Nền kinh tế Mỹ vẫn đang trên bờ vực!
Nam Anh
Senior Economic Analyst
Một sự bùng phát cục bộ hay tiêu cực hơn là làn sóng lây nhiễm thứ hai đều có thể dẫn đến sự áp dụng rộng rãi của các biện pháp giãn cách xã hội- dù là bắt buộc hay tự nguyện – ít hay nhiều sẽ đe dọa xấu đến tốc độ phục hồi và thậm chí có thể dẫn đến 1 sự sụt giảm kinh tế lần hai
Sự gia tăng các ca lây nhiễm virus tại các bang đông dân nhất Hoa Kỳ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng.
Sự thiếu vắng của những chiếc xe hơi làm Maryann Ferenc giật mình: sự phục hồi kinh tế mà cô và nhiều người khác đã hy vọng nhìn thấy ở bãi biển Florida Pass Pass-a-Grille đang có nguy cơ biến mất.
“Mùng 4 tháng 7 và bạn có thể dễ dàng tìm vô số chỗ đỗ xe trống suốt cả ngày dài”, bà Ferenc cho hay, người sở hữu một số nhà hàng ở khu vực vịnh Tampa cũng như một khách sạn cổ điển dọc theo con đường bờ biển.
“Đó chính là 1 tín hiệu cảnh báo đầu tiên và bạn có thể quan sát rõ ràng sự sụt giảm đó, qua toàn bộ cuối tuần và thậm chí cả tuần sau đó”.
Trong quãng thời gian trước Ngày Quốc khánh, ngành du lịch đặt rất nhiều kỳ vọng vào 1 cú hích to lớn, tuy nhiên số ca mắc coronavirus mới ở Florida lại tăng ở mức đáng báo động, lần đầu tiên vượt quá 10,000 trường hợp mỗi ngày. Kể từ đó, tình hình liên tục xấu đi, đỉnh điểm vào ngày 12/7 khi Florida ghi nhận con số kỷ lục 15,299 ca nhiễm mới.
Hệ quả là ngay cả những tín hiệu tích cực từ những doanh nghiệp tiêu dùng sau khi Florida dần gỡ bỏ quy định phong tỏa cũng đang ngày 1 mờ nhạt.
Trải nghiệm của bà Ferenc- người đồng thời là chủ tịch phòng thương mại Tampa Bay, cũng chính là những trăn trở trong thời gian gần đây của các nhà kinh tế cũng như các nhà hoạch định chính sách về thực trạng hiện nay của nền kinh tế Mỹ.
Vượt qua cú sốc coronavirus ban đầu vào tháng 3 và tháng 4 nhanh hơn dự kiến, được hỗ trợ bởi các liều kích thích tài khóa và tiền tệ khổng lồ, sự phục hồi thần tốc từ suy thoái hiện đang bị đe dọa bởi sự gia tăng trở lại của các trường hợp nhiễm Covid-19 trên nhiều vùng của thuộc vành đai mặt trời (Sunbelt), bao gồm các bang đông dân như Florida, Texas và California.
Sự biến mất của động lực kinh tế đã xuất hiện trong các dữ liệu cập nhật liên quan đến việc làm, đặt chỗ nhà hàng và di chuyển. Tác động là đặc biệt rõ rệt ở các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát của đại dịch, khi người tiêu dùng một lần nữa trở nên thận trọng hơn và chính quyền tạm dừng hoặc thậm chí lùi quá trình dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động kinh tế.
Theo một phân tích dữ liệu hàng tuần do Cục điều tra dân số công bố về tác động kinh tế của coronavirus, tỷ lệ người trưởng thành ở Mỹ có việc làm đã giảm 1% từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7, sau khi đã tăng đều đặn kể từ đầu tháng 5.
Aaron Sojourner, giáo sư kinh tế tại Đại học Minnesota và là cựu thành viên của hội đồng cố vấn kinh tế tại Nhà trắng dưới thời Barack Obama, sau khi quan sát dữ liệu của cục điều tra dân số, cho rằng tình trạng của nền kinh tế vẫn vô cùng tồi tệ do sự bùng phát ngoài tầm kiểm soát của virus và thậm chí sự mất kiểm soát đang ngày gia tăng. Nếu xu hướng tiêu cực đó vẫn tiếp tục, thì nước Mỹ sẽ mất đi tất cả những gì đã đạt được trong vài tháng qua và thậm chí còn có thể chứng kiến những điều tồi tệ hơn trong tương lai.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu đây có phải chỉ là một cú vấp ngã và sự phục hồi sẽ sớm tăng tốc trở lại, hay liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến tới sự tái phát của đại dịch, điều có thể gây thiệt hại trầm trọng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ, cũng như nền kinh tế toàn cầu, những người vốn dĩ đã bị tổn thương bởi làn sóng đại dịch đầu tiên.
Những rủi ro thường trực
“Chúng tôi đã liên tục đưa ra cảnh báo rằng giải pháp cho sự phục hồi chính là sự cải thiện của tình hình sức khỏe cộng đồng. Khi tình hình sức khỏe người dân ngày một xấu đi, sự phục hồi cũng theo đó bị tạm dừng”, bà Lydia Boussour, chuyên gia kinh tế cao cấp về Hoa Kỳ tại Oxford ở New York cho biết. “Nhu cầu sẽ dần sụt giảm, và thực tế chúng ta đã thấy điều này ở một số bang. Điều đó có nghĩa là khi tính di động bị giảm sút, sản xuất cũng theo đó mà trở nên ít hơn, kéo theo những gánh nặng tài chính mới”.
Các quan chức cao cấp của Cục Dự trữ Liên bang – những người ngay từ đầu cuộc khủng hoảng covid-19 đã cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với một con đường dài và khó khăn để trở lại với trạng thái bình thường, đang liên tục bám sát những dữ liệu kinh tế mới với mối lo ngại ngày càng tăng.
Lael Brainard, một thành viên hội đồng thống đốc Fed, cho biết vào tuần trước rằng nền kinh tế Mỹ vẫn bị bao phủ trong một màn sương mù dày đặc đầy rẫy những rủi ro bất định.
“Một sự bùng phát cục bộ hay tiêu cực hơn là làn sóng lây nhiễm thứ hai đều có thể dẫn đến sự áp dụng rộng rãi của các biện pháp giãn cách xã hội- dù là bắt buộc hay tự nguyện – ít hay nhiều sẽ đe dọa xấu đến tốc độ phục hồi và thậm chí có thể dẫn đến sự sụt giảm kinh tế lần hai”, bà cảnh báo.
Robert Kaplan, chủ tịch Fed Dallas, thậm chí đã kêu gọi người Mỹ đeo khẩu trang, nói rằng việc tuân thủ hướng dẫn của các quan chức y tế Hoa Kỳ và dập tắt tốc độ lây truyền của virus sẽ là chính sách kinh tế hiệu quả hơn bất cứ biện pháp kích thích tiền tệ hay tài khóa nào.
“Việc số ca tử vong và nhập viện tại Texas đồng loạt tăng, điều đã ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Texas trong 1 vài tuần vừa qua, đang gây ra những tác động rợn gáy đối với tăng trưởng kinh tế”, ông cho hay.
Cảm giác bất an trên toàn nước Mỹ
Những chướng ngại vật khó chịu cản trợ sự phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ là vô cùng đáng lo ngại trong bối cảnh Mỹ đang cho thấy những tín hiệu tích cực đầu tiên sau đợt đóng cửa nền kinh tế.
Sau khi tháng 3 và 4 chứng kiến con số kỷ lục 22.2 triệu việc làm bị cắt giảm, Cục thống kê Lao động Hoa Kỳ ghi nhận tới 7.5 triệu việc làm mới được tạo ra trong tháng 5 và 6, trong đó tính riêng bang Florida là 503 nghìn. Chặng đường trở lại với trạng thái bình thường trước đại dịch vẫn vô cùng chông gai, nhưng những tín hiệu đầu tiên vẫn thật sự rất đáng khích lệ.
Các chỉ số khác cũng tăng trở lại 1 cách nhanh chóng, bao gồm doanh số bán lẻ, tăng 7.5% trong tháng 6 sau khi tăng 18.2% trong tháng 5, gần như lấy lại được những gì đã mất trước đó trong năm. Ngành sản xuất cũng cho thấy những sự tươi sáng, với chỉ số PMI do ISM công bố tăng lên mức 52.6 trong tháng 6, lần đầu tiên ghi nhận sự mở rộng trong lĩnh vực công nghiệp kể từ tháng 2. Nhưng nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng sự phục hồi này sẽ không bền vững và rất dễ bị đảo ngược trong những tuần và tháng tới, do hậu quả của những đợt bùng phát mới.
Tại California, bang đông dân nhất, đồng thời là 1 trụ cột kinh tế quan trọng của của Hoa Kỳ, thống đốc Gavin Newson thuộc đảng Dân chủ tuần trước đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các quán bar trên toàn bang, cùng với cái loại hình kinh doanh trong nhà như nhà hang, xưởng sản xuất rượu, rạp chiếu phim và bảo tàng.
Ngay cả ở các bang như Florida do các thống đốc đảng Cộng hòa lãnh đạo, những người vốn không sẵn lòng áp dụng các quy định hạn chế, những lo lắng đang ngày càng gia tăng về việc các rủi ro dịch bệnh lan rộng có thể làm suy yếu sự phục hồi kinh tế. Sự thận trọng đó thậm chí có thể lan rộng đến các tiểu bang và khu vực khác, bao gồm cả phía Đông Bắc, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn đầu của đại dịch và mới chỉ cho thấy những sự khởi sắc trong thời gian gần đây.
Liz Ann Sonders, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Charles Schwab, tập đoàn dịch vụ tài chính, nói rằng sự chậm lại đang được cảm nhận ngày một rõ rệt trên toàn quốc chư không chỉ riêng gì các bang Sunbelt (các bang phía Tây và Tây Nam như Florida, Arizona). “Sự gia tăng trở lại của số ca lây nhiễm Covid-19 đủ để tạo ra những nỗi sợ hãi không chỉ giới hạn ở các tiểu bang đó mà còn có thể lây lan tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên 1 quy mô rộng hơn”, cô nói. Đây chính là 1 hiệu ứng lan truyền trên toàn nước Mỹ.
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng được công bố bởi Đại học Michigan đã giảm trong tháng 7 xuống còn 73.2, đưa nó trở lại gần mức đáy tháng 4 là 71.8, đánh mất phần lớn sự hồi phục được ghi nhận trong tháng 6. Ed Bastian, giám đốc điều hành của Delta Air Lines, nói với Fox Business Network tuần trước rằng công ty của ông đã nhìn thấy sự cải thiện khá tích cực về nhu cầu đi lại cũng như doanh thu trong tháng 6 ngay cả trong lĩnh vực du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, tuy nhiên đang tỏ ra lo lắng rằng sự cải thiện đã chấm dứt. “Do sự bùng phát trở lại của virus, sự sụt giảm về nhu cầu đã kìm hãm bất kỳ sự tăng trưởng bổ sung nào của nền kinh tế”, ông nói thêm.
Đối với thị trường lao động, mối quan tâm lớn là sự dai dẳng của đại dịch sẽ dẫn đến mức tăng trưởng việc làm yếu hơn hoặc thậm chí khiến hàng triệu người mất việc làm, làm tăng nỗi lo về sự suy thoái theo phong cách những năm 1930.
Saint Louis Fed biên soạn một chỉ số việc làm tổng hợp, thu thập dữ liệu từ Homebase, một dịch vụ lập lịch và theo dõi thời gian cho các doanh nghiệp nhỏ, phần lớn khớp với dữ liệu chính thức do bộ lao động Hoa Kỳ công bố. Chỉ số đã liên tục được cải thiện kể từ khi đạt mức thấp trong tháng 4, nhưng đến cuối tháng 6, nó bắt đầu đi ngang, sau đó đang có dấu hiệu di chuyển theo chiều hướng xấu.
Bà Sonders lo lắng rằng mặc dù tỷ lệ mất việc tạm thời đang giảm trên toàn nền kinh tế, thì tỷ lệ mất việc làm vĩnh viễn vẫn đang tăng lên. “Rõ ràng, xu hướng đó không tốt 1 chút nào”, cô cảnh báo.
Tại Florida, sự gia tăng đột biến mới trong số lượng các ca nhiễm coronavirus đã buộc bà Ferenc – chủ sở hữu 1 số nhà hàng nổi tiếng ở trung tâm thành phố Tampa - phải tạm dừng các kế hoạch tuyển dụng trở lại. Bà cũng phải cân nhắc việc giảm lương và giờ làm việc cho các nhân viên bậc trung của mình, những người mà bà đã cố gắng che chở trong những giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất của đại dịch.
“Bạn bắt đầu phải tìm những cách khác nhau để cắt giảm mọi thứ, với hy vọng giữ lại việc làm cho mọi người”, bà nói.
John Newstreet, trưởng phòng Thương mại địa phương tại hạt Osceola gần Orlando, lo lắng rằng làn sóng cắt giảm việc làm có thể trở thành vĩnh viễn trong những khu vực phụ thuộc vào du lịch, tuy nhiên vẫn lạc quan rằng những ngày tồi tệ nhất đã qua, miễn là người dân có thể chung tay phòng ngừa việc nền nền kinh tế có thể bị đóng cửa trở lại. “Chúng ta nên có trách nhiệm và thận trọng khi từng bước vượt qua khó khăn. Bây giờ chúng ta chỉ cần làm việc với nhau. Hãy lịch sự với nhau và vượt qua chuyện này”, ông cho hay
Liệu Washington có tiếp tục giang tay hỗ trợ?
Sự phục hồi thần tốc sẽ củng cố sự tự tin cho Tổng thống Donald Trump, người đã đặt rất nhiều hy vọng vào 1 sự phục hồi kinh tế hình chữ V, hướng tới cuộc tái tranh cử với Joe Biden vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, những quan ngại về 1 cú sốc đối với nền kinh tế bắt nguồn từ làn sóng dịch bệnh thứ 2- hiện đang ghi nhận mức 400 nghìn ca nhiễm mới mỗi tuần, sẽ ngày càng trở nên trầm trọng nếu Washington không thể đạt được thỏa thuận về gói kích thích tài khóa bổ sung.
1 trong những nguyên nhân chính đằng sau sự phục hồi của chi tiêu tiêu dùng cũng như số việc làm mới chính là gói hỗ trợ tài khóa trị giá 3 nghìn tỷ USD được thông qua trong những tháng đầu tiên của đại dịch, bao gồm những khoản hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, những gói trợ cấp thất nghiệp và những khoản vay không hoàn lại cho các doanh nghiệp nhỏ.
Nhưng tác động của những biện pháp đó - dự định là một con đường tạm thời nhưng đắt đỏ dẫn đến những thời kỳ kinh tế tốt hơn – đang dần phai nhòa. Trong khi đảng Dân chủ đang kêu gọi sự xuất hiện của 1 gói chi tiêu trị giá 3 triệu đô la mới nhằm hỗ trợ thất nghiệp, thanh toán trực tiếp cho các hộ gia đình và cung cấp tiền cho các chính quyền bang và địa phương thiếu hụt tiền mặt, thì đảng Cộng hòa lại đang tỏ ra khá lưỡng lự, dẫn đến 1 tình trạng bế tắc có lẽ sẽ chỉ được giải quyết trong cuộc đối đầu nóng bỏng tới đây tại Quốc hội.
Một trong những điểm gây chia rẽ lớn nhất chính là số phận của khoản hỗ trợ trị giá 600 đô la mỗi tuần cho mỗi cá nhân thất nghiệp, nằm trong các khoản trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp được đưa ra trong đại dịch. Khoản hỗ trợ trên sẽ hết hạn vào cuối tháng này và những thành viên đảng Cộng hòa và Nhà Trắng muốn cắt giảm nó bởi họ tin rằng nó quá hào phóng và gây triệt tiêu động lực làm việc.
Tại khu vực Tampa, cô Ferenc, người vừa nhận được 1 khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ nằm trong gói hỗ trợ tái khóa cuối cùng, cho rằng có rất nhiều lý do hợp lý cho sự xuất hiện của 1 gói tài khóa tiếp theo, trong đó lý do quan trọng nhất chính là việc ngăn chặn 1 sự sụp đổ doanh nghiệp trên diện rộng, điều đang khiến rất nhiều nhà kinh tế học lo ngại sẽ xảy ra trong thời gian tới.
“Nếu những gói hỗ trợ mới được thông qua, người được hưởng lợi sẽ là các doanh nghiệp trong trường hợp nền kinh tế suy giảm do làn sóng thứ 2 của đại dịch”, cô nói. Tuy nhiên, niềm hi vọng lớn nhất của cô vẫn là việc bang của cô sẽ không phải đối mặt với tình trạng đóng cửa trên diện rộng, mặc dù điều đó cũng đồng nghĩa với việc những nhà hàng như cô sẽ buộc phải chấp nhận tiếp tục cắt giảm công suất hoạt động.
“Nếu chúng ta cứ liên tục lặp lại việc mở cửa và đóng cửa nền kinh tế, sẽ vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp cũng như đời sống của toàn bộ người dân".