Sự độc lập của BOE đang bị đe dọa?
Thảo Nguyên
Junior Analyst
Vai trò của Ngân hàng Trung ương Anh ngày càng căng thẳng khi chính phủ mới cho biết họ có ý định xem xét lại nhiệm vụ của cơ quan này, sau đó lại công bố một kế hoạch ngân sách có nguy cơ làm lạm phát trầm trọng hơn.
Vai trò của Ngân hàng Trung ương Anh đã thay đổi kể từ khi được thành lập vào năm 1694 để tài trợ cho cuộc chiến tranh với Pháp. Nhiệm vụ chính của họ ngày nay là giữ giá cả trong tầm kiểm soát, công việc họ đã làm tốt kể từ khi được trao quyền kiểm soát lãi suất 25 năm trước. Tuy nhiên, gần đây, quốc gia này phải vật lộn để đối phó với những cú sốc do đại dịch gây ra và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Các nhà hoạch định chính sách của BoE càng thêm áp lực khi chính phủ mới cho biết họ có ý định xem xét lại nhiệm vụ của tổ chức này, sau đó tung ra một kế hoạch ngân sách có nguy cơ làm lạm phát trầm trọng hơn. Sự căng thẳng đang bao trùm lên tương lai của một tổ chức từ lâu được coi là hình mẫu cho những người khác noi theo.
1. Hệ thống BoE hoạt động như thế nào?
Sau sự sụp đổ của chế độ Bretton Woods về tỷ giá hối đoái cố định vào đầu những năm 1970 và lạm phát cao sau đó, nhiều ngân hàng trung ương, bao gồm cả BOE, đã áp dụng một nguyên tắc của Milton Friedman - nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, đó là: cách tốt nhất để đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định và duy trì hệ thống tài chính vững mạnh là tập trung vào việc giữ giá cả ổn định. Họ đặt ra mức lạm phát mục tiêu và giữ cho giá cả tăng lên một mức nhỏ mỗi năm. BoE cho biết điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng thiết lập mức giá phù hợp hơn và giúp mọi người lên kế hoạch chi tiêu cá nhân.
2. Ai sẽ đặt ra mức lạm phát mục tiêu?
BoE có nhiệm vụ đạt được mục tiêu về tỉ lệ lạm phát mà chính phủ Anh đặt ra. Hiện tại, tỷ lệ này là 2% dựa trên CPI, mức tương tự các NHTW của các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến. Nếu lạm phát tăng hoặc giảm hơn 1 điểm phần trăm so với mục tiêu, Thống đốc Ngân hàng sẽ phải giải trình cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh để giải thích rõ lý do và phương hướng khắc phục.
3. Làm thế nào để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát?
Công cụ chính sách chính của NHTW là lãi suất tiền gửi qua đêm - mức lãi suất mà ngân hàng trung ương trả cho các khoản tiền gửi của các ngân hàng thương mại để tại BoE. Sau đó các NHTM sẽ chỉ cho cá nhân và doanh nghiệp vay nếu nhận được lãi suất cao hơn lãi suất phi rủi ro của BoE. Vì vậy, khi lãi suất điều hành của BoE tăng, các NHTM sẽ tăng lãi suất cho vay, điều này giúp hạn chế nguồn cung tiền trong nền kinh tế và kiềm chế giá cả. Tương tự, khi lãi suất điều hành giảm, cung tiền tăng và giá cả tăng lên. Từ năm 1997 đến trước đại dịch, lạm phát trung bình ở Anh là 2% một năm.
Biểu đồ 1: Cung tiền ở Anh tăng trưởng mạnh cho thấy lạm phát tăng mạnh
4. Vai trò của BoE thay đổi như thế nào qua từng thời kỳ?
Trước năm 1997, lãi suất do Thủ tướng quy định, Thống đốc BoE chỉ đưa ra tham vấn. Về sau, ngay sau khi nhậm chức, chính phủ Đảng Lao Động của Tony Blair đã cho phép NHTW hoạt động độc lập và thành lập Ủy ban Chính sách tiền tệ gồm chín thành viên do thống đốc lãnh đạo. Ban đầu, mục tiêu lạm phát của BoE là 2.5% dựa trên Chỉ số giá bán lẻ (Retail Price Index) loại trừ các khoản lãi suất thế chấp. Năm 2003, mục tiêu đã được chuyển sang 2% dựa trên CPI. Vào năm 2013, BoE đã có một bước ngoặt khi George Osborne, Bộ trưởng Bộ tai chính thuộc Đảng Bảo thủ tuyên bố có thể chấp nhận lạm phát vượt quá mục tiêu nếu hỗ trợ được tăng trưởng và việc làm. Vào thời điểm đó, lạm phát đang ở gần 3% và nền kinh tế đang trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng Euro.
Biểu đồ 2: Lạm phát ở Anh đã tăng gấp 5 lần so với mục tiêu BOE 2%
5. Vấn đề hiện tại là gì?
Chi phí năng lượng và thực phẩm nhập khẩu tăng vọt đã đẩy lạm phát lên 9.9% trong tháng 8, gần gấp năm lần mục tiêu và cao hơn so với các quốc gia khác trong Nhóm G7. Các thành viên của Đảng Bảo thủ cầm quyền cáo buộc Thống đốc BoE - Andrew Bailey rằng đã phớt lờ những dấu hiệu ban đầu của việc giá cả tăng mạnh và hành động chậm trễ làm tăng khả năng suy thoái. Kể từ khi Thủ tướng Liz Truss nhậm chức, chính sách của chính phủ ngày càng mâu thuẫn với kế hoạch chống lạm phát của BoE. Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng ngày 23/9 đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế và tài trợ thâm hụt ngân sách lớn để cố gắng thúc đẩy nền kinh tế.
Động thái này có thể khiến BoE khó có thể kiểm soát giá cả trở lại mà không dính tới khủng hoảng nợ cá nhân và đẩy đất nước vào một cuộc suy thoái kéo dài.
6. Bà Truss muốn thay đổi BoE như thế nào?
Trước khi nhậm chức vào tháng 9, bà Truss cho biết Vương quốc Anh đang phải đối mặt với tình hình kinh tế chưa từng thấy và chiến lược kinh tế thông thường đang vô hiệu. BOE nên duy trì độc lập, nhưng đã đến lúc xem xét lại nhiệm vụ của mình, bà nói. Trong một bài báo, Truss cho biết sự gia tăng lạm phát do hàng hóa gây ra đã trở nên trầm trọng hơn bởi chính sách tiền tệ.
7. Việc hướng tới mục tiêu cung tiền có tác dụng gì không?
Vào đầu những năm 1980, chính phủ Margaret Thatcher đã đặt ra các mục tiêu cung tiền để vật lộn với lạm phát hai con số. Ý tưởng là đạt đến một mức cung tiền nhất định để giữ giá ổn định trong dài hạn, ngay cả khi lạm phát cao hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chỉ số đo lường biến động mạnh và đôi khi mâu thuẫn với các tín hiệu khác về tình trạng của nền kinh tế. Điều đó dẫn đến việc các mục tiêu tiền tệ không còn được ưa chuộng, được thế chỗ bởi các chính sách thao túng tỷ giá hối đoái để neo lạm phát. Những người ủng hộ việc đo lường cung tiền đã giành lại một số quyền lực sau khi Tim Congdon, cố vấn của Thatcher, đã dự đoán mức tăng lạm phát gần đây từ rất sớm sau khi chứng kiến tốc độ gia tăng cung tiền tăng vọt 15% khi bắt đầu đại dịch.
8. Sự độc lập của BOE có gặp rủi ro không?
Ông Kwarteng cho biết chính phủ cam kết "tuyệt đối" về việc giữ BoE độc lập cùng mục tiêu lạm phát 2%. Tuy nhiên một số nhà phân tích lo ngại về sự can thiệp chính trị vào công việc của ngân hàng. Nếu BoE mất uy tín, nền kinh tế sẽ thiệt hại vì chính sách tiền tệ khó đoán định hơn. Rủi ro cao hơn khiến các nhà đầu tư yêu cầu lợi nhuận cao hơn khi sở hữu nợ chính phủ Anh. Thủ tướng có quyền thay đổi lãi suất qua đêm BoE bằng cách gửi thư cho Thống đốc. Trên thực tế, chính phủ có thể sẽ chính thức tham khảo ý kiến về vấn đề này để báo hiệu ý định của mình.
Bloomberg