Rủi ro nào có thể lật đổ ngôi vị của USD trong năm 2022
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Ở thời điểm hiện tại, bàn về sự mạnh lên của đồng USD có lẽ là một chủ đề khá tẻ nhạt bởi nó dường như là một điều không thể tránh khỏi. Chỉ số DXY, đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã tăng gần 7% kể từ đầu năm nay. Thật khó có thể tưởng tượng ra một điều gì có thể đảo ngược xu hướng tăng của đồng bạc xanh trong năm 2022. Tuy nhiên, kịch bản này không phải là không thể xảy ra và thậm chí có khả năng xảy ra nhiều hơn bạn nghĩ.
Sức mạnh của đồng USD gắn liền với tương quan của kinh tế Mỹ so với phần còn lại của thế giới. Kinh tế Mỹ hiện vẫn đang chứng minh được sự phục hồi mạnh mẽ của mình so với phần còn lại. Chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ hiện vẫn tăng vượt trội so với các thị trường chứng khoán khác. Đi cùng với đó là việc lạm phát tăng cao và trở nên dai dẳng. Chủ tịch Fed Powell vừa qua đã nói rằng cơ quan này sẽ đẩy nhanh quá trình thu hẹp nới lỏng và tăng lãi suất trở lại.
Trong khi đó, mọi thứ có vẻ bớt nóng bỏng hơn ở bên ngoài nước Mỹ. Tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Ở Châu Âu, làn sóng quay trở lại của dịch bệnh khiến cho các hoạt động kinh tế tê liệt. Và với việc biến chủng Omicron vẫn còn nhiều điểm khó lường, có cảm giác rằng những khó khăn sẽ còn dai dẳng đối với phần còn lại của kinh tế thế giới.
Lý do trên cho thấy sức mạnh của đồng USD là khá vững chắc. Tuy vậy, vẫn có những cản trở có thể khiến cho đồng bạc xanh tạo đỉnh và dần suy yếu trong vài tháng tới. Kịch bản này có thể xảy ra nếu 3 điều kiện sau được đáp ứng.
Thứ nhất, khoảng cách tăng trưởng kinh tế giữa Mỹ và phần còn lại thu hẹp. Nền kinh tế Mỹ hiện đã vượt qua giai đoạn phục hồi trong khi đó các quốc gia khác vẫn còn dư địa để tiếp tục quá trình này. Sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Châu Á do chịu áp lực lớn từ sự chững lại của kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, Châu Âu chưa bao giờ thực sử mở cửa hoàn toàn trở lại và dòng tiền kích thích tài khóa từ quỹ phục hồi chung vẫn đang sẵn sàng để bơm ra. Nước Mỹ có thể đang dẫn đầu trong quá trình phục hồi, nhưng khoảng cách với các đối thủ phía sau sẽ ngày càng sát sao hơn.
Thứ hai, lạm phát dần hạ nhiệt. Giá dầu đã có xu hướng hạ nhiệt trong thời gian qua và cũng đã có những dấu hiệu rằng tình hình tắc nghẽn chuỗi cung ứng đang dần được tháo gỡ. Các khảo sát của các doanh nghiệp tại các trung tâm sản xuất như Đài Loan hay Việt Nam đều cho thấy thời gian giao hàng đang được rút ngắn. Nếu điều này giúp hạ nhiệt lạm phát, nó có thể khiến Fed nới lỏng giọng điệu chính sách hơn so với hiện tại.
Thứ ba, các NHTW khác đuổi kịp Fed trong quá trình thu hẹp chính sách. Việc nền kinh tế Châu Âu phục hồi mạnh mẽ trở lại có thể sẽ kích thích giọng điệu chặt chẽ từ các thành viên ECB. Và chỉ cần một gợi ý nhỏ về khả năng tăng lãi suất trở lại cũng có thể trở thành một yếu tố thay đổi hoàn toàn cục diện đối với đồng tiền chung.
Đối với những người tin tưởng vào xu hướng tăng của đồng USD, những điều nêu ra ở trên có thể là quá xa vời. Quan điểm của họ dựa phần lớn vào tình hình lạm phát cao và khả năng tăng lãi suất của Fed. Tuy nhiên điều này cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Lạm phát không phải là một yếu tố thúc đẩy bền vững cho một đồng tiền, theo nhận định của Steven Englander, trưởng bộ phận giao dịch G7 tại Standard Chartered. Nếu lạm phát tại Mỹ dai dẳng hơn trong trung hạn, nó sẽ là điều không hề tốt cho đồng USD. Hiện tại đồng bạc xanh vẫn đang là người dẫn đầu, tuy vậy vẫn còn đó nguy cơ có thể đánh mất vị trí hiện tại trong thời gian tới.
The Economist