêu dùng từ mua sắm các sản phẩm đắt tiền như máy tính, tivi, tủ lạnh sang các hoạt động ăn uống ở nhà hàng, xem phim, đi du lịch...
Sebastian Eckardt, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc ở Ngân hàng Thế giới, nói rằng sự chuyển dịch đó đang tăng tốc, do đó, đóng góp của xuất khẩu cho tăng trưởng tổng thể của Trung Quốc có thể suy yếu dần. Eckardt nói ông kỳ vọng tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ phục hồi nhờ nhu cầu nội địa. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhiều lần kêu gọi chuyển trọng tâm của nền kinh tế hướng đến tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế mới nhất về ngành dịch vụ cho thấy Trung Quốc có nhiều lý do để lo lắng hơn là lạc quan.
Trong tháng 6, chỉ số PMI của ngành dịch vụ và sản xuất Trung Quốc giảm về 53,5 điểm so với 55,2 điểm trong tháng 5, theo NBS.
Trong khi đó, đơn hàng mới của các nhà cung cấp dịch vụ giảm vào vùng âm, từ 52 điểm trong tháng 5, về 49,5 điểm trong tháng này, phản ánh nhu cầu của thị trường nhanh chóng ảm đạm khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở Quảng Đông. Các chỉ số phụ theo dõi nhu cầu của dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống đều rơi vào vùng âm.
Các nhà kinh tế cho răng khi tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở Trung Quốc chưa đạt ngưỡng để tạo ra miễn dịch cộng đồng và các biện pháp giãn cách xã hội vẫn duy trì, người tiêu dùng có lý do thận trọng mỗi lúc có đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 mới.
Link gốc tại đây.
The Saigontimes tổng hợp theo Wall Street Journal