NHTW Nhật Bản sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ như thế nào?
Thảo Nguyên
Junior Analyst
Sự tụt dốc không phanh của đồng JPY so với USD đã buộc NHTW Nhật Bản phải can thiệp để hỗ trợ cho đồng nội tệ lần đầu tiên kể từ năm 1998
Thị trường đã liên tục suy đoán rằng chính phủ Nhật Bản sẽ can thiệp để ổn định thị trường tiền tệ vì trong năm nay khi đồng Yên lao dốc và giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đô la Mỹ. Vào giữa tháng 9, Bank of Japan (BOJ) được cho là đã tiến hành rà soát tỷ giá - một động thái tiền đề cho một cuộc can thiệp chính thức. Vài ngày sau, BOJ đã thực hiện điều này, đánh dấu lần đầu tiên hỗ trợ đồng yên kể từ năm 1998. Với một quốc gia từ lâu đã bị các đối tác thương mại chỉ trích vì khuyến khích duy trì đồng yên yếu để mang lại lợi thế thương mại như Nhật Bản thì đây là động thái rất bất thường.
1. Điều gì đã kích hoạt động thái từ BoJ?
Việc suy đoán về một mức mất giá nhất định của đồng yên buộc chính phủ phải can thiệp là khá mơ hồ. Vào ngày 22 tháng 9, chính phủ đã can thiệp sau khi đồng yên phá vỡ mức 145 JPY đổi 1 USD và tiếp tục giảm sau quyết định của BoJ về việc duy trì tỷ giá siêu thấp. Lần cuối cùng Nhật Bản kết hợp với Hoa Kỳ để hỗ trợ đồng Yên là trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, khi đó USD/JPY tăng lên khoảng 146.78 đô la. Thứ trưởng bộ tài chính Nhật Bản - Masato Kanda, người đã công bố về sự can thiệp của BoJ vào tháng 9 vừa rồi, đã mô tả động thái trên thị trường tiền tệ là đột ngột và phiến diện.
2. Rà soát tỷ giá là gì?
Trước đây, BoJ thực hiện cuộc gọi tới các nhà giao dịch để hỏi về giá chào của đồng JPY so với USD. Điều này giúp họ có được giá giao dịch thực tế và được coi là một lời cảnh báo cho các nhà giao dịch tránh đặt cược một chiều. Họ thường làm như vậy khi biến động gia tăng và các cảnh báo bằng từ nhà điều hành không mang lại tác dụng như mong muốn. Trước giữa tháng 9, lần rà soát tỷ giá được báo cáo gần đây nhất là vào năm 2016 khi đồng yên tăng giá. Đồng Yên tăng giá bất chấp và dừng lại sau khi hàng loạt các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và BoJ đưa ra chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) - một chiến lược được thực hiện nhằm mục đích giữ cho lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức cố định.
3. Ai sẽ quyết định động thái can thiệp?
Bộ trưởng Tài chính là người quyết định có can thiệp vào thị trường hay không và BoJ sẽ thực hiện động thái mua hay bán. Bước đầu tiên là đưa ra một loạt các cảnh báo bằng lời nói. Nếu họ nói rằng chính phủ không loại trừ bất kỳ khả năng nào và luôn sẵn sàng để hành động, thì điều đó có nghĩa thị trường cần chuẩn bị tối đa cho một kịch bản can thiệp.
4. Tiền can thiệp sẽ đến từ đâu?
Nguồn lực được dùng để hỗ trợ cho đồng yên sẽ đến từ dự trữ ngoại hối của Nhật Bản, do đó dư địa của biện pháp này cũng sẽ có hạn. Vào cuối tháng 8, Nhật Bản có 1.17 nghìn tỷ đô la - nhiều hơn so với thời điểm can thiệp vào tháng 4 năm 1998. Mức này gấp 2.4 lần giá trị giao dịch hằng ngày của thị trường tiền tệ Tokyo, so với mức 1.4 lần vào năm 1998. Tuy nhiên, việc thực hiện lần này có thể sẽ khó khăn hơn do áp lực sẽ còn tới từ xu hướng mạnh lên của đồng USD.
5. Việc can thiệp có phải là một phương án hợp lý?
Mặc dù việc can thiệp gửi thông điệp tới các nhà đầu cơ rằng chính phủ sẽ không cho phép đồng Yên rơi tự do, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời trừ khi các yếu tố kinh tế căn bản xoay chiều. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối nhằm mục đích bảo vệ nền kinh tế trong trường hợp xảy ra một cú sốc tài chính hoặc sự kiện bất ngờ chứ không phải để can thiệp vào thị trường ngoại hối.
6. Có phải Nhật Bản là quốc gia duy nhất thực hiện điều này?
Rất có thể. Nhóm G7 (nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới) đã từng hỗ trợ sự can thiệp của Nhật Bản sau trận sóng thần năm 2011 và trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, nhưng hiện tại mọi thứ đã thay đổi. Việc các quốc gia thiết lập hoặc ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của nhau hiện tại đều không được ủng hộ. Sự suy yếu hiện tại của đồng Yên là do việc tiếp tục kích thích tiền tệ của BoJ và hành động tăng lãi suất của Fed.
Bloomberg