Lo ngại về lạm phát Mỹ tăng nóng hơn dự kiến đang thúc đẩy làn sóng bán tháo đồng Yên
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
“Bán Yên” đang trở thành xu hướng phổ biến trong bối cảnh nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát hàng tháng của Mỹ, vốn có nguy cơ làm chao đảo thị trường tài chính.
Nhiều ngân hàng lớn tại Nhật Bản cho rằng đồng Yên sẽ tiếp tục suy yếu vì các nhà giao dịch hạ kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất. Điều này củng cố đồng USD và khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao. Triển vọng mất giá của đồng Yên đã thúc đẩy các nhà giao dịch bán khống đồng tiền này nếu lạm phát ở Mỹ tăng cao.
Nick Twidale, chuyên gia phân tích tại ATFX Global Markets, nhận định: "Bán Yên hiện là giao dịch phổ biến nhất, vì các quỹ phòng hộ vẫn được hưởng lợi từ hoạt động carry trade. Do sự không chắc chắn về quy mô cắt giảm lãi suất của Fed, các nhà đầu tư hiện đang nghiêng về bán khống đồng Yên."
Nhiều tổ chức như Mizuho Securities, Nomura Securities và MUFG Bank dự báo rằng đồng Yên có thể tiếp tục suy yếu và USD/JPY có khả năng chạm mức 150 hoặc cao hơn. Điều này có thể khiến chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ. Trong tháng qua, đồng Yên đã giảm 4.6%, khiến các quan chức Nhật Bản và nhà giao dịch đồng Yên phải cảnh giác.
Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng vượt dự báo, đồng USD sẽ tăng mạnh, theo Yujiro Goto, giám đốc bộ phận chiến lược ngoại hối tại Nomura Securities. Ông dự đoán: "Khả năng cao là USD/JPY sẽ phục hồi lên mức 150."
Các quan chức Nhật Bản cũng đã bày tỏ lo ngại. Atsushi Mimura, quan chức ngoại hối hàng đầu Nhật Bản, cho biết ông đang theo dõi thị trường với sự cảnh giác cao độ. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Katsunobu Kato, cho rằng biến động đột ngột của đồng Yên có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và cuộc sống của người dân.
Hiện tại, USD/JPY đang giao động quanh mức 149.10 sau khi leo lên gần 149.55, mức đỉnh trong gần hai tháng.
Áp lực bán đồng Yên chủ yếu đến từ việc đồng USD mạnh lên. David Sokulsky, giám đốc đầu tư tại quỹ Carrara Capital, cho biết: "Không chỉ đồng Yên, mà hiện tại trọng tâm chú ý còn là đồng USD. Giao dịch nên thực hiện nhất lúc này là bán khống đồng Yên."
Taro Kimura, nhà kinh tế cấp cao của Nhật Bản tại Bloomberg Economics, cho rằng dữ liệu việc làm tốt hơn dự kiến của Mỹ đang tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động carry trade đồng Yên quay trở lại.
Tsutomu Soma, nhà giao dịch trên thị trường trái phiếu và ngoại hối tại Monex, dự báo nếu dữ liệu CPI của Mỹ tăng nóng, USD/JPY có thể nhanh chóng đạt mức 150. Tuy nhiên, ông cho rằng nó sẽ giảm nhanh chóng vì khả năng can thiệp của chính phủ Nhật.
Calvin Yeoh, nhà quản lý quỹ Merlion tại Singapore, nhận định: "Cho đến khi các vị thế bán khống được xóa bỏ hoặc dữ liệu lạm phát yếu đi, xu hướng dễ thấy nhất hiện nay, dù có biến động, vẫn là lãi suất Mỹ tăng cao. Điều đó có nghĩa là đồng USD sẽ mạnh hơn và đồng Yên sẽ yếu đi."
Bloomberg