Quyết định rúng động hệ thống thuế toàn cầu
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Hôm 5/6, Bộ trưởng Tài chính của các nước G7 loan tin đã đạt được thống nhất mang tính lịch sử về thuế toàn cầu đánh lên các công ty đa quốc gia.
Các nước này đồng ý trên nguyên tắc mức thuế doanh nghiệp (DN) tối thiểu toàn cầu 15% với mục tiêu tránh một “cuộc đua xuống đáy” hạ thuế thu nhập DN từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
Bên cạnh đó, những “gã khổng lồ” như Google, Facebook sẽ buộc phải trả một khoản phí cho doanh số bán hàng tại quốc gia mà họ kiếm được doanh thu. Theo đó, những công ty lớn có tỷ suất lợi nhuận tối thiểu 10% mới bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này. Tổng cộng 20% của bất kỳ khoản lợi nhuận nào trên mức 10% sẽ được phân bổ lại.
Đây chỉ mới là bước thống nhất quan điểm chung đầu tiên. Để đi đến 1 thỏa thuận có tính bắt buộc áp dụng sẽ còn rất dài và sẽ còn dài hơn để biến thành các sắc thuế cụ thể phù hợp với từng trường hợp và quốc gia cụ thể. Bởi vì, sau thống nhất trên bàn nghị sự các chính khách sẽ còn rất nhiều thỏa thuận, quy định kỹ thuật chứ không đơn giản chỉ hai điều ngắn gọn này.
Một chuyên gia kiểm toán cho biết: Nước ngoài làm rất chi tiết, và bao phủ mọi trường hợp. Họ sẽ đưa ra nhiều tình huống, ví dụ như đang trong giai đoạn đầu tư chưa có lợi thuận thì sẽ như thế nào, trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế thì ra sao… Những con số đưa ra ở trên có thể chỉ là mức chung trong điều kiện nền kinh tế bình thường, còn nếu trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 như thế này thì khó có thể đạt lợi nhuận biên 10% được.
Chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá thỏa thuận này “là điều hợp lý” để tránh việc các đại công ty lập những “văn phòng ảo” ở những ‘tax haven’ để tránh thuế. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trên thế giới có không ít các nơi như thế để các tập đoàn đa quốc gia trú ẩn và né thuế. Những vùng đó thường không đánh thuế các DN hoặc đánh thuế rất thấp đó để mời gọi DN đến đầu tư. Đơn cử, Amazon chuyển lợi nhuận sang các “nơi trú ẩn thuế” như Luxembourg để tránh phải nộp thuế cao.
Điều này, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, đã kích thích nhiều đại công ty mở một “hộp thư” ở đó để lấy địa chỉ và họ tập trung tất cả sổ sách của họ ở văn phòng ảo này.
“Bằng cách thức này, nhiều đại công ty không chịu thuế hoặc phải nộp một khoản thuế rất thấp cho các tax haven này. Vì vậy, việc G7 ra quyết định 15% thuế là điều hợp lý để tránh việc các đại công ty tránh thuế khi đặt văn phòng ảo ở các tax haven”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Nếu thỏa thuận lịch sử này của G7 được thông qua và có nhiều quốc gia hưởng ứng, ông Nguyễn Ngọc Quang, Hội Kế toán hành nghề Việt Nam cho rằng các tập đoàn đa quốc gia sẽ phải nộp mức thuế tối thiểu là 15% cho dù họ mở văn phòng, chi nhánh ở bất cứ đâu trên thế giới, thay vì nộp mức thuế “nhỏ giọt” như từ trước đến nay bằng cách thành lập các chi nhánh ở những “nơi trú ẩn thuế”.
“Như vậy, các tập đoàn có thu nhập ở đâu thì sẽ phải nộp thuế ở đó”, ông Quang nói, “Vừa rồi các nước G7 đã nhóm họp và đưa ra nguyên tắc thuế này cho toàn thế giới. Tôi nghĩ họ sẽ áp dụng được thôi vì điều đó là công bằng”.
Tuy nhiên, thỏa thuận thuế này sẽ cần nhiều quốc gia tham gia mới có thể biến thành hiện thực. Có cơ sở để cho rằng những “nơi trú ẩn thuế” sẽ khước từ thỏa thuận này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng các nước G7 có sức mạnh trong nhiều lĩnh vực nên có thể họ sẽ dùng nhiều biện pháp để buộc các quốc gia, vùng lãnh thổ “dù không muốn cũng phải tuân thủ”.
Điều này theo TS Nguyễn Trí Hiếu là có thể nhìn thấy được.“Có khả năng những nơi trú ẩn thuế này sẽ không hợp tác. Tuy nhiên, các quốc gia G7 có thể dùng quyền lực của mình để buộc phải thực thi. Nếu các vùng lãnh thổ không tuân thủ thì các nước này có thể cấm các công ty của họ mở văn phòng đại diện tại vùng lãnh thổ đó hoặc một cách thức nào đó”.
Chặng đường dài đến công bằng thuế
Bước đi này hiện vẫn còn đang dừng lại ở một thỏa thuận của những nước giàu. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của thỏa thuận này lên toàn thế giới là hiện hữu. Không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào có thể “ngó lơ” trước một chủ trương có thể làm thay đổi cục diện hệ thống thuế toàn cầu.
Mặt khác, nếu thỏa thuận này được thực thi, thì những công ty như Facebook, Google… sẽ khó khăn hơn khi tránh thuế. Hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới đều đối mặt với thực tế các tập đoàn công nghệ kinh doanh dịch vụ xuyên quốc gia nhưng không thể đánh thuế và hưởng lợi từ nguồn doanh thu khổng lồ mà các tập đoàn này kiếm được trên đất của mình.
Facebook đang có doanh thu lớn từ các dịch vụ ở Việt Nam nhưng không có trụ sở tại Việt Nam và không đóng thuế về khoản thu này. Chuyên gia từ Tổng cục Thuế cũng từng thừa nhận bất cập này và cho rằng, nếu các tập đoàn công nghệ kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới khai và nộp đủ thì ngành thuế sẽ thu đủ thuế giá trị gia tăng nếu quảng cáo là 10%, còn thuế thu nhập doanh nghiệp thu trên số lãi thực.
Trong khi nền tảng mạng xã hội xuyên quốc gia như Google, Facebook đang bỏ túi hàng tỉ USD thông qua các ‘thiên đường thuế’ nhưng không đóng thuế tại nơi họ kiếm tiềm, trong khi đó các công ty bản địa vẫn phải đóng thuế thu nhập DN với mức cao
Hiện nay, doanh thu của Facebook, Google… ở Việt Nam là một “hộp đen”, rất khó để biết chính xác họ kiếm được bao nhiêu tiền từ Việt Nam. Thông qua việc phối hợp thông tin với một số ngân hàng, cơ quan thuế chỉ biết được số tiền mà Facebook, hay Youtube chi trả cho các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam, song cũng rất hãn hữu vì cơ chế chia sẻ thông tin tài khoản vẫn còn “vướng”. Ngoài ra, một kênh thu thuế khác được cơ quan thuế áp dụng hiện nay là từ thuế nhà thầu. Có nghĩa các công ty khi sử dụng dịch vụ quảng cáo trên Facebook, Google… phải thực hiện kê khai và chi trả thay cho Google và Facebook thì mới được công nhận là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng thực sự khoản thu từ thuế nhà thầu này vẫn chỉ là khoản thu nhỏ do không phải ai cũng sẵn sàng đứng ra kê khai nộp thuế.
Thống nhất của G7 mới chỉ là phát súng mở màn nhưng chưa biết cụ thể thỏa thuận này sẽ áp dụng rộng rãi đến đâu cả về quy mô thuế và phạm vi địa lý. Việt Nam có hưởng lợi gì hay không vẫn còn là 1 chặng đường dài phía trước.
Tuy nhiên, quan điểm hướng tới sự công bằng và văn minh về thuế sẽ là hướng mở tương lại cho cơ chế thuế toàn cầu. Những quốc gia nơi các tập đoàn đa quốc gia khai thác dịch vụ phải được trả thuế là nguyên tắc phải được tôn trọng và thực thi.
Tuy nhiên, để làm được điều đó nói như TS Nguyễn Trí Hiếu “Facebook, Google phải có cơ sở ở Việt Nam thì mới có thể thu được thuế của họ, còn nếu không thì rất khó để đánh thuế họ được". Thừa nhận rằng vẫn còn rất khó để thu được thuế của Facebook, Google, nhưng ông Nguyễn Ngọc Quang, Hội Kế toán hành nghề Việt Nam đánh giá “cơ quan thuế sẽ có cách để thu được thuế từ Facebook, Google, dù số thuế đó có thể không được theo như ý muốn của chúng ta”.
Song từ thống nhất này của G7 đã mở ra hướng để để Việt Nam có thể đưa ra sáng kiến liên minh thuế với các nước có nhiều doanh nghiệp đa quốc gia ở Việt Nam. Hay tham gia các thỏa thuận thuế với đa phương để đạt được lợi ích cao nhất hoặc có những hiệp định song phương đánh thuế với chính các nước có trụ sở hay đại bản doanh của các big tech. Bởi vì, nếu Việt Nam có thỏa thuận song phương về thuế với quốc gia, vùng lãnh thổ mà những “big tech” này đặt đại bản doanh thì mới biết được thu nhập thực tế của họ ở Việt Nam là bao nhiêu.
Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp, không dễ nhận được sự chia sẻ của các nước vì “ai cũng muốn giành miếng bánh về phần mình”. Hơn nữa, dù thế nào, thỏa thuận thuế này nếu được Quốc hội các nước thông qua rõ ràng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nước giàu, như các nước G7. Còn những nước đang phát triển như Việt Nam, thỏa thuận thuế này tác động như thế nào thì vẫn phải chờ những thông tin chi tiết hơn được đưa ra. Đó là 1 lộ trình dài nhưng nó đã bắt đầu và trong lộ trình đó tính công bằng và văn minh của thuế được đề cao là điều không thể đảo ngược.
Link gốc tại đây.
Theo Vietnamnet