Peter Schiff: Có quá nhiều tiền đuổi theo quá ít hàng hóa
Đức Nguyễn
FX Strategist
Điều gì xảy ra khi ta có một lượng tiền vô hạn trên thị trường với lượng hàng hóa có hạn? Peter Schiff đưa ra nhận định của mình về nguồn cung tiền và lạm phát, và lý do tại sao một tháng CPI thấp hơn dự báo không có nghĩa lạm phát chỉ là tạm thời.
Lần đầu tiên trong chín tháng, số liệu CPI tại Mỹ thấp hơn kỳ vọng khi chỉ tăng 0.3% MoM trong tháng Tám, thấp hơn dự báo ban đầu 0.4%. Theo năm, CPI tăng 5.3%. Lạm phát lõi, bỏ qua giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0.1% MoM (4% YoY).
Trong podcast gần đây, Peter Schiff đã đi sâu hơn vào những con số này và giải thích tại sao một tháng thấp hơn dự báo không có nghĩa lạm phát sẽ là tạm thời. Ông cũng đào sâu vào gốc rễ của giá cả leo thang - có quá nhiều tiền nhưng quá ít thứ để mua. Với tình hình chính sách hiện tại, điều này sẽ còn kéo dài.
Với việc CPI tăng 0.3%, nhiều người nhẹ nhõm vì lần đầu tiên sau rất lâu ta mới ghi nhận lạm phát thấp hơn dự báo ban đầu. Trong suy nghĩ của một số, điều này còn chứng minh luận điểm lạm phát tạm thời của Fed. Tuy nhiên, theo Peter, một tháng không nói lên gì cả.
“Thứ nhất, 0.3% trong tháng này vẫn là một áp lực giá lớn. Vì theo năm, 0.3% này cũng là khoảng 4%. Và giả sử trong một năm tới, ta cũng ghi nhận con số “tốt” này, giá cả tiêu dùng sẽ tăng tới 4%, gấp đôi mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Do vậy, con số này không thực sự tốt.”
Hơn nữa, nếu nhìn vào mức tăng từ đầu năm tới giờ, CPI đã tăng tới 6.3%, gấp ba lần mục tiêu của Fed.
“Tôi không hiểu sao nhiều người lại thấy nhẹ nhõm khi số liệu không tệ như ta nghĩ chỉ trong một tháng - nếu là tôi, tôi sẽ không phấn khích và đi làm văn tế tiễn biệt lạm phát.”
Peter cho rằng CPI chưa phản ánh hoàn toàn chi phí thuê nhà. Chi phí thuê tương đương của chủ sở hữu chỉ tăng 0.2%, nhưng báo cáo của mảng tư nhân toàn quốc lại ghi nhận chi phí thuê mặt bằng tăng hai chữ số trong năm 2021. Trong khi đó, giá nhà ở cũng tăng khoảng 20%. Theo Peter, báo cáo CPI đang bóp méo sự thật rất nhiều.
“Thật vớ vẩn khi chính phủ nói rằng chi phí nhà ở chỉ tăng 2-3% YoY. Và điều này đang làm CPI thấp hơn thực tế vì khoản này chiếm tỷ trọng rất lớn. Nhà ở chiếm tới 1/3 CPI. Và phần ba này đang thấp hơn thực tế nếu ta sử dụng giá nhà mà mọi người đang phải trả.”
Khi nhìn rộng ra toàn cảnh lạm phát, CPI tiếp tục thấp hơn PPI. PPI đã tăng 10.5% YoY, cao hơn CPI tới 4%. Peter cho rằng sự khác biệt lớn như vậy không có gì tốt đẹp cho người tiêu dùng.
Thị trường tiếp tục đổ lỗi việc giá cả leo thang cho sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Theo Peter, vấn đề thiếu hụt trong nhiều khối ngành như vậy cho thấy một câu chuyện khác:
“Tại sao cái gì cũng thiếu? Bởi vì cái gì cũng thiếu khi ta in quá nhiều tiền. Lúc này, vấn đề là thừa tiền, chứ không phải thiếu thứ để mua.”
Trong một nền kinh tế bình thường, nhu cầu đến từ nguồn cung. Mọi người làm việc, tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho nền kinh tế. Khi ta được trả thù lao, ta có thể mua những sản phẩm và dịch vụ mà ta đã tạo ra. Trong 18 tháng gần đây, rất nhiều người lại không làm việc. Họ không cống hiến gì cho rổ sản phẩm và dịch vụ. Nhưng chính phủ không ngừng in tiền và bơm ra thị trường, khiến những người này vẫn có thể chi tiêu, dù không cống hiến gì cả.
“Điều rõ ràng là sẽ không có đủ đồ để bán, nhất là khi có hàng triệu người không chịu bỏ gì vào rổ nhưng vẫn muốn lấy ra. Và đương nhiên là giá cả sẽ leo thang. Đó là cách thị trường điều chỉnh khi cầu tăng nhưng cung giảm. Ta phải chia nguồn cung hạn hẹp này với mức giá cao hơn. Nếu cái gì cũng có đi có lại, người tiêu dùng cũng là người sản xuất, điều này đã không xảy ra.”
Như Milton Friedman từng nói “lạm phát luôn luôn, và ở mọi nơi, là một hiện tượng tiền tệ.” Tăng nguồn cung tiền đồng nghĩa với việc có nhiều tiền hơn, nhưng cũng chỉ có bằng đấy thứ để mua. Kết quả là giá tăng. Chuyên gia kinh tế Daniel Lacalle cũng cho rằng “khi nguồn cung tiền tăng đổ vào tài sản khan hiếm, dù là bất động sản hay nguyên liệu thô, sức mua của tiền luôn giảm.” Ta sẽ không bao giờ có được nguồn cung vô tận.
“Đây là lý do tại sao trọng tâm của phát triển kinh tế là đẩy mạnh sản xuất. Bằng đầu tư vốn và tiết kiệm, ta có thể có nhiều thứ hơn. Ta không thể chỉ tập trung vào nhu cầu. Ta không thể cứ thế in tiền và phân phát rồi bỗng dưng bất ngờ rằng sao không có gì để mua - vì ta không làm ra cái gì để mua cả. Nếu thực tế dễ đến vậy, nếu tất cả những gì ta cần làm là in tiền, thì Zimbabwe đã là một phép màu kinh tế.”
Và rồi, với nguồn cung tiền tăng kỷ lục như thế, không ai lại nghĩ đến việc nó chính là tác nhân chính của việc giá cả leo thang.
“Tại sao có những người có thể nói về lạm phát mà quên đi vấn đề lớn đang ở ngay trước mặt: lượng tiền khổng lồ đang được in ra? Rõ ràng là họ không muốn đi tìm gốc rễ của vấn đề.”
Zero Hedge