Liệu các "chú bò" có sắp quay trở lại với các tài sản rủi ro?
Thảo Nguyên
Junior Analyst
Mặc dù bức tranh tổng quan vẫn là khá mờ mịt, thị trường tài chính vẫn có lý do để có thể phục hồi trong ngắn hạn
Mua được đúng đáy vẫn luôn là mơ ước của mọi nhà đầu tư - khoảnh khắc ngắn ngủi khi tâm lý thị trường xuống mức cùng cực, những tin xấu liên tiếp bủa vây. Tuy nhiên vào chính thời khắc đó, chỉ cần một tin tức tốt hay thậm chí bớt tiêu cực hơn kỳ vọng cũng sẽ khiến giá nhanh chóng bật tăng trở lại. Đáng tiếc rằng không có bộ chỉ số nào hiện tại có thể đưa ra chính xác thời điểm trên đối với thị trường chứng khoán.
Tuy vậy, cuộc khảo sát mới nhất từ các nhà đầu tư tổ chức của Bank of America cho thấy rằng chúng ta có thể đang dần tiến tới "điểm tới hạn" của tâm lý thị trường. Dưới đây là biêu đồ về tỷ lệ ròng của các nhà đầu tư kỳ vọng vào nền kinh tế tăng trưởng (phần trăm kỳ vọng kinh tế tăng trưởng trừ phần kỳ vọng kinh tế suy giảm) và tỷ lệ ròng những nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều cổ phiếu.
Sự lạc quan về tăng trưởng toàn cầu ở mức thấp nhất mọi thời đại
Sự lạc quan về tăng trưởng đang chạm đáy và quy mô nắm giữ cổ phiếu thấp nhất kể từ năm 2008 đến nay. Điều này không có gì bất ngờ, với những tín hiệu gần đây từ thị trường trái phiếu, sự bi quan không đến từ tình hình lạm phát mà do lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất điều hành nhằm kiểm soát lạm phát và có thể phải hy sinh tăng trưởng kinh tế.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng phần lớn các nhà đầu tư không kỳ vọng lãi suất dài hạn tăng. Fed có thể chiến thắng trong cuộc chiến với lạm phát nhưng nền kinh tế cũng phải chịu tổn thương. Vì thế họ chủ yếu giữ tỷ trọng tiền mặt lớn, giữ mức độ rủi ro thấp và tính thanh khoản cao. Tiền mặt là tài sản đang tăng giá nhất, đặc biệt là đồng đô la Mỹ.
Kỳ vọng lạm phát thấp hơn có nghĩa là lãi suất thấp hơn
Tuy nhiên, về phía các nhà đầu tư cá nhân, bức tranh không hẳn chỉ theo một chiều như vậy. Khảo sát tâm lý nhà đầu tư của Hiệp hội các nhà đầu tư cá nhân Hoa Kỳ (AAII) cho thấy phe bán vẫn đang nắm quyền kiểm soát, tuy nhiên phe mua cũng đã bắt đầu chống trả mạnh mẽ hơn trong vài tuần trở lại đây.
Kỳ vọng của nhà đầu tư cá nhân đối với cổ phiếu trong sáu tháng tới thể hiện qua đường trung bình động 3 tháng
Nếu chỉ nhìn vào đồ thị trên, có cảm giác rằng quá trình hồi phục từ đáy đã bắt đầu. Và dù tâm lý có tích cực hay tiêu cực, số liệu cho thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đang đổ tiền vào thị trường chứng khoán. Theo dữ liệu từ VandaTrack, biểu đồ bên dưới biểu hiện dòng vốn ròng của các nhà đầu tư cá nhân đổ vào chứng khoán Mỹ. Mặc dù có những biến động, con số này vẫn đang ở mức dương từ đầu năm đến nay.
Nói tóm lại, chúng ta vẫn chưa tới thời điểm tới hạn của thị trường chứng khoán nói chung và tài sản rủi ro nói riêng. Diễn biến đáng chú ý đó là lợi suất kỳ hạn 10 năm đã tăng 1,5% trong năm nay. Chỉ điều này thôi cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc định giá tài sản.
Nhóm chiến lược của Bank of America đã phác thảo một kịch bản giao dịch cho Quý III tới như sau:
Tâm lý ưa thích rủi ro quay trở lại nếu không xảy ra một cú sốc như của Lehman Brothers, CPI giảm, FED tạm dừng tăng lãi suất trước Giáng sinh. Chiến lược giao dịch: Mua cổ phiếu, bán USD - Mua đồng Euro, bán các cổ phiếu phòng thủ - mua cổ phiếu ngân hàng và ngành tiêu dùng.
Các giao dịch trên có thể thành công hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố quan trọng: thứ nhất đó là giá dầu phải giảm (có thể là do diễn biến tích cực hơn dự kiến trong cuộc chiến Nga-Ukraine), thứ hai đó là các điều kiện tài chính cũng phải được nới lỏng (có thể do Fed thay đổi chính sách hoặc lý do khác).
Sẽ là không bất ngờ nếu thị trường có một nhịp phục hồi từ đây. Tuy vậy, bức tranh tổng quan vẫn đang là khá ảm đạm và những điều tiêu cực nhất vẫn chưa được thị trường định giá hoàn toàn.
Financial Times