Liên minh Châu Âu và thỏa thuận lịch sử: Bề nổi của tảng băng
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Khi Thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin, đối chất với người đồng cấp phía Tây Ban Nha, Pedro Sánchez trong bữa tối tại hội nghị cấp cao vào đêm Chủ nhật ở Brussels, các nhà lãnh đạo EU đã bắt đầu lo sợ về nguy cơ cuộc đàm phán kéo dài của họ về phương án đối phó chung của khối đối với dịch bệnh có thể kết thúc trong thất bại.
Bà Sanna Marin, một thành viên đảng dân chủ xã hội 34 tuổi và là một trong số ít những lãnh đạo nữ trong khối, đối chất gay gắt với yêu cầu của Thủ tướng Tây Ban Nha về việc nhóm liên minh “hà khắc” gồm các quốc gia nhỏ và giàu có phải tiếp tục nâng mức đóng góp trong quỹ đối phó khẩn cấp với dịch bệnh của EU. “Các nhà lãnh đạo ở đây đều đã tăng đóng góp từ mức 0 lên 350 tỷ EUR. Vậy ông đã làm gì? Chúng tôi đã hành động. Giờ đến lượt phiên ông.” Thủ tướng Phần Lan nói.
Sự trao đổi trên đánh dấu khoảnh khắc khi Phần Lan tham gia vào nhóm 4 quốc gia thành viên nhất quyết muốn giảm quy mô kế hoạch của EU hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế chung bằng cách vay 750 tỷ EUR trên thị trường vốn và phân phối phần lớn trong số đó dưới dạng viện trợ thay vì cho vay. Hội nghị bước sang ngày thứ 3 mà không thể đạt được thỏa thuận, tình hình xem chừng khá bi quan.
“Mọi chuyện dường như sắp sụp đổ trong bữa tối đó, nhóm liên minh hà khắc đã tăng từ 4 tăng lên 5 nước” một nhà ngoại giao thâm niên cho biết.
Tuy nhiên, thay vì để hội nghị kết thúc trong sự giận dữ và chỉ trích lẫn nhau, bà Marin và các nước trong liên minh gồm Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan đã có cuộc nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay trong đêm hôm đó.
Bỏ qua diễn biến lộn xộn trên, có cảm giác rằng một gói viện trợ chung sẽ được thông qua, khi các quốc gia trong nhóm “hà khắc” sẽ được giảm mức đóng góp đúng như họ mong muốn.
Cuộc trao đổi vào lúc 4 giờ sáng đã mở khóa cho một thỏa thuận quan trọng đã được chính thức thông qua vào bình minh ngày thứ 3 – giúp hội nghị kéo dài lâu thứ 2 trong lịch sử EU kết thúc thành công. Sau 4 ngày căng thẳng gồm các phiên thảo luận bàn tròn và vô số các cuộc họp, các nhà lãnh đạo cuối cùng đã có câu trả lời cho đề nghị từ các thủ lĩnh EU, bao gồm bà Merkel và ông Macron, về một nỗ lực quy mô lớn chống lại suy thoái kinh tế.
Quỹ phục hồi mà họ vừa thông qua đánh dấu bước quan trọng nhất trong việc hợp nhất sức mạnh tài khóa của EU kể từ cuộc khủng hoảng khu vực Eurozone và là nỗ lực lớn đầu tiên của liên minh kể từ sau Brexit. Song song với khối lượng vay vốn khổng lồ, các nhà lãnh đạo cũng thống nhất điều khoản ngân sách chung trị giá 1.07 nghìn tỷ EUR dành cho 7 năm tới, nhằm gia cố cho tình hình tài chính của EU trong trung hạn.
Quỹ đối phó đại dịch trị giá 750 tỷ EUR, được xây dựng từ đề xuất của Pháp và Đức từ Tháng 5 cũng như kế hoạch chi tiết từ Ủy ban Châu Âu, sẽ bao gồm 390 tỷ viện trợ không hoàn lại và phần còn lại là các khoản vay để giúp cho các quốc gia hồi phục lại sau khủng hoảng. Điều này tới chỉ sau 4 tháng kể từ khi nền kinh tế EU buộc phải rơi vào tình trạng “ngủ đông” do dịch Covid-19.
Maria Demertzis, Giám đốc ủy quyền của cơ quan tư vấn Bruegel nói rằng: “Nếu bạn nói với tôi 1 năm trước rằng các nước EU sẽ đồng ý với việc phát hành khoản nợ chung khổng lồ và một khoản ngân sách như vậy, tôi sẽ nói bạn đang mơ mộng hão huyền. Gói viện trợ vào Thứ 3 có thể chính thức là một biện pháp đối phó tạm thời với khủng hoảng, nhưng nó cuối cùng có thể mặc định trở thành biện pháp lâu dài – bất chấp sự hoài nghi của các nhóm các quốc gia hà khắc”.
Câu hỏi đối với EU hiện tại đó là liệu gói hỗ trợ khẩn cấp này sẽ chỉ là dấu mốc thoáng qua cho sự hợp nhất tài khóa của khối hay sẽ là một quá trình không thể đảo ngược. Sự ăn mừng công khai của các lãnh đạo sau đó chỉ làm nổi bật thêm sự phân hóa trên, do chúng đại diện cho tầm nhìn hoàn toàn khác biệt của triết lý và mục đích nền tảng của công cụ phục hồi mà họ vừa thông qua.
Ông Macron phát biểu vào sáng Thứ 3 rằng khoản viện trợ 390 tỷ EUR bao gồm các khoản liên thông lớn trong liên minh chung. “Điều đó thay đổi tất cả bởi chúng ta đang tạo ra một khoản ngân sách trong khu vực Eurozone,” ông Macron cho biết. “Sự liên thông trên là hợp pháp. Do vậy đây thực sự là một khoảnh khắc thay đổi lớn lao đối với Châu Âu”.
Tuy nhiên, một vài phút sau đó, khi được hỏi về việc quỹ trên được tạo bởi sự liên thông tài khóa giữa các quốc gia hay không, Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte đáp lại một cách ngắn gọn: “Không”.
Ông khẳng định rằng tính chất tạm thời của công cụ trên có nghĩa rằng nó không bao giờ biến đổi thành một cơ chế liên thông tài khóa lâu dài. “Nó sẽ chỉ được sử dụng 1 lần”, ông Rutte nói, và ông là một nhân vật chủ chốt trong liên minh “hà khắc”.
Chiến tuyến đã được vạch ra khi các nhà lãnh đạo tập hợp trong bữa tối căng thẳng tại tòa nhà trụ sở của Liên minh Châu Âu vào Brussel vào tối Thứ 6, cũng là sinh nhật thứ 66 của bà Merkel. Sự tức giận trở nên sôi sục khi ông Rutte khăng khăng giữ nguyên phiếu phủ quyết đối với việc dốc hầu bao đối với các quốc gia thành viên, một động thái mà Ý và các nước khác cảnh báo có thể nhấn chìm toàn bộ gói viện trợ.
Trong khi vị nguyên thủ Hà Lan đang là tâm điểm chỉ trích từ mọi phía, các nhà ngoại giao tham gia vào quá trình đàm phán cho biết 4 lãnh đạo các nước “hà khắc” và bà Marin, đã ngày càng táo bạo trong các cuộc nói chuyện.
Thủ tướng Áo, Sebastian Kurz nổi lên là một chướng ngại với ông Macron trong việc thúc đẩy thông qua mức viện trợ 400 tỷ EUR, yêu cầu giảm đáng kể mức đóng góp của nước này như một điều kiện cho thỏa thuận. Ông rời hội nghị với mức cắt giảm gấp đôi dành cho Áo – một chiến công mà các Thủ tướng trước đây của Anh, gồm cả Margaret Thatcher người đầu tiên chiến thắng trong việc mặc cả cho Anh vào năm 1984 – có lẽ sẽ rất ngạc nhiên.
Đối với một số nhà lãnh đạo, một sự so sánh với cựu Thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ của Anh, David Cameron, người đe dọa làm tê liệt ngân sách EU vào năm 2013 là điều khó tránh – chỉ khác là giờ đây có tới một vài lãnh đạo có khả năng tương tự. Ông Macron đã có lúc chỉ trích liên minh “hà khắc” và so sánh chiến thuật của họ với yêu cầu của ông Cameron về việc cắt giảm ngân sách EU.
Sau cuộc họp, bà Merkel, một nhà thương thảo lão làng về vấn đề ngân sách EU, hiểu rằng sự rời đi của Anh mang tới một động lực mới trên bàn đàm phán. “Hiện tại Anh đã không còn tham gia cùng với chúng ta, điều này có nghĩa rằng các thành viên khác sẽ phải ra đứng mũi chịu sào”, bà nói.
Ông Macron nói rằng việc đàm phán đã “gặp khó khăn, đôi lúc là va chạm với những quan niệm khác nhau giữa các nước trong EU”. Thủ tướng Ý, Giuseppe Conte, ít thân thiện hơn, đã cáo buộc liên minh “hà khắc” đang “tống tiền EU”.
Đối với những người lạc quan, sự chia rẽ sâu sắc trên không che lấp được tầm quan trọng chính trị của khoảnh khắc quyết định: Các nước EU đã cùng bước trên con đường hướng tới sự liên thông tài khóa và phát hành nợ chung – một điều mà chỉ mới rất gần đây chỉ là một giấc mơ đối với những người theo chủ trương liên kết.
Tuy nhiên sự chia rẽ về tư tưởng, điều đã kéo dài con đường tới việc hợp nhất tài khóa vẫn đang hiện hữu. Thỏa thuận về gói hỗ trợ phục hồi có thể đã tính tới vấn đề trên, nhưng chúng vẫn chưa thể được giải quyết thấu đáo.