Liệu Mỹ có sẵn sàng trừng phạt một nửa thế giới chỉ để đối đầu với Nga?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Với mối liên kết chặt chẽ của Nga với kinh tế toàn cầu, chỉ lệnh trừng phạt trực tiếp đơn thuần từ Mỹ có lẽ sẽ là không đủ để cô lập hoàn toàn quốc gia này
Từ Mexico cho tới Trung Quốc, Ấn Độ hay hầu hết các quốc gia Châu Phi, tất cả đều đang có động thái đi ngược lại lời kêu gọi cô lập nước Nga của Mỹ. Đúng là Mỹ có thể gây nên thiệt hại lớn cho nền kinh tế Nga bằng những biện pháp trừng phạt của mình, tuy nhiên để lật đổ hoàn toàn chế độ tại Moscow sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác. Điều này là bởi hầu hết phần còn lại của thế giới đều cho thấy kế hoạch tiếp tục giữ quan hệ với Nga và đồng thời nỗ lực tránh khỏi việc phải đối đầu trực tiếp với Mỹ.
Do đó, để có thể triển khai kế hoạch cô lập hoàn toàn Nga, nước Mỹ sẽ cần triển khai những sắc lệnh trừng phạt mở rộng nhằm buộc các quốc gia khác tuân thủ lệnh cấm vận đối với Nga. Để triển khai kế hoạch này sẽ là rất tốn kém về cả tiền bạc lẫn ngoại giao đối với Mỹ, đồng thời có thể đẩy các quốc gia khác đi xa hỏi nước Mỹ và đồng USD. Khả năng xảy ra của kịch bản này sẽ tùy thuộc vào mức độ mạnh mẽ mà giới cầm quyền Mỹ muốn ép buộc các quốc gia trung lập phải tuân thủ các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Lệnh trừng phạt mở rộng liệu có khả thi?
Về cơ bản, trừng phạt mở rộng là các lệnh trừng phạt đặt lên một bên thứ ba vốn không phải là mục tiêu của lệnh trừng phạt ban đầu. Ví dụ, nếu Mỹ muốn gây sức ép lên Iran, họ có thể ban hành lệnh trừng phạt trực tiếp đối với Iran. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể ban hành các lệnh trừng phạt mở rộng lên các công ty hoặc tổ chức ở các quốc gia khác có quan hệ với Iran.
Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt mở rộng trên có thể sẽ gây tác động ngược bởi Mỹ đã sử dụng chúng quá thường xuyên trong 1 thập kỷ qua đối với Trung Quốc, Iran, Nga và nhiều quốc gia khác. Điều này đã dẫnn tới sự phản đối ngày một gia tăng từ các quốc gia thứ 3 phải chịu sự trừng phạt. Sự liên kết của Nga với kinh tế toàn cầu rõ ràng là sâu rộng hơn nhiều so với Iran, Cuba hay Triều Tiên, do đó quy mô của chính sách trừng phạt từ Mỹ cũng sẽ phải ở quy mô lớn hơn nhiều và cũng khó được chấp nhận bởi phần còn lại của thế giới.
Các nước châu Phi phụ thuộc lớn vào lúa mỳ từ Nga và Ukraina hay như Ấn Độ cũng thường xuyên giao dịch vũ khí với Nga. Nước này cũng là nguồn cung cấp lớn cho các nguyên vật liệu quan trọng như aluminum, palladium, dầu mỏ và phân bón cho các nước tại Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ. Đặc biệt, đối với Trung Quốc khả năng cấm vận từ phía Mỹ lại càng thấp hơn bởi mức độ liên kết kinh tế của quốc gia này thậm chí còn sâu rộng hơn.
Mức độ phụ thuộc của các quốc gia Châu Phi vào lượng lúa mỳ từ Nga và Ukraina
Tác động ngắn hạn của lệnh trừng phạt mở rộng từ phía Mỹ có thể sẽ chưa hiện ra quá rõ ràng mà thậm chí sẽ được bước đầu tuân thủ bởi nhiều quốc gia. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực bước đầu này vẫn chưa thể đảm bảo cho một chiến thắng trong dài hạn bởi nó có thể sẽ thúc đẩy các quốc gia dần giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Ngoài ra, lệnh tịch thu dự trữ ngoại hối của NHTW Nga từ Mỹ sẽ khiến các quốc gia phải xem xét lại rủi ro của việc nắm giữ lượng lớn đồng bạc xanh. Điều xảy ra với Nga hoàn toàn có thể xảy ra với bất cứ quốc gia nào khác và buộc họ phải dần thoát khỏi cái bóng của đồng USD.
Zerohedge