Phân tích chuyên sâu của JPMorgan về triển vọng kinh tế Việt Nam quý 2/2020
Việt Nam đã đạt được thành công nhất định trong cuộc chiến chống COVID-19, các hoạt động kinh tế xã hội đang dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, dẫn đến sự ngưng trệ trong xuất khẩu và sản xuất. Trong khi đó, triển vọng lạm phát là không rõ ràng bởi trong khi giá lương thực tăng đột biến do Covid-19 thì giá nhóm hàng năng lượng lại giảm xuống.
Những thành tựu nhất định trong công tác kiểm soát đại dịch Covid-19 đã giúp chính phủ Việt Nam dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội áp dụng đầu tháng 4, chỉ số đo lường tần suất các hoạt động dân sinh đã dần trở lại mức bình thường. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, sự hồi phục chậm chạp trong nhu cầu chung của thế giới sẽ gây ảnh hưởng ngắn hạn đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Các gói cứu trợ tài khóa và tiền tệ sẽ giúp giảm các cú sốc mà Covid-19 gây ra, và chúng tôi kỳ vọng rằng giá trị đồng nội tệ của Việt Nam sẽ duy trì ổn định.
Việt Nam khá thành công trong chiến dịch ngăn chặn Covid-19
Tốc độ lây nhiễm trung bình của Covid-19 tại Việt Nam trong tháng 5 là hai ca mỗi ngày. Nếu tính tỉ lệ số ca nhiễm trên tổng dân số, Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực Asean (Hình 1). Hầu hết các ca nhiễm mới đến từ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.
Số ca nhiễm mới bắt đầu ổn định kể từ giữa tháng 4, các hoạt động trong nước đang dần bình thường trở lại do chính phủ bắt đầu nới lỏng các quy định giãn cách xã hội. Theo nghiên cứu của Đại học Oxford, chỉ số phản ứng nghiêm ngặt của Chính phủ đã đạt đỉnh vào đầu tháng Tư, và hiện đã dần giảm xuống, vì các biện pháp cách ly và tạm dừng hoạt động tại các thành phố lớn đã được dỡ bỏ từ cuối tháng Tư. Dữ liệu thu thập được cũng cho thấy tần suất các hoạt động dân sinh cơ bản (bán lẻ, lái xe) đã tăng lên từ cuối tháng 4 (Hình 2). Việt Nam đã thành công tương đối trong việc ngăn chặn virus, giúp các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, đây là yếu tố quan trọng góp phần phục hồi hoạt động dịch vụ trong nước vào cuối quý 2.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn đang chao đảo bởi Covid-19
Với tỷ lệ xuất khẩu trên GDP khá cao (105.8%), tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thế giới. Chúng tôi cho rằng sự sụt giảm mạnh của GDP toàn cầu trong năm nay sẽ có khả năng làm trì trệ một cách đáng kể các hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam đến hết quý 2 năm 2020. Trong quý 1, cả xuất khẩu và sản xuất tăng đột biến vào tháng 2, có khả năng được hưởng lợi từ nhu cầu thay thế do hoạt động công nghiệp Trung Quốc bị ngưng trệ (Hình 3 và 4). Tuy nhiên những lợi ích này chỉ mang tính ngắn hạn, thể hiện ở sự sụt giảm mạnh của chỉ số PMI trong tháng 3 (Hình 5), và chúng tôi dự kiến sẽ sản xuất công nghiệp trong ba tháng tiếp theo của quý 2 sẽ còn tiếp tục giảm mạnh (Hình 4).
Chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh triển vọng lạm phát không rõ ràng.
Triển vọng lạm phát của Việt Nam khó có thể được đánh giá rõ ràng do cú sốc Covid-19. Các yếu tố ngăn cản đà tăng của lạm phát đến từ việc giá vận tải lao dốc cũng như sự sụp đổ của giá dầu toàn cầu, và sự suy giảm của nhu cầu tiêu thụ trong nước. Cụ thể, giá nhà ở và vật liệu xây dựng trong tháng 4 đã giảm 2.2% so với tháng trước, ghi nhận tháng giảm thứ 3 liên tiếp, giá dịch vụ giáo dục và giải trí cũng đã giảm kể từ tháng Hai. Ở chiều ngược lại, giá lương thực thực phẩm đang có xu hướng tăng mạnh chủ yếu do sự gián đoạn nguồn cung thịt lợn bởi dịch cúm lợn châu Phi (Hình 6). Tổng hợp các yếu tố hỗn hợp này, chúng tôi kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng trung bình năm sẽ dao động khoảng 4% trong suốt phần còn lại của năm 2020, so với mức với trung bình năm 4.9% (oya) tính từ tháng 1 đến tháng 4.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hạ lãi suất điều hành vào ngày 13 tháng 5 sau khi nới lỏng vào tháng 3 (Hình 7). Do đó, lãi suất liên ngân hàng đang có xu hướng giảm nhẹ. Như vậy, theo chúng tôi lạm phát sẽ dao động quanh mục tiêu (4%) và chúng tôi hy vọng mục tiêu tăng trưởng GDP sẽ được giữ vững so với các nước khác trong khu vực, với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát thành công. Giá trị đồng nội tệ được cho là sẽ ổn định trong dải mục tiêu (Hình 8), trong khi đó hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục bị ngưng trệ và đối mặt với rủi ro sụt giảm.