Kinh tế Trung Quốc đang hồi sinh và bỏ xa các nước khác
Ngô Văn Thịnh
Economic Analyst
Số liệu GDP quý thứ ba của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế nước này đã phục hồi nhanh chóng. Credit Suisse cho rằng vào cuối năm tới, sản lượng kinh tế của Trung Quốc sẽ cao hơn 11% so với mức trước đại dịch còn Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục bám đuổi
Đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng tác động của nó lớn hơn đáng kể ở châu Âu và châu Mỹ. Mặc dù chiếm gần 60% dân số toàn cầu, nhưng châu Á có ít hơn 15% số ca tử vong liên quan đến COVID19 trong năm nay. Châu Âu, với chưa đến 10% dân số thế giới, chiếm gần một phần ba tổng số ca tử vong. Câu chuyện cũng tương tự ở Bắc Mỹ.
Số liệu GDP quý thứ ba của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế nước này đã phục hồi nhanh chóng hơn các nước khác như thế nào trong đại dịch. Credit Suisse cho rằng vào cuối năm tới, sản lượng kinh tế của Trung Quốc sẽ cao hơn 11% so với mức trước đại dịch còn Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục bám đuổi. Trong khi ngành dịch vụ bị gián đoạn nhiều hơn so với hoạt động sản xuất do các biện pháp hạn chế ở phương Tây kéo dài, các đơn đặt hàng phi sản xuất mới của Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong 8 năm.
Sự phục hồi của Trung Quốc rất ấn tượng. GDP đã giảm 6.8% trong quý đầu tiên của năm 2020 khi phương tây vẫn đùa rằng đây là vấn đề không đâu. Sau đó, GDP tăng trở lại 3.2% trong quý thứ hai và mức tăng trưởng trong ba tháng cuối năm có thể tương đương mức 4.9% của quý thứ ba, với mức tăng ít nhất 5%. Vào đầu năm sau, khi so sánh theo năm, hoạt động có thể tăng tới 15%.
Trung Quốc là khu vực duy nhất mà cả cung và cầu đều phục hồi. Họ đã đạt được điều này với một gói kích thích tài khóa nhỏ hơn nhiều so với gói kích thích tài khóa đã được áp dụng ở phương Tây. Bằng cách tăng tỷ trọng xuất khẩu, Trung Quốc đã xoay xở để tăng trưởng trong khi vẫn gia tăng thặng dư tài khoản vãng lai. Và cho đến nay, nó đã tránh được làn sóng bệnh dịch thứ hai đang nhấn chìm châu Âu. Một loạt vắc xin cũng đang được phát triển.
Tất cả những điều này đã được thị trường chứng khoán chú ý. Tuần trước, tổng giá trị cổ phiếu Trung Quốc đã tăng lên trên 10 nghìn tỷ USD (14.1 nghìn tỷ USD), mức cao kỷ lục và nhiều hơn so với mức đỉnh trước đó vào năm 2015, thời điểm thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ sau khi Bắc Kinh kìm hãm các nhà giao dịch quá “nhiệt tình” của Trung Quốc.
Chỉ số chính của Trung Quốc, CSI 300, theo dõi cổ phiếu ở cả Thượng Hải và Thâm Quyến, đã tăng gần 1/5 trong năm nay. Đó là mức tăng gấp đôi Phố Wall. Dòng vốn đổ vào mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy giá trị của đồng Nhân dân tệ tăng mạnh, một xu hướng được gia tăng hơn nữa do đồng đô la Mỹ suy yếu.
Mặc dù mức định giá tổng thể của thị trường Trung Quốc có vẻ không quá cao, nhưng vẫn có những ngành bị tăng quá mức. Cũng giống như chỉ số Nasdaq đã phân kỳ so với phần còn lại của thị trường Hoa Kỳ, các cổ phiếu tăng trưởng ngành công nghệ, tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe đã trở nên tách biệt với cổ phiếu tài chính và hóa dầu, vốn đang kéo chỉ số trung bình xuống thấp hơn. Chỉ số chứa những cổ phiếu tăng trưởng siêu tốc này đã tăng 76% từ đầu năm đến nay trong khi cổ phiếu giá trị về cơ bản đã đi ngang trong giai đoạn này.
Viễn cảnh đầu tư dài hạn vào Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn. Trên thực tế, bạn có thể lập luận rằng sự dịch chuyển trọng tâm kinh tế của thế giới từ phương Tây sang phương Đông chỉ là một cấu trúc được đẩy nhanh bởi đại dịch. Covid19 đã gây ra một số thay đổi cơ bản trong cách thức hoạt động của các doanh nghiệp và toàn bộ ngành công nghiệp hiện nay. Đặc biệt, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được thay thế bằng cách tiếp cận tập trung vào khu vực và điều này đã làm giảm sự phụ thuộc của châu Á vào châu Âu và châu Mỹ. Ngày nay, khoảng 60% thương mại ở châu Á diễn ra trong khu vực.
Sự tăng trưởng nhanh chóng trong sự phụ thuộc của phương tây vào công nghệ và số hóa ngày càng tăng của nền kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng vị thế của Trung Quốc giống như nhóm “FAANG” ở California. Trung Quốc có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ và toàn khu vực nói chung đang đi đầu trong các công nghệ mới như 5G và trí tuệ nhân tạo. Các cơ hội kinh doanh lớn như xe tự lái có nhiều khả năng sẽ xảy ra ở châu Á, với thế mạnh công nghệ và cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, giống như ở châu Âu hay Mỹ.
Nếu điều này nghe có vẻ quá tốt để trở thành sự thật, thì thật đáng để suy nghĩ điều gì có thể hạ bệ vị trí lãnh đạo của Trung Quốc thời hậu đại dịch. Một mối lo ngại là sự phụ thuộc của nền kinh tế Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản, đây vẫn là động lực tăng trưởng chính bất chấp lời cảnh báo của Chủ tịch Tập 3 năm trước rằng "nhà là để ở, không phải để đầu cơ". Bắc Kinh có thể muốn kiềm chế các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc, nhưng họ không muốn làm suy yếu một lĩnh vực làm nền tảng cho mọi thứ từ nhu cầu công nghiệp đến tài chính của các chính quyền địa phương.
Các nhà đầu tư ở Trung Quốc cũng cần để mắt đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Đại dịch đã làm lu mờ những căng thẳng thương mại đã chi phối các cuộc tranh luận về kinh tế vĩ mô một năm trước, nhưng điều này chỉ có nghĩa mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã bị xếp sang một bên chứ chưa được giải quyết. Một nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden có lẽ sẽ ít hiếu chiến hơn và tốt cho thị trường Trung Quốc trong ngắn hạn, nhưng có sự đồng thuận của lưỡng đảng trong việc thuần hóa con quái vật từ phương đông, thương mại vẫn là một rủi ro chính.
Cuối cùng, người tiêu dùng Trung Quốc có thể bắt đầu lấy lại niềm tin sau 7 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước của chi tiêu bán lẻ, nhưng mức cải thiện 0.5% trong tháng 8 là không khả quan lắm. Chi tiêu của khách du lịch trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng gần đây cũng đã thấp hơn 30% so với năm ngoái.
Vì vậy, có những lý do chính đáng để thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay nhưng cũng có những lý do cần thận trọng. Một danh mục đầu tư cân bằng tốt cần phải có liên quan tới Trung Quốc. Nó đại diện cho tương lai và, như câu nói: “bạn nên chạy đến nơi mà quả bóng sẽ đến, chứ không phải chỗ nó đã ở”. Đây cũng là một cách tốt để “hedge” những vị thế rủi ro. Một cách để tận dụng câu chuyện tăng trưởng của Trung Quốc, mà không phải trả những mức định giá “trên trời” gắn với Tencent và Alibaba ngày nay, có thể là các công ty hàng hóa lớn của phương Tây. Nếu tận dụng tốt đà phục hồi của Trung Quốc, họ sẽ hưởng lợi.