Những mối đe dọa ngầm đối với sự độc lập của các ngân hàng trung ương.
Trần Minh Khoa
Junior Analyst
Việc can thiệp vào các chính trị gia giờ phần lớn đã rơi vào quá khứ, thế nhưng đó là chưa đủ để có thể tự mãn
Vào năm 1971, Tổng thống Richard Nixon đã khuyên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Arthur Burns, nên thuyết phục những người còn lại trong ủy ban thị trường mở cắt giảm lãi suất. Sau cùng, ngân hàng trung ương nước này cũng đã tuân theo, và chính việc cắt giảm đó đã giúp Nixon tái đắc cử khi tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tuy nhiên, chúng cũng lại góp phần gây ra lạm phát hai con số mà đã chỉ có thể được kiểm soát một cách dứt khoát khi Paul Volcker lên điều hành Fed vào những năm 1980.
Vào ngày 14 tháng 12 vừa rồi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE) cũng đã theo chân Fed ngay sau đó và nâng mức lãi suất vào ngày 15/12. Các nhà kỹ trị đã trải qua nhiều thập kỷ kể từ khi Burns làm cho việc can thiệp giống như Nixon trở nên khó khăn hơn. Vào năm 2020, có hơn 150 ngân hàng trung ương được phân loại là độc lập theo như Ngân hàng Trung ương Anh — con số đó cao hơn vào những năm 1970 là khoảng 90 ngân hàng. Quyền tự chủ của ECB thì đã được đảm bảo bởi những hiệp ước. Tổng thống Donald Trump cũng đã từng chỉ trích Jerome Powell vì đã tăng lãi suất vào năm 2018. Điều đó đã cho thấy được sự lạc hậu và bất lực của vị cựu tổng thống Mỹ. Trái lại thì năm nay, Fed lại nhận được sự ủng hộ mãnh liệt từ Tổng thống Joe Biden. Ngoài ra, một số những nhà chính trị gia trong Đảng Bảo thủ ở Anh thậm chí còn lập luận rằng BoE đã không tăng lãi suất đủ.
Do đó mà ngày nay, sẽ rất khó để có thể nói rằng các ngân hàng trung ương có thể bị buộc phải ngừng cuộc chiến chống lạm phát. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu cho rằng chính sách tiền tệ sẽ hoàn toàn tách biệt với chính trị. Lí do là vì có những thế lực đe dọa sự độc lập của các ngân hàng trung ương theo những cách hiện đại và rất tinh vi.
Thứ nhất, các ngân hàng trung ương bây giờ đã ít cứng rắn hơn và sẵn sàng chiều theo số đông hơn. Trong thời kỳ ông Volcker cầm lái Fed, các nhà kinh tế suy đoán rằng các ngân hàng trung ương độc lập có thể làm việc hiệu quả nhất nếu họ giữ cho quan điểm “diều hâu” về lạm phát mạnh hơn so với toàn xã hội. Theo thời gian, họ đã ít quan tâm hơn về sức ảnh hưởng của việc điều chỉnh lạm phát lên nền kinh tế. Thay vào đó, mục tiêu lạm phát “linh hoạt”, mà có tính đến cả việc làm, đang dần được quan tâm nhiều hơn. Trong năm 2020 thì mức độ quan tâm của các ngân hàng trung ương về công ăn việc làm là rất cao. Fed cho biết họ sẽ không tăng lãi suất cho đến khi thị trường lao động đã được thắt chặt, một cách tiếp cận khiến nó trôi dạt trong vô vọng khi lạm phát gia tăng. Các quan chức hàng đầu của Fed cũng đã tham gia một chuyến họp báo mang tên “Fed listens”, cuộc họp báo với công chúng mà thông qua đó các nhà hoạch định chính sách có thể nhận biết được chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mọi người như thế nào. Tại đó, công chúng, vốn đã không gặp nhiều rắc rối nghiêm trọng liên quan đến lạm phát trong nhiều thập kỷ, đã nói với rằng thúc đẩy việc làm nên là ưu tiên hàng đầu. Những người ủng hộ quy trách nhiệm trực tiếp cho các ngân hàng trung ương quên rằng mong muốn bóp méo chính sách tiền tệ của các chính trị gia xuất phát từ việc lắng nghe những gì các cử tri muốn.
Các ngân hàng trung ương cần cả độc lập với công chúng cũng như độc lập với các đại diện được bầu của họ. Nhưng họ lại dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc họp báo và phát biểu. Hiện tại, ông Powell và các đồng nghiệp đang cố nói với công chúng rằng việc ổn định giá cả dài hạn chính là nền tảng của sự thịnh vượng. Nhưng quyết tâm của họ vẫn chưa được thử thách bởi một cuộc suy thoái có thể gây ra một hệ quả tai hại như những gì ông Volcker đã phải chứng kiến. Chỉ sau khi trải qua điều đó thì người ta mới biết được liệu các ngân hàng trung ương coi công việc của họ là lãnh đạo hay lắng nghe.
Mối đe dọa thứ hai bắt nguồn từ công cụ mà các ngân hàng trung ương đã phát triển kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009: nới lỏng định lượng (hoặc mua trái phiếu chính phủ bằng tiền mới được tạo ra). Trong thập kỷ vừa rồi, Fed thì đã trở thành một nhân tố quan trọng trên thị trường trái phiếu khi họ đã cố gắng giữ lãi suất dài hạn ở mức thấp. Ngoài ra, họ cũng thỉnh thoảng giải quyết các cuộc khủng hoảng tài chính bằng cách mua trái phiếu để lấy lại bình tĩnh - một công việc mà đang ngày càng trở nên quan trọng hơn do sự gia tăng của các bên trung gian tài chính nằm ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống. Tốc độ mở rộng của bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương đã luôn cao hơn trong các cuộc khủng hoảng so với tốc độ thu hẹp trong các giai đoạn thắt chặt. Ví dụ là với tốc độ thắt chặt định lượng ngày nay, sẽ mất mười năm để bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Trung ương Anh có thể trở lại quy mô như trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính.
Khi sức ảnh hưởng của các ngân hàng trung ương trên thị trường ngày càng lớn, họ sẽ đưa ra nhiều quyết định mà sau cùng lại mang nhiều bản chất chính trị hơn. Bảng cân đối kế toán của ECB, trên thực tế đã trở thành nơi hợp thức hóa việc san sẻ một số khoản nợ của Ý. Ngân hàng trung ương này vẫn chưa bắt đầu thắt chặt định lượng, nhưng họ đã tiết lộ một công cụ khác trên thị trường trái phiếu để hỗ trợ các quốc gia mắc nợ. Fed thì đang phải đối mặt với những cáo buộc rằng sự hỗ trợ của họ đối với thị trường nợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 là có lợi cho các công ty lớn hơn so với các công ty nhỏ hơn mà phụ thuộc vào khoản vay của ngân hàng. Phần lớn mức tăng trong chi phí trả nợ của Anh năm nay đã chảy qua Ngân hàng Trung ương Anh, và ngân hàng này phải trả lãi cho các khoản dự trữ mà họ đã tạo nên thông qua thắt chặt định lượng. Một sứ mệnh không hồi kết đã được đặt lên lưng của các ngân hàng trung ương. Một số người muốn các ngân hàng trung ương làm nhiều hơn nữa bằng cách triển khai bảng cân đối kế toán của họ để theo đuổi một loạt mục tiêu, bao gồm cả việc trợ cấp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Mối đe dọa cuối cùng bắt nguồn từ chi tiêu của chính phủ. Nhiều mô hình nói rằng khả năng kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương phụ thuộc vào tình hình tài chính công lành mạnh, điều mà Eric Leeper của Đại học Virginia đã gọi là “bí mật nhỏ bẩn thỉu” của nghề này. Nếu lượng vay mượn của các chính phủ không có giới hạn, uy tín của chính sách tiền tệ sẽ giảm xuống rất nhiều. Tất cả những gì cần thiết để tạo ra kỳ vọng lạm phát là niềm tin rằng một ngày nào đó chính phủ sẽ in thêm tiền để trả cho một số khoản nợ của mình. Do đó, các ngân hàng trung ương nên lo lắng nhìn vào xu hướng vay mượn và chi tiêu ngày càng tăng của các chính phủ, ví dụ như việc trợ cấp năng lượng khổng lồ ở châu Âu. Họ cũng nên lo sợ áp lực nặng nề đối với ngân sách được dự báo trong những thập kỷ tới khi dân số già hóa sẽ đẩy mạnh chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và lương hưu. Các chính trị gia ngày nay đang ở một vị thế rất khác so với Nixon. Tuy nhiên, sự độc lập của chính sách tiền tệ với chính trị thì có vẻ đang lung lay.
The Economist