Sự sụp đổ của chính phủ Đức là “tin tốt” đối với đất nước này

Sự sụp đổ của chính phủ Đức là “tin tốt” đối với đất nước này

Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

08:23 14/11/2024

Một chính phủ đầy rẫy những bất đồng và trì trệ sẽ không có chỗ đứng trong kỷ nguyên mới của Donald Trump.

Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lần đầu tiên được bầu vào tháng 11/2016, nhiều quốc gia châu Âu đã tập hợp xung quanh Thủ tướng Đức Angela Merkel và coi bà là nhà lãnh đạo mới của thế giới tự do. Bốn năm sau ngày đó, họ có lẽ sẽ phải tìm kiếm một hình tượng khác để đi theo, sau khi Liên minh ba đảng của Đức dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz vừa sụp đổ sau khi Đảng Dân chủ Tự do — một đảng nhỏ ủng hộ doanh nghiệp — bất đồng với các đảng khác trong vấn đề định hướng nền kinh tế của đất nước.

Thời điểm này có vẻ tồi tệ, ngay sau khi Trump tái đắc cử chỉ một vài ngày trước đó, và điều này có khả năng sẽ đẩy châu Âu và Đức vào một kỷ nguyên bất ổn. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc khủng hoảng ở Berlin có thể là một tin tốt. Liên minh Dân chủ Xã hội, Xanh và Dân chủ Tự do của Scholz từ lâu đã là liên minh có nhiều bất đồng nhất và trì trệ nhất trong vài thập kỷ trở lại đây. Các thành viên của liên minh đã liên tục đối đầu nhau trong các vấn đề của Liên minh châu Âu, viện trợ Ukraine, chính sách Trung Quốc và cải cách kinh tế. Với việc Trump trở lại Nhà Trắng, Đức và châu Âu không thể chấp nhận tình trạng gần như tê liệt hoàn toàn tại Berlin.

Sau cuộc bầu cử quốc gia năm 2021 tại Đức, ba đảng đã tuyên bố “một khởi đầu mới” để phá vỡ sự trì trệ dưới thời của Merkel. Sau đó, khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine vào năm 2022, họ đã hứa sẽ tính toán lại mô hình kinh doanh cũ của Đức, vốn phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga, xuất khẩu của Trung Quốc, vốn đầu tư ngày càng tăng và sự bảo vệ về mặt quân sự của Hoa Kỳ.

Và hai năm sau lời hứa đó, ngay cả những người lạc quan nhất cũng khó có thể thấy bất kỳ sự tiến bộ nào. Thay vì tiến lên với tư cách là nhà lãnh đạo của châu Âu và phương Tây, liên minh này đã từ bỏ vai trò lãnh đạo ở châu Âu, tránh đưa ra các quyết định chiến lược cấp bách cho khu vực và ưu tiên lợi ích quốc gia. Về vấn đề Ukraine, Đức có thể đạt được thành tích tốt nhất khi là một trong những nhà tài trợ lớn nhất, dẫn đầu về các cam kết cung cấp vũ khí hạng nặng và đứng thứ hai về tổng viện trợ cho Ukraine sau Hoa Kỳ (mặc dù chỉ đứng thứ 15 về mức viện trợ theo tỷ lệ phần trăm GDP) và đã chấp nhận nhiều nhất người tị nạn Ukraine hơn bất kỳ quốc gia nào.

Tuy nhiên, Đức không có trọng tâm chiến lược hoặc ý thức cấp bách về tình hình hiện tại. Đi ngược lại với tuyên bố của chính ông ta về việc đồng hành với các đồng minh, Scholz vẫn tiếp tục từ chối hỗ trợ bằng tên lửa Taurus do Đức sản xuất, ngay cả sau khi Anh, Pháp và Hoa Kỳ đã viện trợ tên lửa tấn công tầm xa của riêng họ. Và mức viện trợ dành cho Ukraine đã bị cắt giảm cũng như không được ưu tiên trong ngân sách liên bang năm 2025, với việc chính phủ Đức tuyên bố một cách không thành thật rằng các khoản vay được hỗ trợ bởi lãi suất thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga sẽ bù đắp cho việc cắt giảm. Việc sử dụng tài sản của Nga được coi là một biện pháp nhằm mở rộng mức viện trợ của phương Tây, chứ không phải thay thế nó như những gì mà Đức đã làm.

Đối với chi tiêu cho ngân sách quốc phòng của chính mình, Đức cuối cùng đã đạt mức tối thiểu 2% GDP của NATO trong năm nay, nhưng quỹ đặc biệt ngoài ngân sách được tạo ra để thúc đẩy mức chi tiêu này sẽ cạn kiệt vào năm 2027. Berlin dự định tài trợ quốc phòng như thế nào vào năm 2028 trở đi là hoàn toàn không rõ ràng; liên minh chỉ đơn giản là lảng tránh vấn đề đó. Bộ trưởng Quốc phòng, người của đảng Dân chủ Xã hội, Boris Pistorius là chính trị gia nổi tiếng nhất ở Đức, và đó là lý do tại sao Scholz không mấy nổi tiếng đã gạt ông sang một bên, bằng cách cho biết rằng mức ngân sách năm 2025 không cung cấp đủ kinh phí để trang trải chi phí nhân sự tăng lên, chứ đừng nói đến việc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực khác. Cuộc thảo luận của Đức về việc khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự cho lực lượng đang dần cạn kiệt của họ không đi đến đâu ngoài việc tiếp tục duy trì chế độ tự nguyện. Khác xa với việc trở thành một nhân tố hộ trỡ an ninh khu vực hàng đầu và “lực lượng vũ trang được trang bị tốt nhất” ở châu Âu, như Scholz đã hứa, Đức dường như đang tiếp tục mọi thứ một cách bình thường như dưới thời của Merkel.

Ở châu Âu, chính phủ Scholz đã bị coi là chính quyền đơn phương, hướng nội và bất đồng nhất trong một thời gian dài. Berlin không chỉ đơn phương áp đặt lại các biện pháp kiểm soát biên giới như một phản ứng trong sự hoảng loạn trước việc những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang gia tăng sau một loạt các vụ tấn công bạo lực liên quan đến người di cư, mà đại diện của chính phủ Đức tại Liên minh châu Âu cũng ngày càng tránh việc tham gia bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu trắng vì ba đảng của liên minh không có quan điểm thống nhất.

Lợi ích chung của khu vực châu Âu dường như hoàn toàn không nằm trong tính toán của Đức. Khi Đức cùng với Hungary, Malta, Slovakia và Slovenia bỏ phiếu chống lại việc áp đặt thuế quan đối với xe điện của Trung Quốc, bộ trưởng Tài chính thuộc đảng Dân chủ Tự do Christian Lindner, người mà Scholz đã sa thải vào ngày 06/11, là người đầu tiên nói “không” với đề xuất của cựu Chủ tịch ECB Mario Draghi về việc tăng khả năng cạnh tranh của Châu Âu với các khoản đầu tư quy mô lớn được tài trợ thông qua nợ chung.

Với việc bầu cử sớm dự kiến ​​vào cuối tháng 3, đây sẽ là một cơ hội mới để Đức khẳng định vai trò lãnh đạo đối với những vấn đề chiến lược này. Nếu một cuộc bỏ phiếu được tổ chức hôm nay, kết quả có khả năng nhất sẽ là một liên minh lớn của Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu và Dân chủ Xã hội trung tả — với đảng trung hữu đứng đầu và do đó sẽ có được chức vị thủ tướng. Họ sẽ cùng nhau chiếm khoảng 48% số phiếu bầu. Trước đó, bà Merkel đã lãnh đạo đất nước này 12 trên 16 năm với tư cách là thành viên của Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo. Mặc dù, trong lần bầu cử này, đất nước đang bị ảnh hưởng bởi nhận thức về sự trì trệ, nhưng việc thay đổi thủ tướng có thể mang lại sức mạnh mới cho chính sách đối ngoại của Đức.

Friedrich Merz, chủ tịch đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và có khả năng là thủ tướng của một liên minh lớn, cuối cùng sẽ đạt được mục tiêu cả đời của mình sau khi bị Merkel đẩy ra khỏi chính trường hai thập kỷ trước. Về an ninh, Merz đã báo hiệu rằng ông ta có lập trường cứng rắn hơn về Ukraine so với Scholz. Ông công khai thách thức Scholz hãy đưa ra tối hậu thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin: Ngừng tấn công cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine trong vòng 24 giờ, nếu không Đức sẽ phóng tên lửa Taurus. Mặc dù Merz sẽ cần phải thực hiện theo lời nói của mình bằng hành động nếu và khi ông thực sự tham gia vào chính quyền, nhưng một liên minh lớn cũng có thể cung cấp sự linh hoạt tài khóa mới để đảm bảo chi tiêu quốc phòng và viện trợ cho Ukraine, vì cả hai đảng đều có thể đồng ý nới lỏng các hạn chế tài khóa của Đức, điều mà Lindner và Đảng Dân chủ Tự do phản đối.

Đây sẽ là kiểu lãnh đạo mà các đối tác châu Âu của Đức đã chờ đợi kể từ năm 2022, khi Scholz tuyên bố một Zeitenwende — hoặc kỷ nguyên mới — về an ninh và quốc phòng mà không bao giờ trở thành hiện thực. Và kiểu lãnh đạo đó sẽ là không thể thiếu khi chiến tranh đang hoành hành ở châu Âu và Trump trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai.

Foreign Policy

Broker listing

Cùng chuyên mục

Đồng Yên Nhật đang đưa ra cảnh báo quan trọng cho thị trường tài chính toàn cầu
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Đồng Yên Nhật đang đưa ra cảnh báo quan trọng cho thị trường tài chính toàn cầu

Đồng JPY đang mạnh lên khi thị trường kỳ vọng BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất, với mức định giá 65% khả năng tăng lãi suất vào tháng 12 và 83% khả năng vào tháng 1. Điều này tiếp tục thúc đẩy các đợt rút lui của nhà đầu tư khỏi các giao dịch Carry trade, thậm chí có khả năng gây ra sự biến động trên thị trường tài chính toàn cầu tương tự như hồi tháng 7.
Báo cáo Kaiko Research tuần 1 tháng 12: Cuộc chiến thị phần khốc liệt giữa các sàn giao dịch
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Báo cáo Kaiko Research tuần 1 tháng 12: Cuộc chiến thị phần khốc liệt giữa các sàn giao dịch

Bitcoin đã kết thúc tuần qua ở mức $97,000 bất chấp sự lo lắng của thị trường từ các mối đe dọa thuế quan của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc, Canada và Mexico. Trong khi đó, Tether thông báo sẽ tạm ngừng phát hành stablecoin được hỗ trợ bằng EUR (EURT) do những thách thức về quy định, trong khi một tòa án Hoa Kỳ đã lật lại các lệnh trừng phạt đối với Tornado Cash.
Báo cáo triển vọng 2025 JP Morgan Asset Management - Phần III: Tái cân bằng danh mục đầu tư sau thời kỳ biến động
Tạ Thị Giang

Tạ Thị Giang

Junior Analyst

Báo cáo triển vọng 2025 JP Morgan Asset Management - Phần III: Tái cân bằng danh mục đầu tư sau thời kỳ biến động

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong hai năm qua đã làm cho mức định giá ở một số thị trường trở nên cao hơn, và điều này đã dẫn đến việc các danh mục đầu tư trở nên mất cân bằng về loại tài sản, ngành nghề, phong cách và khu vực. Khi cơn bão chu kỳ qua đi nhưng sương mù chính sách vẫn còn đọng lại, điều quan trọng nhất mà các nhà đầu tư cần làm là thực hiện việc tái cân bằng danh mục đầu tư sau những năm rất bất thường.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ