Nhận định của Bloomberg Economics về cuộc họp ECB sắp diễn ra
Tùng Trịnh
CEO
Tăng quy mô các gói QE và cân đối lại tỷ lệ đóng góp ngân sách của các nước thành viên có thể sẽ là quyết định của hội đồng quản trị ECB trong cuộc họp hôm nay
Nguy cơ về cuộc suy thoái sâu
Khả năng suy thoái sâu của khu vực đồng Euro đã trở nên rõ ràng hơn kể từ cuộc họp gần đây của ECB ngày 18/3. Chủ tịch Christine Lagarde trước ngày họp đã thông báo với các bộ trưởng tài chính Châu Âu rằng GDP của khu vực có thể sẽ giảm 2% trong năm nay nếu chính sách phong toả do virus gây ra kéo dài trong một tháng, và 5% nếu kéo dài 3 tháng.
Nhưng dự báo đó giờ đây có vẻ đã không còn tính thời sự, khi bà Largarde tuần trước đã nói với các nhà lãnh đạo EU rằng: ở kịch bản cơ sở, nền kinh tế châu Âu có thể thu hẹp 9% trong năm nay, và nếu mọi chuyện đi theo hướng cực đoan hơn, con số 15% có thể xảy ra. Bloomberg Economics dự kiến sự thu hẹp của các hoạt động kinh tế có thể lên tới 8.1%.
Ngăn chặn khủng hoảng nợ chính phủ
Quy mô của cuộc suy thoái chưa phải là mốt bận tâm duy nhất của ECB lúc này. Bên cạnh đó, cơn bão kinh tế còn đang đe dọa sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nợ chính phủ ở Ý. Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Ý và Đức đã tăng thêm khoảng 100 điểm cơ bản kể từ giữa tháng Hai. Ngay cả khi ECB đã mua vào gần 100 tỷ euro trái phiếu trong chương trình QE khẩn cấp (PEPP) nhằm đối phó với tác động kinh tế từ đại dịch.
Hành động quyết liệt
Bloomberg Economics kỳ vọng quy mô của gói PEPP sẽ tăng thêm 1/3 và lên tới 1000 tỷ Euro. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF ước tính phát hành trái phiếu chính phủ ròng cho năm 2020 tại khu vực Châu Âu sẽ lên tới khoảng 820 tỷ Euro. Tăng kích thước PEPP để hấp thụ tất cả lượng trái phiếu được phát hành sẽ là một cách để duy trì những quy tắc tài chính lỏng lẻo trong liên minh tiền tệ này.
Mặc dù ECB dường như không bao giờ tạo ra sự liên kết rõ ràng giữa quy mô mua tài sản với quy mô thâm hụt ngân sách, nhưng sử dụng QE làm công cụ để đảm bảo hoạt động trơn tru của thị trường trái phiếu là biện pháp khá nhất quán đối với các nhà làm luật. “Các khoản mua ròng bổ sung sẽ hỗ trợ việc truyền tải chính sách đến phần cuối của đường cong lợi suất phi rủi ro và cung cấp một số hình thức hỗ trợ cho thị trường trái phiếu công và trái phiếu doanh nghiệp”.
Những người phản đối chính sách trên dường nhưng không nhiều. Ngay cả một trong những thành viên “diều hâu” nhất của Hội đồng Quản trị ECB - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan Klaas Knob - cho biết ECB phải có quan điểm cởi mở về chính sách tăng quy mô mua tài sản.
Để tăng hiệu quả của việc mua trái phiếu, chúng tôi hy vọng Hội đồng quản trị ECB hiểu rằng danh mục đầu tư PEPP sẽ không sớm được tái cân bằng theo tỷ lệ đóng góp vào ngân quỹ của các nước thành viên. Họ có thể tiến thêm một bước bằng cách chỉ định một khoảng thời gian dài hoặc chỉ ra sự phụ thuộc vào điều kiện thị trường.
Sau sự cố chênh lệch lợi suất trái phiếu trong cuộc họp lần trước, chúng tôi kỳ vọng chủ tịch Lagarde hôm nay sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ hơn. Bà chắc chắn sẽ nhắc lại rằng ECB sẽ sử dụng tất cả các công cụ có thể để duy trì sự ổn định của liên minh tiền tệ và đảm bảo việc truyền tải chính sách tiền tệ - một lời nhắc nhở ngầm rằng ECB kiểm soát và sẽ không cho phép lợi suất trái phiếu của Ý tăng quá cao.
Biên bản từ các cuộc họp tháng trước cũng nhắc tới việc quyết định hạ lãi suất tiền gửi sẽ không xảy ra sớm. Hội đồng quản trị ECB dường như ủng hộ việc tăng quy mô của các chương trình mua tài sản hơn là thay đổi chính sách lãi suất hiện tại. Cuộc họp ngày 18/3 thậm chí còn chẳng có câu nào nhắc đến từ “tiền gửi”. Tuy nhiên, lập trường đó có thể sẽ thay đổi nếu cú shock kinh tế tiếp tục gia tăng và kéo dài.