Ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi và nỗ lực giảm bớt sự lệ thuộc vào "người anh cả" Fed
Thảo Nguyên
Junior Analyst
Mức độ chi phối của Fed lên ngân hàng trung ương tại các nước đang phát triển đã có phần giảm bớt trong chu kỳ thắt chặt lần này
Ở Mỹ và Châu Âu, các ngân hàng trung ương gần đây đã chuyển mục tiêu từ khuyến khích phục hồi kinh tế sang đẩy lùi lạm phát. Tuy nhiên, tại một số thị trường mới nổi, xu hướng này thậm chí đã diễn ra sớm hơn khá nhiều. Ngân hàng trung ương Brazil đã tăng lãi suất lên 0,75% vào tháng 3 năm 2021, sớm hơn Fed khoảng 15 tháng. Họ đã dự đoán trước được việc kích thích kinh tế ở các quốc gia phát triển có sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát, điều này sẽ làm đảo lộn thị trường tài chính và làm phức tạp hóa tình hình tại các quốc gia đang phát triển. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina, hơn một năm trước đã cảnh báo rằng lạm phát có khả năng kéo dài hơn so với dự đoán. Bà chỉ ra rằng đại dịch đã làm thay đổi cách chi tiêu của người tiêu dùng. Không ai biết xu hướng này liệu có duy trì lâu dài hay không và chính điều này khiến các công ty do dự trong việc gia tăng đầu tư để đáp ứng nhu cầu.
Ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi ngày càng nhận được sự tôn trọng trong những năm gần đây khi bộ khung chính sách tiền tệ đã được cải thiện tương đối. Theo một chỉ số mới do IMF tính toán dựa trên 225 tiêu chí, chính sách tiền tệ của các cơ quan này đã chặt chẽ, minh bạch và nhất quán hơn. Theo số liệu của World Bank, kỳ vọng lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi trong giai đoạn 2005-18 đã được duy trì ổn định như ở các quốc gia phát triển ở giai đoạn 1990-2004. Lạm phát cũng trở nên ít nhạy cảm hơn với việc tỷ giá hối đoái giảm.
Ngày càng có nhiều người cho rằng các thị trường mới nổi sẽ thành công trong cuộc chiến chống lạm phát. Các ngân hàng trung ương tại đây có thể sẽ không cần quá lo lắng mỗi khi đồng nội tệ mất giá hay lạm phát tăng vọt. Nếu làm được vậy, Họ có thể ít bị phụ thuộc vào các tác động từ bên ngoài như trong quá khứ đó là chi phí vốn (quyết định bởi Fed) và giá cả hàng hóa toàn cầu.
Mỗi khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, các thị trường mới nổi thường gặp rắc rối. Ví dụ vào năm 2013, Chủ tịch Fed khi đó là Ben Bernanke với phát ngôn về việc giảm tốc độ mua trái phiếu đã kích hoạt một đợt bán tháo lớn ở Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, mọi thứ lại khá khác biệt tại các nước phát triển. Khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương ở Anh, khu vực đồng Euro và Nhật Bản không cảm thấy áp lực buộc phải tăng lãi suất. Các cơ quan này sẽ chấp nhận việc đồng nội tệ mất giá miễn là điều này giúp nâng lạm phát lên trên mức mục tiêu một cách ổn định. Tương tự như vậy, khi giá dầu tăng, giá cả sinh hoạt cũng tăng theo. Nhưng giá tiêu dùng có thể không tăng, trừ khi mọi người yêu cầu mức lương cao hơn để chi trả dẫn đến áp lực tăng giá hơn nữa. Trong cả 2 trường hợp khi Fed thay đổi lãi suất và giá hàng hóa thay đổi, ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi có thể bỏ qua xu hướng tăng nhất thời của giá cả. Kỳ vọng lạm phát càng được duy trì ổn định, các ngân hàng trung ương càng có thêm nhiều dư địa để xoay sở trong điều hành chính sách tiền tệ.
Năm 2021 trôi qua đã khiến các thị trường mới nổi phải đương đầu với hết thử thách này đến thử thách khác. Lãi suất toàn cầu đã tăng với kỳ vọng tốc độ thắt chặt của Fed sẽ nhanh hơn. Các nền kinh tế mới nổi phải gánh chịu những đợt tăng mạnh của giá thực phẩm và nhiên liệu. Theo World Bank, thực phẩm và năng lượng chiếm hơn 60% chỉ số giá tiêu dùng của Nam Á.
Một số ngân hàng trung ương đã đoán trước được xu hướng tăng của giá thực phẩm và nhiên liệu. Ví dụ như ngân hàng trung ương Thái Lan khi đã không có động thái trước sự tăng cao của lạm phát. Cơ quan này khẳng định rằng kỳ vọng lạm phát trung hạn vẫn được kiểm soát tốt và muốn tiếp tục hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên một số thị trường mới nổi khác, như Mexico và Brazil, cảm thấy áp lực buộc phải tăng mạnh lãi suất trước khi nền kinh tế của họ phục hồi hoàn toàn. Lucila Bonilla và Gabriel Sterne của Oxford Economics chỉ ra rằng các nước này phản ứng nhanh hơn so với các đối tác có nền kinh tế phát triển hơn. Động thái này gần như bắt buộc đối với họ do phải theo kịp với sự gia tăng của kỳ vọng lạm phát.
Theo Andrew Tilton cùng một số đồng nghiệp tại Goldman Sachs, mức độ chi phối của Fed lên các thị trường mới nổi đã giảm bớt trong chu kỳ thắt chặt lần này. Một trong những lý do có thể là nguồn vốn nước ngoài đã bị rút dần bớt trong thời gian đại dịch. Ngoài ra, một số các quốc gia tại Mỹ Latin, vốn dễ bị tổn thương bởi xu hướng thắt chặt của Fed trước đây, là những nhà xuất khẩu hàng hóa lớn và đang được hưởng lợi từ xu hướng tăng của giá cả.
Mặc dù vậy, chu kỳ thắt chặt của Fed sẽ chưa thể kết thúc trong tương lai gần và lạm phát tại các thị trường mới nổi có thể sẽ nhạy cảm hơn với sự sụt giảm của đồng nội tệ. David Lubin của Citigroup cho biết:" Điều này giống như thêm dầu vào lửa, việc đồng nội tệ mất giá có thể không đủ sức kích hoạt lạm phát, nhưng một khi lạm phát đã trở nên nóng hơn thì một đồng nội tệ yếu sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn."
Mọi chuyện vẫn sẽ phải phụ thuộc vào khả năng phục hồi uy tín của Fed về khả năng kiềm chế lạm phát tại Mỹ. Việc Fed càng mạnh tay hơn đồng nghĩa với áp lực sẽ ngày một tăng cao đối NHTW tại các thị trường mới nổi. Năm 2022 hưa hẹn sẽ là một phép thử quan trọng đối với không chỉ NHTW tại các nước đang phát triển mà còn đối với chính cả "ông lớn" Fed về uy tín trong việc kiểm soát lạm phát.
The Economist