MUFG Research - Kinh tế Trung Quốc cần "liều thuốc tăng tốc" nào? (Phần 2): Tăng cường hỗ trợ chính sách
Ngọc Lan
Junior Editor
Các chính sách gần đây bắt đầu có hiệu lực, thể hiện qua sự phục hồi của các chỉ số hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản vào tháng 6 (được hưởng lợi từ gói chính sách bất động sản "5.17") , việc phát hành trái phiếu chính phủ đã tăng trong tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, những yếu tố kìm hãm hoạt động kinh tế vẫn khá rõ ràng và dai dẳng. Tăng trưởng thu nhập khả dụng của hộ gia đình giảm và tâm lý tiêu dùng yếu kém kéo dài sẽ tiếp tục hạn chế hoạt động tiêu dùng và đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới.
Tăng trưởng GDP quý 2 của Trung Quốc ở mức đáng báo động, cho thấy nhu cầu cấp thiết để chính phủ tăng cường hỗ trợ chính sách. Chúng tôi dự đoán sẽ có thêm các gói kích thích nhằm ổn định nhu cầu nội địa, bao gồm các chính sách thúc đẩy tiêu dùng của cả khu vực công và tư nhân, tối ưu hóa chính sách đổi xe cũ lấy xe mới. So với các chính sách tiền tệ, việc mở rộng chi tiêu ngân sách có nhiều khả năng trở thành giải pháp hơn. Dự kiến Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5.0% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 3, nhờ vào một số yếu tố như tốc độ giảm đang được thu hẹp của ngành bất động sản so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng (một phần do dự báo về việc tăng thuế quan), và đầu tư cơ sở hạ tầng được đẩy nhanh nhờ nguồn vốn huy động từ việc phát hành trái phiếu chính phủ tăng gần đây.
Dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 6 cho thấy cần có sự hỗ trợ tức thì mạnh mẽ hơn để kích thích nhu cầu
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng 2.0% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng đồng thuận của thị trường là 3.4% cho tháng 6 và mức 3.7% của tháng 5. Sự giảm tốc tăng trưởng này được quy cho sự sụt giảm mạnh trong tăng trưởng bán lẻ hàng hóa, từ 3.6% trong tháng 5 xuống 1.5% trong tháng 6. Dịch vụ ăn uống, chiếm 11% tổng doanh số bán lẻ, tăng nhanh hơn ở mức 5.4% trong tháng 6, tăng từ mức 5.0% trong tháng 5. Doanh số bán lẻ giảm 0.12% so với tháng trước trong tháng 6 từ mức tăng 0.23% trong tháng 5. Mặc dù đang trong bối cảnh có một lễ hội mua sắm quy mô lớn hàng năm (618) vào tháng 6 ở Trung Quốc, nhưng con số này vẫn suy giảm một cách đáng lo ngại.
Theo sản phẩm, về mặt tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, sự giảm tốc tăng trưởng trong tháng 6 khá rõ rệt ở ngành hàng mỹ phẩm (-33.3 điểm phần trăm), hàng thể thao và giải trí (-21.7 điểm phần trăm), thiết bị điện và video gia dụng (-20.5 điểm phần trăm), thiết bị thông tin liên lạc (-13.7 điểm phần trăm) và hàng văn hóa & văn phòng phẩm (-12.8 điểm phần trăm). Doanh số bán ô tô giảm 6.2% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 6. Doanh số bán đồ nội thất chỉ tăng 1.1%, phù hợp với bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn. Sự kéo lùi từ hiệu suất của lĩnh vực bất động sản và tăng trưởng thu nhập chậm hơn đã ảnh hưởng đến các con số bán lẻ.
Mặc dù các chỉ số chính của ngành bất động sản cải thiện trong tháng 6, nhưng giá nhà mới và nhà cũ tiếp tục giảm, cho thấy đà phục hồi gần đây chưa thực sự bền vững.
Trong tháng 6 này, có sự phục hồi ở các chỉ số chính của lĩnh vực bất động sản, như đầu tư bất động sản (22.6% so với tháng trước), doanh số bán bất động sản (50.9% so với tháng trước), diện tích khởi công (20.6% so với tháng trước), diện tích hoàn thành (26.3% so với tháng trước). Sự phục hồi này đã làm thu hẹp nhẹ mức giảm so với cùng kỳ năm trước của các chỉ số này trong tháng 6, tuy nhiên, tăng trưởng vẫn khá kém đối với đầu tư bất động sản (-7.4%), doanh số bán bất động sản (-13.8%), diện tích khởi công (-21.9%), diện tích hoàn thành (-29.7%), diện tích đã bán (-13.8%) và diện tích đang xây dựng (-34.2%). Các chính sách kích thích bất động sản "5.17" có thể đã mang lại một số hỗ trợ nhất định cho cả nhà phát triển và người mua nhà. Giao dịch nhà ở đã qua sử dụng ở các thành phố hạng nhất đã cải thiện, tuy nhiên, tính bền vững của sự phục hồi đáng kể trong tháng 6 của các chỉ số hoạt động chính của lĩnh vực bất động sản vẫn còn chưa chắc chắn, khi cả giá nhà mới xây và nhà đã qua sử dụng tiếp tục giảm lần lượt 0.67% và 0.85% so với tháng trước trong tháng 6, và tồn kho nhà ở là 739 triệu mét vuông diện tích sàn đang chờ bán, trong đó 383 triệu mét vuông là nhà ở.
Sự sụt giảm đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ cùng với đầu tư tư nhân yếu kém đã thoái lui tăng trưởng FAI trong tháng 6
Đầu tư tài sản cố định (FAI) tăng 0.21% so với tháng trước trong tháng 6, sau mức tăng 0.03% trong tháng 5. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng FAI có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể, FAI tăng 3.9% so với cùng kỳ năm trước tính đến tháng 6, giảm nhẹ so với mức 4% của tháng 5. Đầu tư tư nhân chỉ tăng 0.1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy doanh nghiệp tư nhân vẫn còn thận trọng trong việc mở rộng kinh doanh. Ngược lại, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng FAI chung, với mức tăng 6.8% so với cùng kỳ năm trước tính đến tháng 6.
Cả tăng trưởng YTD FAI ngành công nghiệp sơ cấp và thứ cấp đều cải thiện nhẹ trong tháng 6 này, với FAI ngành công nghiệp thứ cấp đạt mức 12.6% so với cùng kỳ năm trước tính từ đầu năm trong tháng 6 (so với 12.5% trong tháng 5). Trong ngành công nghiệp thứ cấp, YTD FAI khai khoáng, sản xuất và sản xuất điện, khí đốt và nước vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt với lần lượt là 17%, 9.5% và 24.2% so với cùng kỳ năm trước.
Sự thoái lui đến từ ngành dịch vụ, với tăng trưởng FAI giảm xuống -0.2% so với cùng kỳ năm trước tính từ đầu năm trong tháng 6, từ mức 0% trong tháng 5. Trong ngành dịch vụ, chúng ta thấy sự sụt giảm đáng kể trong tăng trưởng FAI của vận tải đường sắt, từ 21,6% xuống 18,5%. Trong lĩnh vực vận tải, tăng trưởng FAI của vận tải đường bộ cũng giảm nhẹ từ -0.9% xuống -1.0%. Riêng tăng trưởng FAI cơ sở hạ tầng giảm từ 5.7% xuống 5.4%. Tăng trưởng FAI trong lĩnh vực vận tải và cơ sở hạ tầng suy giảm, nhấn mạnh sự cấp bách cần đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt là trong quý 3 và sử dụng chúng nhanh chóng.
Xuất khẩu đạt kết quả tốt trong tháng 6, với sự cải thiện đồng đều của tăng trưởng các nhóm sản phẩm chính
Xuất khẩu của Trung Quốc (tính bằng USD) tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong tháng 6 với mức tăng 8.6% so với cùng kỳ năm trước (so với dự đoán 8.0% của Bloomberg), với các nhóm sản phẩm chính lại đóng góp một phần đáng kể vào tăng trưởng. Về mức đóng góp vào tăng trưởng tổng thể 8.6%, cơ khí và điện tử đóng góp 4.4 điểm phần trăm, hàng thâm dụng lao động đóng góp 0.3 điểm phần trăm, và sản phẩm công nghệ cao đóng góp 1.5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, mức đóng góp từ hàng thâm dụng lao động và sản phẩm công nghệ cao giảm nhẹ từ mức 0.6 và 1.9 điểm phần trăm trong tháng 5.
Trong nhóm xuất khẩu sản phẩm cơ khí và điện tử tháng 6 này, xuất khẩu máy móc nói chung tăng mạnh nhất 9.8 điểm phần trăm, từ 7.4% lên 17.3%. Một sự mở rộng đáng kể khác được thấy ở xuất khẩu phụ tùng và phụ kiện xe cộ, tăng từ 1.1% lên 8.6%. Trong khi đó, một số sản phẩm trước đó ghi nhận mức tăng trưởng hai con số trong tháng 5 vẫn duy trì mức tăng trưởng này trong tháng 6, bao gồm thiết bị gia dụng (từ 18.3% xuống 17.9%), thiết bị âm thanh hoặc video và linh kiện (từ 11.3% xuống 10.4%), mạch tích hợp điện tử (từ 28.5% xuống 23.4%), xe cơ giới (từ 16.6% xuống 12.6%), tàu thuyền (từ 57.1% xuống 53.8%), màn hình phẳng (từ 15.1% xuống 13.3%).
Mặt khác, xuất khẩu của nhóm sản phẩm công nghệ cao tăng 6.3% trong tháng 6, mặc dù thấp hơn mức 8.1% của tháng 5. Xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, EU và ASEAN đều đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu tổng thể của Trung Quốc trong tháng 6. Trong tổng mức tăng trưởng xuất khẩu 8.6% của tháng 6, xuất khẩu sang Mỹ đóng góp 1.0 điểm phần trăm (so với 0.5 điểm phần trăm trong tháng 5), xuất khẩu sang EU đóng góp 0.6 điểm phần trăm (so với -0.2 điểm phần trăm trong tháng 5), xuất khẩu sang ASEAN đóng góp 2.3 điểm phần trăm (so với 3.3 điểm phần trăm trong tháng 5).
Tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc lại thấp hơn kỳ vọng trong tháng 6, với mức -2.3% (so với dự đoán 2.5% của Bloomberg), cho thấy nhu cầu nội địa yếu trong khoảng thời gian này. Kết hợp với sự tích cực trong tăng trưởng xuất khẩu, điều này tạo ra thặng dư cán cân thương mại kỷ lục 99 tỷ USD trong tháng 6.
MUFG Research