Sau cùng chiến tranh tại Biển Đỏ, liệu người được hưởng lợi nhiều nhất có phải là Trung Quốc hay không?
Nguyễn Phương Anh
Junior Analyst
Trung Quốc đang nỗ lực gặt hái lợi ích chính trị từ cuộc khủng hoảng kênh đào Suez mới.
Sáu năm trước, bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ" (Operation Red Sea) trở thành bom tấn trên màn ảnh tại Trung Quốc. Đây được coi là bộ phim đầu tiên được chiếu tại Trung Quốc tập trung vào thành tích của hải quân Trung Quốc hiện đại, đã vượt qua hải quân Hoa Kỳ trong những năm gần đây để trở thành lực lượng hùng mạnh nhất thế giới. Cốt truyện xoay quanh hoạt động của lực lượng đặc biệt hải quân nhằm giải cứu một công dân Trung Quốc bị quan khủng bố bắt làm con tin ở một quốc gia Biển Đỏ giống Yemen. Sỹ quan chỉ huy nhấn mạnh: “Nhiệm vụ này là một thông điệp gửi tới tất cả những kẻ khủng bố, rằng họ sẽ không bao giờ có thể làm hại công dân Trung Quốc.” Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức các buổi công chiếu bộ phim nhằm khơi dậy lòng yêu nước. Các quan chức cho biết bộ phim thể hiện một Trung Quốc đang “thể hiện vị thế và trách nhiệm xứng tầm với một cường quốc.”
Hoa Kỳ cảnh giác trước nỗ lực bành trướng và vươn ra toàn cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 11, khi phiến quân Houthi ở Yemen bắt đầu tấn công tàu bè ở Biển Đỏ bằng tên lửa và máy bay không người lái, các quan chức Mỹ đã thúc giục Trung Quốc thể hiện đúng tầm vóc của một cường quốc, bằng các ra tay hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng tại đây. Trong 12 giờ họp diễn ra trong ngày 26-27/1 tại Bangkok, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Jake Sullivan, đã cố gắng thuyết phục người đứng đầu bộ phận đối ngoại của Trung Quốc, Vương Nghị, rằng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể giúp ngăn chặn mối đe doạ tại huyết mạch thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc lại nhìn nhận trách nhiệm của mình theo cách khác. Họ không muốn phô trương quyền lực tại Trung Đông. Trung Quốc coi an ninh của khu vực này là một vùng lầy do Hoa Kỳ tạo ra. Đồng thời, Trung Quốc cũng đang khai thác cơ hội để nói lên tình đoàn kết với thế giới Ả Rập.
Ảnh: The Economist
An ninh trong khu vực chắc chắn là điều Trung Quốc luôn quan tâm. Năm 2021, khi một tàu container chặn kênh đào Suez trong 6 ngày gần lối vào Biển Đỏ, Bộ Thương mại Trung Quốc ước tính 60% hàng hoá xuất khẩu của quốc gia này sang châu u đi qua tuyến đường đó (năm trước đó, khoảng 17% hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu tập trung vào các quốc gia EU và Anh).
Lực lượng Houthi tuyên bố hàng chục cuộc tấn công của họ đã nhắm vào các tàu liên kết với các quốc gia hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột ở Gaza (Trung Quốc không nằm trong số các quốc gia này). Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng tấn công đúng đối tượng. Vào ngày 3/12/2023, một tàu container được thuê bởi OOCL, một công ty có trụ sở tại Hồng Kông thuộc sở hữu của Cosco, một hãng vận tải khổng lồ do chính phủ Trung Quốc quản lý, đã bị trúng tên lửa bắn từ máy bay không người lái. Đã có suy đoán cho rằng lực lượng Houthi chưa cập nhật thông tin về con tàu mà trước đây đã từng được một doanh nghiệp Israel thuê. Vào ngày 19/1, lực lượng Houthi cho biết các tàu Trung Quốc và Nga sẽ được đảm bảo có những chuyến đi an toàn qua khu vực Biển Đỏ. Nhưng phần lớn hoạt động thương mại hàng hải của Trung Quốc liên quan tới các tàu đăng ký ở các quốc gia khác, do đó, nhiều con tàu đã chọn hướng đi thận trọng hơn bằng cách đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Xem bản đồ bên dưới).
Ảnh: The Economist
Dữ liệu từ công ty phân tích Spire Global cho thấy trước tháng 12/2023, 99% tàu container đi giữa châu u và Trung Quốc đã đi qua kênh đào Suez. Đến tuần thứ hai của tháng 1/2024, chưa đến một nửa số tàu chọn lộ trình này (Xem Biểu đồ 1). Tuyến Cape có thể làm cho lộ trình kéo dài hơn 2 tuần so với tuyến cũ - giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được phí bảo hiểm cao ngất ngưởng đang phải chi trả cho các chuyến tàu quá cảnh qua Biển Đỏ, nhưng lại làm tăng chi phí vận chuyển. Chỉ số vận chuyển hàng hoá container Trung Quốc, thước đo giá container tại các cảng lớn của Trung Quốc, đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2023 đối với các đơn đến châu u (Xem Biểu đồ 2).
Thân ai nấy lo
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc lại chọn đứng ngoài cuộc trong vấn đề này. Căn cứ quân sự ở nước ngoài duy nhất của Trung Quốc nằm gần khu vực đó, tại Djibouti. Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc vẫn giữ thái độ im ắng. Họ đã không tham gia vào một liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo có tên Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng (Operation Prosperity Guardian), được thành lập để đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng Houthi. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hãng tàu biển Trung Quốc, Sea Legend, đang đề nghị vận chuyển hàng hoá qua khu vực với sự trợ giúp của các tàu hộ tống hải quân Trung Quốc. Trang web của họ hiển thị lịch trình của những người hộ tống ở vịnh Aden, tiếp giáp Biển Đỏ. Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm thực hiện những nhiệm vụ như vậy: Kể từ năm 2009, các tàu chiến của Trung Quốc đã hỗ trợ bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại ở vịnh Aden khỏi các cuộc tấn công của cướp biển Somali.
Ảnh: The Economist
Hoa Kỳ tin rằng Iran đang khuyến khích lực lượng Houthi và Trung Quốc - quốc gia có quan hệ chặt chẽ với chính phủ ở Tehran - có thể giúp thuyết phục quốc gia này dừng các cuộc tấn công tại Biển Đỏ. Theo một quan chức cấp cao tại Hoa Kỳ, ông Sullivan đã nhấn mạnh điều này trong cuộc gặp với ông Vương ở Bangkok. Reuters cho biết, trong một số cuộc chạm trán gần đây ở Bắc Kinh và Tehran, các quan chức Trung Quốc thực sự đã yêu cầu những người đồng cấp Iran kiềm chế lực lượng Houthi. Thông điệp của Trung Quốc là: “Nếu lợi ích của chúng tôi bị tổn hại dưới bất kỳ hình thức nào, điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi với Tehran,” hãng tin này dẫn lời một quan chức Iran cho biết. Quan chức Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã xác nhận họ đang nói chuyện với Iran về các vụ tấn công. “Nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ chờ kết quả trước khi đưa ra bất kỳ bình luận nào,” ông chia sẻ, dường như không chắc chắn “liệu họ thực sự đã đề cập tới vấn đề này hay chưa”.
Trung Quốc thích thể hiện mình là một cường quốc rộng lượng, có thể giúp truyền bá hòa bình ở Trung Đông và các nơi khác trên thế giới. Vào năm 2022, nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã công bố “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” (GSI) rõ ràng nhằm mục đích tập hợp sự ủng hộ dành cho Trung Quốc, đặc biệt là giữa các quốc gia bất mãn với quyền bá chủ của Mỹ. Sáng kiến này kêu gọi chống lại tư duy “chiến tranh lạnh” và phản đối việc “theo đuổi an ninh của chính quốc gia mình bằng cái giá phải trả là an ninh của quốc gia khác”. Đây là những mô tả chính thức của Trung Quốc về hành động của Hoa Kỳ. Ý tưởng theo Trung Quốc đó là xung đột sẽ giảm bớt nếu các quốc gia tập trung vào việc xây dựng nền kinh tế của họ, và sẽ tốt hơn nếu họ tìm đến sự giúp đỡ của Trung Quốc, cũng như đồng thời thuận theo thế giới quan của Trung Quốc.
Không có gì bất ngờ hay mới lạ về Trung Quốc ở đây, nhưng sáng kiến GSI đã được thổi phồng rất nhiều ở Bắc Kinh. Vào tháng 3/2023, Trung Quốc đã tuyên bố giành chiến thắng ở Trung Đông, môi giới một thoả thuận giúp Ả Rập Saudi và Iran khôi phục quan hệ ngoại giao sau 7 năm gián đoạn. Trên thực tế, đó là một kết quả có thể lường trước. Jonathan Fulton thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, một cơ quan nghiên cứu tại Hoa Kỳ, cho biết: “Tôi nghĩ họ đã đến Trung Quốc để nhận được dấu chấp thuận của cường quốc này vào giai đoạn cuối của quá trình hàn gắn mối quan hệ giữa hai quốc gia.” Tuy nhiên, ta không thể kỳ vọng một phép màu tương tự như cách Trung Quốc đã làm với GSI. Kỳ vọng của Hoa Kỳ rằng Trung Quốc có thể giúp chấm dứt khủng hoảng gặp phải nhiều trở ngại. Đầu tiên, Trung Quốc sẵn sàng sử dụng điều mà quan chức Hoa Kỳ gọi là “đòn bẩy đáng kể” của họ tại Iran, quốc gia xuất khẩu khoảng 90% lượng dầu sang Trung Quốc. Trung Quốc hoan nghênh nguồn cung năng lượng giá rẻ này - chúng chiếm khoảng 10% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc. Và họ trân trọng tình hữu nghị với một quốc gia cùng chia sẻ những mối lo ngại về quyền lực của Hoa Kỳ.
Thứ hai, Iran cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cho lực lượng Houthi, nhưng khả năng kiểm soát tình hình của họ có thể bị hạn chế. Dina Esfandiary của Crisis Group, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, cho biết: “Lực lượng Houthi được củng cố sức mạnh bởi Iran, khiến cho Iran có thể đem lại ảnh hưởng ít nhiều tới hành động của họ. Nhưng nếu những gì họ muốn làm trái ý với Iran, họ cũng không ngần ngại tiếp tục làm điều đó.” Trong khi đó, Trung Quốc đang gần như không cần cố gắng vào việc đảm bảo hòa bình ở Gaza – họ thiếu sức mạnh để đạt được nhiều thành tựu ở đó. Phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã tung ra nhiều tin tức cáo buộc Hoa Kỳ đã châm ngòi cho cuộc chiến. Ông Vương đã nhấn mạnh rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không chấp thuận các cuộc tấn công của Hoa Kỳ và Anh ở Yemen.
Trung Quốc sẽ có nhiều điều phải lo ngại trước một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực. Theo Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, một cơ quan tư vấn ở Washington, các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 20 tỷ USD vào các quốc gia xung quanh Biển Đỏ, chủ yếu ở Ai Cập và Ả Rập Saudi. Hơn 70% lượng dầu mà Trung Quốc tiêu thụ được nhập khẩu, khoảng một nửa trong số đó đến từ Trung Đông.
Ảnh: The Economist
Nhưng hiện tại, Trung Quốc dường như tin rằng mối đe dọa từ lực lượng Houthi vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Cosco cho biết họ sẽ định tuyến lại các tàu quanh Mũi Hảo Vọng và ngừng giao hàng đến Israel. Tuy nhiên, một số tàu của Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động ở Biển Đỏ. Các tàu cố gắng tự bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công của Houthi bằng cách tạo mối liên kết rõ ràng với Trung Quốc trong hệ thống nhận dạng tự động của họ — các bộ tiếp sóng được trang bị trên các tàu có trọng tải lớn hơn trong các chuyến hành trình quốc tế. Các nhà phân tích của Spire Global nhận thấy, vào cuối tháng 1, hơn 30 tàu mỗi ngày ở Biển Đỏ đang cố gắng truyền thông rọng rãi về sự kết nối đó (Xem Biểu đồ 3).
Rất nhiều người hâm mộ điện ảnh ở Trung Quốc đang đón chờ phần tiếp theo của bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ", nhiều người đoán sẽ được phát hành trong năm nay. Hy vọng phần tiếp theo có thể mở ra một “chiều không gian” khác cho khán giả, nơi Trung Quốc có thể hoạt động tích cực hơn tại Trung Đông.
The Economist