Phải chăng chiến thắng của Trump sẽ mở đường cho kỷ nguyên giảm phát ở Mỹ?
Ngọc Lan
Junior Editor
Những chính sách như cắt giảm thuế, đẩy mạnh quân sự, tăng thuế nhập khẩu, trục xuất quy mô lớn và can thiệp tiền tệ dường như đi ngược lại các nguyên tắc kinh điển về kiểm soát lạm phát. Thế nhưng, viễn cảnh Donald Trump tái đắc cử cùng với việc đảng Cộng hòa nắm trọn quyền kiểm soát Quốc hội có thể mang đến một kết quả bất ngờ khi tốc độ tăng giá thậm chí còn chậm hơn so với kịch bản đảng Dân chủ giữ vững lập trường và giành chiến thắng vào tháng 11.
Dù không thể phủ nhận rằng chương trình nghị sự của Trump sẽ tạo áp lực lạm phát trong ngắn hạn, song một số chính sách trọng điểm lại có tiềm năng kìm hãm chi tiêu và giá cả. Đáng chú ý hơn, ngay cả khi tác động tức thời của cuộc bầu cử 2024 gây ra lạm phát như nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, hệ quả chính trị dài hạn có thể dẫn đến một thời kỳ lạm phát thấp kéo dài nhiều thập kỷ.
Hãy xem xét về thuế quan. Bản chất của việc áp thuế nhập khẩu là nhằm đẩy giá hàng ngoại lên cao, buộc người tiêu dùng Mỹ phải chuyển sang ưu tiên dùng hàng nội địa. Điều này có thể châm ngòi cho lạm phát theo hai hướng, một là trực tiếp qua việc tăng giá hàng nhập khẩu và hai là gián tiếp qua việc thúc đẩy lương và việc làm trong ngành sản xuất nội địa. Tuy nhiên, thuế quan cũng có thể phát huy tác dụng ngược lại. Trong trường hợp các nhà phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng Mỹ vẫn kiên định với hàng ngoại và tự gánh chịu phần thuế hải quan, chính sách này sẽ có tác dụng tương tự như tăng thuế, là làm suy giảm sức mua. Khi đó, chúng ta chỉ chứng kiến một đợt tăng giá đơn lẻ chứ không phải xu hướng lạm phát dai dẳng.
Có lẽ, với tham vọng thu hẹp thâm hụt ngân sách được ứng viên Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đề ra, việc kiềm chế tiêu dùng dài hạn thậm chí là một mục tiêu chính sách có chủ đích. (Một mức thuế nhập khẩu 20% trên toàn bộ hàng hóa sẽ tương đương với việc tăng thuế khoảng 2% GDP.) Mặt khác, nếu thuế quan nâng cao sức hấp dẫn của Mỹ như một điểm đến đầu tư, đồng USD mạnh lên có thể kiểm soát được giá nhập khẩu, dù điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ. Thực tế này đã được chứng minh trong giai đoạn 2018 - 2019 khi nguồn thu hải quan tăng cao, ngành sản xuất Mỹ chịu tổn thất, nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát.
Kế hoạch trục xuất quy mô lớn mà chính quyền Trump cam kết thực hiện sẽ gây xáo trộn nghiêm trọng hơn nhiều so với bất kỳ chính sách thuế quan nào, khiến nhiều chuyên gia dự đoán về một làn sóng lạm phát mới. Bên cạnh khoản chi phí khổng lồ để triển khai, chính sách này còn tác động trực tiếp đến chi phí nhân công và nguồn cung lao động trên thị trường.
Dù rõ ràng việc trục xuất sẽ làm suy giảm cả sản lượng thực tế lẫn đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, những tác động dài hạn đến lạm phát lại không đơn giản để dự đoán. Chính sách này không chỉ thu hẹp quy mô lực lượng lao động và thị trường tiêu dùng, mà còn tạo ra hiệu ứng tích lũy theo thời gian - khi tốc độ tăng dân số chậm lại sẽ làm giảm sức hấp dẫn đầu tư kinh doanh. Đáng chú ý, một số quan chức Fed đã nhận định rằng, khác với việc tăng thuế quan đơn lẻ, những cú sốc nguồn cung kéo dài kiểu này không nên được đối phó bằng cách nâng giá.
Ngay cả khi chương trình nghị sự của Trump có thể đẩy lạm phát lên cao trong những năm tới, vẫn tồn tại một lý lẽ thuyết phục cho rằng chiến thắng của ông có thể dẫn đến lạm phát thấp hơn trong dài hạn khi các chính trị gia sẽ trở nên thận trọng hơn trong việc ứng phó với các đợt suy thoái tương lai, bởi nỗi lo sợ phản ứng dữ dội từ cử tri. Kết quả thăm dò sau bầu cử cho thấy "kinh tế" và "dân chủ" là hai mối quan tâm hàng đầu của cử tri, với Trump thu hút được 80% phiếu bầu từ những người đặt ưu tiên cho "kinh tế".
Thực tế cho thấy chi tiêu tiêu dùng đã vượt xa mức trước đại dịch, tài sản ròng của các hộ gia đình duy trì ở ngưỡng cao so với chi tiêu, và tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt đỉnh nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là 68% cử tri vẫn đánh giá nền kinh tế ở mức "không tốt" hoặc "kém" - phản ánh nỗi lo lắng sâu sắc về lạm phát.
Mặc dù lạm phát và làn sóng phản đối người đương nhiệm là hiện tượng toàn cầu, song việc đảng Dân chủ bị gắn liền với những chính sách mà phe đối lập có thể chỉ trích là nguyên nhân làm tình hình xấu đi, chắc chắn không có lợi cho họ. Bên cạnh định hướng vĩ mô ưu tiên việc làm và tăng trưởng nhanh, chính quyền Biden còn chủ động đặt lợi ích của công đoàn và các nhóm môi trường lên trên quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trải nghiệm cay đắng này có thể khiến đảng Dân chủ phải điều chỉnh mạnh mẽ để lấy lại niềm tin từ cử tri trong nhiệm kỳ tới, với trọng tâm là kiềm chế lạm phát thay vì thúc đẩy tăng trưởng.
Giữa ma trận những tín hiệu đan xen và mâu thuẫn, thật khó để nắm bắt chính xác ưu tiên của chính quyền Trump. Tuy nhiên, những chính trị gia đảng Cộng hòa sẽ không thể không nhận thức được những rủi ro chính trị từ lạm phát và lo ngại phải đối mặt với một kịch bản tương tự năm 2024. Đặc biệt khi chính Trump đã cam kết đánh bại lạm phát trong bài phát biểu nhậm chức. Có lẽ, một kỷ nguyên giảm phát sẽ quay trở lại theo cách không ai ngờ tới.
Financial Times