Kinh tế Trung Quốc trên đà “hụt hơi”
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Nền kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận sự giảm tốc trong quí 3 vừa qua do các yếu tố bất lợi từ thị trường bất động sản và lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Các chuyên gia cảnh báo, tình hình trong quí 4 có thể sẽ xấu hơn, nếu Bắc Kinh không tiến hành các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế.
Các số liệu vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 18-10 cho thấy, nền kinh tế nước này trong quí 3-2021 chỉ đạt mức tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này thấp hơn ước tính 5-5,2% của giới chuyên gia, và giảm rõ rệt so với mức tăng 7,9% trong quí 2.
Đây cũng là quí mà kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngang với mức 4,9% của quí 3-2020. Giới chức Bắc Kinh đã thừa nhận sự lo ngại về những gì đang diễn ra. Ông Fu Linghui – phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc nhận định: “Những yếu tố bất ổn tại môi trường quốc tế đang gia tăng, trong khi sự phục hồi của hoạt động kinh tế trong nước vẫn chưa ổn định và không đồng đều”.
Tác động tiêu cực từ thị trường bất động sản
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự hụt hơi của kinh tế Trung Quốc đến từ thị trường nhà đất. Theo New York Times, đô thị hóa từng là một động lực tăng trưởng tuyệt vời của Trung Quốc, với hàng loạt căn hộ rộng rãi trong những tòa nhà cao tầng hiện đại được xây dựng cho hàng trăm triệu người, kéo theo đó là sự thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất thép và xi măng. Nhưng giờ đây, bất động sản, hay nói chính xác hơn là những khoản nợ của các chủ đầu tư và người mua nhà, lại trở thành mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng. Ví dụ đáng chú ý nhất, tập đoàn China Evergrande đang loay hoay với núi nợ hơn 300 tỉ đô la và đứng bên bờ vực vỡ nợ. Một nhà phát triển bất động sản khác là Fantasia đã vỡ nợ, trong khi Sinic Holdings cũng rơi vào nguy cơ tương tự.
Ông Ning Zhang – chuyên gia kinh tế cấp cao của UBS nhận định: “Một số chủ đầu tư đã gặp phải những khó khăn nhất định. Điều này có thể ảnh hưởng hơn nữa đến tâm lý và niềm tin của người mua, khiến họ trì hoãn việc mua nhà”.
Cuộc khủng hoảng thanh khoản lan rộng đang khiến doanh số bán đất sụt giảm, và làm dấy lên lo ngại về các vấn đề rộng lớn hơn, bởi bất động sản cùng các ngành liên quan hiện chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát thị trường bất động sản cũng làm giảm sút hoạt động xây dựng, đồng thời khiến dòng vốn vào lĩnh vực này chậm lại.
Chuyên gia Yue Su từ Economist Intelligence nhận định: “Sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty trong những lĩnh vực như thầu xây dựng, vật liệu xây dựng và trang trí nội thất”.
Để trấn an nỗi lo ngại của giới đầu tư, trong một cuộc họp hôm 17-10, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương đã khẳng định những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande là có thể kiểm soát được. Nhà lãnh đạo PBoC đồng thời cũng cam kết chính phủ sẽ bảo vệ quyền lợi của người mua nhà và tôn trọng quyền, lợi ích của các chủ nợ và cổ đông.
Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại
Một khó khăn khác đối với nền kinh tế Trung Quốc là cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã phải tạm ngừng sản xuất hồi cuối tháng 9 do giá than tăng vọt và tình trạng khan hiếm điện buộc các địa phương phải cắt điện đột ngột. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi lũ lụt tại tỉnh Sơn Tây, nơi đóng góp 30% sản lượng than của Trung Quốc đã khiến giá than đạt mức cao kỷ lục. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã phải yêu cầu tăng sản lượng khai thác của các mỏ than và đảm bảo nguồn cung cấp điện, để duy trì hoạt động sản xuất.
Giá than tăng phi mã đã khiến chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 9 tăng 10,7% so với một năm trước đó, vượt mọi dự đoán và là mức tăng cao nhất để từ khi NBS bắt đầu ghi nhận số liệu hồi tháng 10-1996. Ở chiều ngược lại, sản lượng công nghiệp trong tháng 9 của Trung Quốc chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Dữ liệu vừa công bố cũng cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang ngần ngại trong việc rót vốn vào các dự án mới. Đầu tư tài sản cố định trong ba tháng đầu năm ở nước này tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo là 7,9%.
Bloomberg dẫn lời bà Helen Qiao, chuyên gia kinh tế khu vực Trung Quốc tại Bank of America nhận định: “Về phía cầu, hoạt động đầu tư trong quí vừa qua là tương đối yếu, trong khi tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng lên nguồn cung là rất nghiêm trọng”. Bà Qiao dự báo, mức tăng trưởng trong quí 4 nhiều khả năng sẽ chỉ còn khoảng 3-4%.
Theo New York Times, tại tỉnh Chiết Giang – một khu vực công nghiệp hóa lớn tại Trung Quốc, giới chức địa phương đã cắt giảm lượng điện cung cấp cho tám lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Lý do rất đơn giản: các lĩnh vực này tiêu thụ gần một nửa lượng điện năng của tỉnh, nhưng chỉ đóng góp một phần tám sản lượng kinh tế.
Tuy nhiên, sự cắt giảm cũng đồng nghĩa với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu công nghiệp, bởi đây đều là các doanh nghiệp chuyên xử lý các nguyên liệu thô thành vật liệu công nghiệp như thép, xi măng, hóa chất… Sự thiếu hụt này được dự báo có thể lan rộng trong toàn chuỗi cung ứng. Chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc của Capital Economics, Julian Evans Pritchard dự báo: “Sự suy thoái trong hoạt động sản xuất công nghiệp có vẻ như sẽ trở nên trầm trọng hơn, trong bối cảnh giá than nhiệt vẫn tiếp tục leo thang”.
Các nhà máy lắp ráp trong các ngành sử dụng ít điện hơn, ví dụ như sản xuất ô tô, không phải đối mặt với vấn đề cắt điện. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đang phải giải quyết những thách thức khác như cuộc khủng hoảng bán dẫn toàn cầu, hay sự thiếu hụt một số phụ tùng ô tô do các đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Đông Nam Á.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Volkswagen – công ty ô tô hàng đầu tại thị trường Trung Quốc cho biết, sản lượng của hãng đã sụt giảm do các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng. Ông Stephan Wollenstein – Giám đốc điều hành Volkswagen tại Trung Quốc chia sẻ: “Chúng tôi hiện không có đủ lượng ô tô để đáp ứng các đơn đặt hàng từ khách hàng, đại lý, và hiện đang phải cố gắng để giải quyết tình hình”.
Điểm tựa tiêu dùng và xuất khẩu
Tiêu dùng và xuất khẩu được coi là hai điểm sáng giúp nền kinh tế Trung Quốc không bị chững lại trong quí này.
Bất chấp rào cản từ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch Covid-19, người dân Trung Quốc, đặc biệt là những gia đình khá giả vẫn tiếp tục chi tiền cho các bữa ăn ở nhà hàng, đi du lịch hay các dịch vụ khác. Doanh số bán lẻ đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự đoán 3,3% của Reuters.
Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh trong quí 3 và kết thúc quí với kết quả ấn tượng, tăng 28,1% trong tháng 9. Bắc Kinh cũng công bố mức thặng dư thương mại hàng tháng cao thứ ba lịch sử trong tháng này.
Về cơ bản, Trung Quốc vẫn duy trì thế mạnh về xuất khẩu kể từ khi khống chế được dịch bệnh hồi đầu năm ngoái. Việc phần lớn người dân trên thế giới phải ở nhà trong thời gian phong tỏa, đã khiến nhu cầu đối với các mặt hàng điện tử tiêu dùng, đồ nội thất, quần áo và hàng hóa Trung Quốc tăng mạnh.
Trong nhiều tháng, một số chuyên gia kinh tế đã dự báo, tốc độ tăng trưởng nhanh của xuất khẩu Trung Quốc không thể kéo dài, tuy nhiên xu hướng này chưa có vẻ gì là sẽ thay đổi. Tu Xinquan – Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Tổ chức Thương mại Thế giới tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Quốc tế ở Bắc Kinh nhận định: “Chúng tôi có nguồn cung rất mạnh còn nhu cầu lại yếu. Vì vậy, các công ty vẫn sẽ phải đẩy mạnh xuất khẩu”.
Triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc
Theo giới chức Trung Quốc, bất chấp những kết quả kém khả quan của quí 3, tính chung trong chín tháng đầu năm, nền kinh tế nước này vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu của cả năm là 6%.
Hồi tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng khẳng định Trung Quốc có đủ “công cụ cần thiết” để xử lý các thách thức kinh tế, nhất là khủng hoảng điện và giá hàng hóa tăng cao. SCMP dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc vẫn có thể vượt mốc tăng trưởng trong năm nay, với GDP cả năm dự kiến tăng trưởng trên 8%.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại tỏ ra thận trọng hơn về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bloomberg dẫn lời ông Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ngân hàng ANZ: “Triển vọng kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ rất bấp bênh do cuộc khủng hoảng năng lượng và nỗ lực kiềm chế thị trường bất động sản”.
Các chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ có chọn lọc, đồng thời cho rằng khả năng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng sẽ khó xảy ra hơn so với trước.
Ông Zhang Zhiwei – chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management cảnh báo, việc thiếu một chính sách hỗ trợ mạnh mẽ có thể sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế. “Chính phủ có thể không cảm thấy quá cấp bách với việc thực hiện các biện pháp kích thích và thúc đẩy tăng trưởng. Cuộc họp báo của PBoC tuần trước cũng phát đi tín hiệu cho thấy lập trường chính sách tiền tệ sẽ không thay đổi đáng kể. Nếu không có một thay đổi chính sách đáng kể, tăng trưởng trong quí 4 có thể sẽ chậm hơn nữa”.
Chia sẻ quan điểm trên, bà Chang Shu, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg cũng nhận định: “Trung Quốc cần các chính sách hỗ trợ mạnh tay hơn để kéo cỗ xe kinh tế ra khỏi đoạn đường lầy lội hiện nay”. Tuy nhiên, bà cho rằng, sự thay đổi sẽ không thể xảy ra nhanh chóng, “bởi các nhân tố tiêu cực chủ yếu đến từ các cú sốc về nguồn cung và Chính phủ Trung Quốc vẫn quyết tâm thực hiện các cải cách tổng thể mang tính dài hạn”.
Link gốc tại đây.
Theo TheSaigontimes